Seatimes – Ngày 25/9/2023, Hãng truyền thông AFP đưa tin, Nga thông báo đã đưa tên thẩm phán Piotr Hofmanski, Chủ tịch Tòa Hình sự Quốc tế ở The Hague (Hà Lan), vào danh sách truy nã, 6 tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bị tòa án này phát lệnh bắt. Bộ Nội vụ Nga không cung cấp thông tin chi tiết về những cáo buộc dẫn đến quyết định bắt giữ thẩm phán Hofmanski của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC).
“Hofmanski Piotr Jozef, người Ba Lan. Bị truy nã theo điều khoản của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga”, AFP dẫn thông báo trên cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ Nga.
Vào tháng 3/2023, ICC ra lệnh bắt ông Putin về các cáo buộc liên quan đến chiến sự Ukraine. ICC cũng phát lệnh bắt bà Maria Lvova-Belova, Ủy viên Tổng thống Nga về quyền trẻ em, với những cáo buộc tương tự.
Lệnh bắt của ICC vấp phải phản ứng dữ dội từ Nga. “Như một số nước khác, Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và theo đó, bất kỳ quyết định nào kiểu này đều vô hiệu đối với Nga về mặt pháp lý”, hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Bà Maria Zakharova, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, nhấn mạnh mọi quyết định của ICC “hoàn toàn không có ý nghĩa” đối với Nga. Và Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin nói động thái này là bằng chứng về “sự cuồng loạn” của phương Tây.
“Chúng tôi coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Tổng thống Liên bang Nga đều là hành vi gây hấn với đất nước chúng tôi”, ông Volodin nói, theo Reuters hồi tháng 3.
Trước khi ra lệnh truy nã thẩm phán chủ tịch ICC, Nga cũng phát lệnh bắt công tố viên Karim Khan và một số thẩm phán khác của tòa án ở The Hague.
Vào tháng 9, ICC mở văn phòng địa phương ở Ukraine, theo một phần của nỗ lực truy cứu trách nhiệm của quân đội Nga về chiến sự Ukraine.
Philippines rút khỏi Tòa Hình sự Quốc tế
Trước đó, ngày 18/3/2023, Philippines chính thức rút khỏi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), một năm sau tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte để phản đối ICC điều tra cuộc chiến bài trừ ma túy tại nước này. Với quyết định trên, Philippines là quốc gia thứ hai trên thế giới sau Burundi rời ICC. Theo quy định, việc ly khai chỉ có hiệu lực sau một năm kể từ khi một quốc gia thông báo về quyết định của mình bằng văn bản cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
“Các thành viên đã được thông báo việc Philippines rời ICC chính thức có hiệu lực”, AFP dẫn lời phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Eri Kaneko cho hay.
Tuy nhiên, mọi vụ án đang được tòa triển khai vẫn không “bị hủy bỏ”, có nghĩa là cuộc điều tra về chiến dịch bài trừ ma túy gây tranh cãi tại Philippines do công tố viên Fatou Bensouda triển khai từ tháng 2.2018 vẫn tiếp diễn.
ICC ngày 9/2/2018 tuyên bố khởi động cuộc điều tra về cáo buộc cảnh sát Philippines đã giết hàng ngàn người mà không qua xét xử trong chiến dịch được triển khai từ giữa năm 2016, thời điểm ông Duterte nhậm chức tổng thống.
Sau đó, ngày 16/3/2018, chính phủ Philippines gửi công văn chính thức cho Liên Hiệp Quốc, tuyên bố rút khỏi hiệp ước thành lập ICC.
Hoàng Hạnh/theo tapchidongnama.vn