Seatimes – Liên tục trong những ngày từ 22, 23/4/2023, ông Herrera đã đưa ra các cảnh báo về nhiệt độ như thiêu đốt và gọi đây là “đợt nắng nóng bất tận” ở Đông Nam Á. Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera mô tả đây là đợt nắng nóng tháng 4 “tồi tệ nhất” trong lịch sử châu Á. Trong bài đăng ngày 23/4, ông cho biết sóng nhiệt vẫn chưa buông tha cho Thái Lan, Lào và Việt Nam. Tại Việt Nam, ông cho biết nhiệt độ ở quần đảo Trường Sa lên tới hơn 35 độ C trong ngày 23/4, là mốc nhiệt độ cao cực kỳ hiếm.
Mặc dù các quốc gia nhiệt đới, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu ở châu Á đã quen với các đợt nắng nóng vào thời điểm này trong năm, các nhà khoa học chắc chắn rằng sự nóng lên toàn cầu đã khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn trong những năm gần đây.
Jason Nicholls, nhà khí tượng của AccuWeather, cho biết trên USAToday rằng “sức nóng là do một dải áp suất cao kéo dài từ Vịnh Bengal đến Biển Philippines” đã làm ít nhất 12 quốc gia trải dài trên một khu vực rộng lớn của châu Á nóng như sôi trong tháng 4.
AccuWeather cho rằng quy mô của đợt nắng nóng mang dấu hiệu của biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn với cường độ cao hơn.
Giáo sư David Karoly, Trường khoa học Địa lý, Trái đất và Khí quyển của Đại học Melbourne, cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông cho rằng bản chất khắc nghiệt của những đợt nắng nóng hiện nay đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Vì vậy, ông Karoly khuyến cáo các chính phủ cần suy nghĩ về các giải pháp thích ứng với nắng nóng, đặc biệt ở môi trường đô thị, như tăng thêm các hòn đảo xanh với cây tạo bóng râm và thảm thực vật.
Các nhà khoa học khí hậu nhận định thế giới có thể chứng kiến các mức nhiệt độ kỷ lục mới trong năm 2023 và 2024. Cụ thể, nhiệt độ này “được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu và sự trở lại theo dự đoán của hiện tượng thời tiết El Niño”.
El Nino là hiện tượng gió thổi về phía Tây dọc theo đường xích đạo, chậm lại khiến nước biển ấm, dịch chuyển về phía Đông.
Theo Cơ quan Khí tượng Úc, sau 3 năm xảy ra mô hình khí hậu La Niña, nhiệt độ mặt nước biển sẽ chuyển qua mô hình khí hậu El Niño vào tháng 8 năm nay. Các đợt nắng nóng trong năm nay có thể tạo nên các kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình.Các mô hình khí hậu từ các tổ chức nghiên cứu khí hậu toàn cầu cho thấy, sau 3 năm chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina ở Thái Bình Dương, làm giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu, thế giới có thể chịu sự quay trở lại của El Nino (gây nóng hơn) vào cuối năm nay.
Kết quả sẽ khiến nhiệt độ bề mặt đại dương nóng hơn.Newswire cho biết: “Năm nóng nhất thế giới được ghi nhận cho đến nay là năm 2016, trùng với hoạt động El Niño mạnh – mặc dù biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ khắc nghiệt ngay cả trong những năm không có hiện tượng này. Theo Newswire, tám năm qua là tám năm nóng nhất được ghi nhận trên thế giới – phản ánh xu hướng nóng lên trong dài hạn do phát thải khí nhà kính”.
Friederike Otto, giảng viên tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh) cho biết: “Nhiệt độ do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang phải hứng chịu hậu quả bao gồm các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng. Nếu El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016, trong khi nhiệt độ thế giới tiếp tục ấm lên do con người phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch”.
Trong năm 2022, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, điển hình như châu Âu đã trải qua mùa hè nóng kỷ lục hay mưa cực đoan gây ra lũ lụt thảm khốc ở Pakistan và mực nước biển ở Nam Cực xuống mức thấp kỷ lục.
Copernicus cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu của thế giới hiện cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mặc dù hầu hết các nhà phát thải lớn trên thế giới cam kết cuối cùng sẽ cắt giảm lượng khí thải ròng của họ xuống còn 0 thì lượng khí thải Co2 toàn cầu năm ngoái ghi nhận vẫn tiếp tục tăng.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ