Theo thống kê trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 100.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Năm 2019, là 320.331 ca bệnh, cao nhất trong 32 năm trở lại đây, trong đó có 53 trường hợp tử vong.
Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc SXH tại 58 tỉnh, thành phố. Tính riêng tại Hà Nội có 155 ca mắc SXH tại 105 xã, phường của 24 quận, huyện.
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh SXH do muỗi gây ra, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Trong đó các đối tượng như trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai là dễ bị tổn thương nhất, bệnh làm giảm thể tích tuần hoàn nên trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm.
Trong khi đó, người cao tuổi thường mắc các bệnh nền như đái tháo đường, bệnh về gan, thận, đây là những yếu tố khiến bệnh SXH diễn biến nặng hơn.
Với phụ nữ mang thai, dù chưa ghi nhận trường hợp vi rút Dengue gây nên dị tật thai nhi nhưng khi mắc SXH có thể dẫn đến sẩy thai. Do đó, khi có các triệu chứng như chảy máu, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt ra nhiều hay chảy máu âm đạo, đau bụng dữ dội, rối loạn ý thức hoặc co giật, khó thở… thì cần đến ngay bệnh viện bởi đó là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Cho đến nay, sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Trong thời gian đầu, các triệu chứng lâm sàng của bệnh giống với các bệnh sốt vi rút thông thường, do vậy người dân rất dễ chủ quan không điều trị hoặc tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến bệnh trở nặng. Người mắc SXH có thể bị cô đặc máu, tụt huyết áp và thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, trong đó paracetamol và các biệt dược của paracetamol là loại được khuyến cáo dùng để hạ sốt, giảm đau trong điều trị SXH.
Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý dùng những thuốc hạ sốt, giảm đau chống chỉ định với bệnh SXH như aspirin, mefenamic acid, ibuprofen… Mặc dù những thuốc này có chức năng hạ sốt nhưng lại có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu, khi dùng để điều trị SXH thì sẽ gây kích ứng xuất huyết dạ dày dữ dội, giảm tiểu cầu, khó cầm máu khi bị xuất huyết, có thể rối loạn đông máu.
Bên cạnh đó, người mắc SXH không nên tự ý truyền dịch. Bởi vì truyền dịch tùy tiện, nhất là trong giai đoạn hồi phục, rất nguy hiểm vì có thể gây thừa dịch, phù phổi hoặc suy tim.
Bệnh nhân SXH được khuyên uống nhiều nước oresol, nước trái cây. Tuy nhiên, khi pha oresol, một số người không đọc hướng dẫn sử dụng nên pha không đúng liều lượng, pha ít nước hơn so với hướng dẫn, dẫn đến tình trạng rối loạn nước điện giải. Có bệnh nhân uống ít nước oresol trong giai đoạn sốt nhưng lại bổ sung quá nhiều trong giai đoạn hết sốt, gây hiện tượng thừa nước, có thể dẫn đến phù phổi cấp.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất là diệt loăng quăng, bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; thường xuyên phun hóa chất, phát quang bụi rậm.
Hàng tuần, cần loại bỏ vật liệu phế thải như chai, lọ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ… để không cho muỗi trú ngụ, đẻ trứng. Khi ngủ, mọi người phải mắc màn, có thể mặc quần áo dài phòng muỗi đốt cả vào ban ngày. Người dân cần chủ động phối hợp với cơ quan y tế trong mỗi đợt phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Không có loăng quăng, bọ gậy không có sốt xuất huyết.
Theo Duy Tuân/Sở Y Tế Hà Nội