Hương vị khó quên vào mỗi dịp Tết
Hằng năm cứ đến gần tháng Chạp, người dân Kim Long (TP Huế) lại tất bật làm mứt gừng đón Tết. Kim Long là 1 khu làng nằm ở thượng lưu sông Hương có nghề làm mứt gừng lâu đời. Từ một món ăn mà người Kim Long dùng để tiến vua, mứt gừng Kim Long dần phát triển tạo thành một thương hiệu riêng cho người dân nơi đây. Món mứt nổi tiếng của đất cố đô này đã đi sâu vào lòng người dân Huế và những người xa quê.
Không biết từ bao giờ mứt gừng đã trở thành đặc sản nổi danh của Kim Long.
Mứt gừng Kim Long nổi tiếng vì rất ngon, cay, thơm và có vị ngọt đậm hơn hẳn những nơi khác. Bởi lẽ nguyên liệu để làm ra món mứt này rất đặc biệt, nó được lựa chọn từ vùng đất đồi pha sỏi phía Tây Bắc thành phố Huế. Ngay khi thời tiết vừa chuyển mùa từ thu sang đông, cũng là lúc gừng chín vừa độ, không quá non cũng không quá già, người dân Kim Long lại kéo nhau đến ngã ba Tuần để lấy gừng về làm. Các hộ làm mứt gừng Kim Long cho rằng nhờ vào những củ gừng lấy từ ngã ba Tuần mà gừng làm ra đậm vị ,ngon và tạo ra hương vị khó quên.
Mứt gừng Kim Long được chế biến với bí quyết riêng của những người thợ làng nghề truyền thống, từ tỷ lệ đường đến thời gian nấu đều được chăm chút kĩ. Đặc biệt, mứt được làm hoàn toàn thủ công và không dùng bất kỳ hóa chất nào. Gừng được làm trắng bằng nguyên liệu tự nhiên như chanh và quất, không dùng phẩm màu, không chất bảo quản cho ra những miếng mứt mang hương vị đặc trưng của mứt gừng Kim Long.
Nhiều người xa Huế khi trở về cố hương vẫn thích mua loại mứt gừng Kim Long làm quà bởi hương vị Tết dân dã nổi tiếng.
Chị Nguyễn Thị Yến ở xã Hương Vinh chia sẻ: “ Mứt gừng Kim Long nổi tiếng xưa nay rồi, gừng ở đây tuy không to, màu không được vàng rượm nhưng lại có mùi thơm và độ cay ngon, giòn rất riêng. Bởi vậy chị thích mứt Kim Long nhất, cứ đến dịp Tết hay mỗi lần đi xa chị đều đến đây để mua mứt cho người thân thưởng thức hay tặng cho bạn bè coi như chia sẻ món quà xứ Huế quê nhà”.
Trong những ngày Tết, mứt gừng là món không thể thiếu từ bao đời. Được ngồi nhâm nhi tách trà nóng với lát gừng Kim Long cùng người thân khiến cho mỗi người dân xứ Huế lại thấy thật ý vị và đậm đà hương vị Tết.
Nguy cơ mai một làng nghề
Vào những năm trước cả phường Kim Long đêm cũng như ngày, từ đầu tháng Chạp đến 25 Tết nhà nào cũng đỏ lửa ngào mứt. Thời hoàng kim cả phường có đến 60 lò mứt gừng hoạt động cung cấp mứt cho cả nước và đóng đi nước ngoài. Nhà ít thì làm một vài tạ, nhà nào nhiều từ 4 đến 6 tấn gừng. Hương gừng tươi từ các lò mứt của hộ dân sản xuất tỏa ra thơm nức, quyện vào trong gió, cùng với chút se lạnh của những ngày cuối năm khiến người ta ngỡ xuân đã về trước ngõ.
Tuy nhiên đó là chuyện của trước đây còn hiện tại làng mứt gừng đang dần bị mai một. Hiện ở Kim Long số hộ dân làm mứt gừng truyền thống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Năm nay mứt có giá 53.000-60.000kg nhưng lượng mua vẫn không nhiều.
Lò mứt của ông Trương Đình Thể (116 Phạm Thị liên, phường Kim Long, TP Huế) là một trong những lò lớn nhất hiện tại còn hoạt động. Gia đình ông đã trải qua 3 đời làm mứt, gắn bó với nghề hơn 100 năm, nhìn tình hình hiện tại ông tâm sự: “Ngày xưa ở đây hầu như nhà mô cũng làm mứt, nhờ nghề ni mà mấy người ở đây nên nhà nên cửa. Nhưng rồi có nhiều chỗ khác làm, họ cho ra nhiều loại mứt, màu thì đẹp còn ở Kim Long mình chỉ có màu gừng thôi, không pha lẫn chi hết nên người ta không thích, bửa ni họ chỉ mua mứt gừng để thờ thôi. Làm nghề ni lời lãi chẳng bao nhiêu, chủ yếu lấy công làm lời mà bán cũng không nhiều nên họ nghỉ gần hết rồi, chừ Tết cũng không được rộn ràng như trước. Năm nay nhà tôi làm khoảng 3 tấn, không dám nhiều vì sợ bán không hết, nhân công cũng toàn nguời trong nhà chứ không thuê thêm ở ngoài như mấy năm trước. Gắn bó lâu nên cố gắng làm vì tiếc cho cái nghề cha ông để lại, mỗi năm ít nhiều chi cũng phải đỏ lửa ngào mứt.”
Những lò mứt đỏ lửa như ông Trương Đình Thể ngày một ít dần.
Các lò sản xuất nhỏ lần lượt đóng cửa, cả một làng quê nổi tiếng về làm mứt gừng ở Huế từ xa xưa vậy mà bây giờ chỉ còn những cơ sở lâu đời trụ lại để bảo vệ nghề mà cha ông để lại.
Dẫu mang đậm ý nghĩa văn hoá nhưng mứt gừng Kim Long đang dần mai một khi phải đứng trước nhiều khó khăn. Có thể làng nghề sẽ chỉ còn tồn tại trong tâm thức của thế hệ cha ông. Mặn mà với nghề làm mứt gừng luôn là đốm lửa trong lòng mỗi người dân Kim Long nhưng, liệu nó còn sáng được bao lâu?
Ly Ly