"Mọi người đều thừa nhận rằng tiến trình hòa bình của Myanmar đang ở vào một thời điểm rất quan trọng", Aung Min, trưởng đoàn đàm phán của chính phủ cho hay ngay trước vòng đàm phán mới.
Lực lượng phiến ân Kachin (Myanmar). Nguồn: Beforeitsnews
Các nỗ lực đàm phán đang đặt ra hy vọng về một thỏa thuận sâu hơn giữa chính phủ và lực lượng phiến quân, sau khi nhiều vòng đàm phán kết thúc trong xung đột do thiếu tin cậy. Căng thẳng tiếp tục kéo dài tại một số khu vực dân tộc thiểu số, bất chấp việc kết thúc hơn một nửa thế kỷ nội chiến tại khu vực biên giới của các tộc người thiểu số của Myanmar được coi ưu tiên hàng đầu đối với một quốc gia vừa đi ra khỏi hàng thập kỷ nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền quân sự.
"Nhờ những nỗ lực từ cả hai phía, chúng tôi đạt được thống nhất trên nhiều phương diện…. Đây là những tiến bộ chưa từng có trong lịch sử của Myanmar", Aung Min nói, nhấn mạnh rằng chính phủ đã chấp nhận khái niệm liên bang trong tiến trình hòa bình – một đòi hỏi quan trọng của các nhóm thiểu số.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng thời gian đạt được thỏa thuận lâu hơn so với dự kiến.
Xung đột đa sắc tộc tại Myanmar bắt đầu bùng lên bởi các phần tử nổi dậy ở vùng đất biên giới giàu tài nguyên ngay sau khi chính phủ cầm quyền tách khỏi ách thống trị của thực dân Anh năm 1948, tuyên bố độc lập và bị đàn áp bởi chính sách bàn tay sắt của chính quyền quân phiệt dưới danh nghĩa duy trì nền thống nhất quốc gia.
Năm 2011, chính quyền bán dân sự lên nắm quyền, thực hiện các ký kết về thỏa thuận ngừng bắn với 14/16 nhóm dân tộc có vũ trang. Tuy nhiên, các thỏa thuận với quân đội Kachin Độc lập (KIA) và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) ở bang Shan cho đến nay vẫn bị bỏ ngỏ.
Chỉ riêng trong tháng 6/2011, khoảng 100.000 người đã buộc phải sơ tán do các cuộc xung đột giữa lực lượng phiến quân và quân đội chính phủ, ngay sau khi chính phủ mới thay thế chính quyền quân sự cũ.
Người dân Myanmar diễu hành kỷ niệm Ngày Hòa bình Quốc tế tại Yangon, ngày 21/9/2014. Nguồn: AFP
Hiện vòng đàm phán mới nhất đã có sự hiện diện của đại diện quân đội Myanmar. Đây được xem như một bước tiến quan trọng để đạt tới một thỏa thuận ràng buộc giữa hai bên.
"Là lính chiến, chúng tôi là một trong những người mong muốn hòa bình nhất. Chúng ta không ở đây để tìm lỗi lẫn nhau", Trung tướng Soe Myint, người đứng đầu nhóm đàm phán của quân đội, cho biết trong cuộc họp.
Trong khi đó, đại diện đàm phán của lực lượng nổi dậy – những người đang thúc đẩy đối thoại hòa bình chính trị bằng cách đặt xuống vũ khí xuống – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một thỏa thuận. "Căng thẳng kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ đất nước có thể bị chia thành từng mảnh", ông Naing Han Tha cho hay.
"Số phận của người dân đang phụ thuộc vào chúng ta", đại diện của các lực lượng nổi dậy nhận định.