Seatimes – (ĐNA). Sáng nay, 20/12/2024, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp báo Quý IV năm 2024. Một trong những nội dung của cuộc họp là trao đổi của lãnh đạo Sở Thông tin – Truyền thông thành phố về “Tình hình hoạt động của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác trên địa bàn năm 2024”
Hiện, tại địa bàn Đà Nẵng có 116 cơ quan báo chí hoạt động gồm: 4 cơ quan báo chí địa phương (trong đó, báo in có cơ quan báo chí; báo hình, báo nói: 1 và báo điện tử (1); 112 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đặt Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động tại Đà Nẵng.
Thời gian quan, hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố về cơ bản, đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã dành sự quan tâm đặc biệt và hỗ trợ thành phố trong công tác thông tin tuyên truyền trên địa bàn thành phố. Do đó, mọi chủ trương, chính sách, thông tin đã được thông tin kịp thời, nhanh chóng và chính xác đến nhân dân.
Các cơ quan báo chí cơ bản hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tích cực cử phóng viên tham dự và đưa tin các sự kiện, chương trình lớn của UBND thành phố, đưa tin bám sát nội dung sự kiện, các vấn đề thời sự, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của thành phố Đà Nẵng chính trị của Đảng bộ và chính quyền của thành phố.
Năm 2024, các cơ quan báo chí đăng tải khoảng 2.000 tác phẩm về tình hình chính trị, văn hóa, xã hội nổi bật của thành phố, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, củng cố và mở rộng quan hệ của thành phố với các nước, các tổ chức quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch nước ngoài, tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
“Nhìn chung báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến trong đời sống chính trị, các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn, các sự kiện đối ngoại quan trọng; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của thành phố; bám sát phản ánh thực tiễn cuộc sống và tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, quảng bá hình ảnh thành phố đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước; tuyên truyền phản bác lại những thông tin không đúng sự thật và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; thực hiện tốt chức năng cảnh báo, phản biện xã hội; làm tốt vai trò là cầu nối giữa người dân và chính quyền, ảnh hưởng tích cực đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố”, bà Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.
Về phía UBND thành phố Đà Nẵng và các ngành hữu quan, thời gian qua, cũng đã chủ động ban hành và thực hiện nhiều kế hoạch đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về báo chí: đặc biệt, tích cực cung cấp thông tin cho báo chí qua hội nghị trực tuyến thông tin (định kỳ hằng tháng), họp báo trực tiếp (hằng quý); chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương xử lý các vấn đề nóng, được báo chí và dư luận quan tâm; tiếp tục thực hiện tốt công tác phản hồi thông tin báo nêu…
Để đảm bảo công tác phát ngôn về cung cấp thông tin cho báo chí, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành thực hiện tốt công tác phát ngôn, đồng thời phối hợp kịp thời với các Sở, ban, ngành xử lý các vấn đề nóng, được báo chí và dư luận quan tâm, qua đó đảm bảo thông tin được cung cấp kịp thời đầy đủ, hạn chế xảy ra khủng hoảng truyền thông.
Năm 2024, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông chưa ghi nhận trường hợp vi phạm hành chính nào liên quan đến lĩnh vực báo chí trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, vẫn còn tồn tại là một số cơ quan báo chí hoạt động theo hình thức đặt văn phòng đại diện, văn phòng thường trú, phóng viên thường trú trên địa bàn, nhưng chưa báo cáo UBND thành phố và Sở Thông tin và Truyền thông ; chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo hoạt động định kỳ theo quy định của Luật Báo chí (2016).
Một số cơ quan báo chí, chủ yếu là các Tạp chí chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động theo Giấy phép do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Tôn chỉ, mục đích thể hiện trên giấy phép ở phạm vi rộng, mơ hồ khiến một số cơ quan báo chí, tạp chí lợi dụng để thực hiện các hành vi xấu, gây sách nhiễu, cơ quan quản lý nhà nước khó xác định để thực hiện xử lý.
Vẫn còn tình trạng một số cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu tràn lan cho phóng viên, cộng tác viên để đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị.
Cá biệt có tình trạng phóng viên của 2-3 cơ quan báo chí cùng một lúc đề nghị làm việc với các cơ quan, đơn vị, yêu cầu trả lời phỏng vấn theo đơn tố cáo, phản ánh của công dân. Nhưng với mục đích lợi dụng để thực hiện các hành vi xấu, ép buộc ký kết các gói hợp tác tuyên truyền gây khó khăn trong công tác quản lý báo chí tại địa phương./.
Trung Đức