– Ghi nhận tại khu vực ngập lụt, người dân huyện Quảng Điền rất phấn khởi vì lũ đã về kịp thời. rn“Vì lũ về mang theo phù sa bồi lấp, cây lúa tốt tươi. Nếu lũ không về năm sau chắc chắn sẽ mất mùa.” – Một người dân cho biết.
Do mưa lớn kéo dài đến sáng nay 3-12, tuyến tỉnh lộ 4 từ thành phố Huế đi huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh lộ 8A, 8B bị ngập nặng. Trong đó có nơi ngập sâu từ 0,8-1m, một số đoạn bị chia cắt, giao thông trì trệ.
Lũ khiến giao thông trì trệ, co nhiều nơi tê liệt hoàn toàn
Theo đó, mực nước trên sông Hương và sông Bồ tiếp tục dâng cao kết hợp với thủy điện Hương Điền điều tiết lũ đã gây ngập các xã vùng trũng của huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà.
Mưa lũ cũng đã làm thiệt hại hàng trăm hecta rau màu vụ đông của người dân các xã Quảng Thành, xã Quảng Thọ thuộc huyện Quảng Điền.
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên -Huế nhận định, đây là một trận lũ đẹp.
“Trước nguy cơ thiếu nước sản xuất, lũ đã về kịp thời, nên người dân rất mừng”, ông Hùng nói.
Dân mừng vì thời tiết năm nay ở Huế quá bất thường. Nắng nóng kéo dài trên diện rộng, lượng mưa trong năm thấp nhất từ 38 năm trở lại đây (từ năm 1976). Cụ thể, từ đầu năm đến cuối tháng 10 lượng mưa chỉ đạt 1.460 mm, trung bình mọi năm là 3.200 mm.
Cũng theo ông Hùng, năm nay mọi quy luật thời tiết thông thường đều bị phá vỡ. Đến nửa đầu tháng 11, tại Thừa Thiên – Huế vẫn chưa có cơn lũ nào, mưa chủ yếu ở đồng bằng, vùng núi khô hanh, dòng chảy các sông rất thấp. Cho đến nay, mới có trận lũ đầu mùa.
Ghi nhận tại khu vực ngập lụt người dân huyện Quảng Điền rất phấn khởi vì lũ đã về rất kịp thời. “Vì lũ về mang theo phù sa bồi lấp, cây lúa tốt tươi. Nếu lũ không về năm sau chắc chắn sẽ mất mùa. Ở đây chuột phá hoại, sâu bọ sau mỗi vụ mùa là rất lớn” một người dân cho biết.
Cách đây không lâu tỉnh Thừa Thiên -Huế lo thiếu nước, bởi mực nước các hồ chứa rất thấp, lượng nước chỉ đạt khoảng 40% dung tích hồ.
Chẳng hạn, hồ thủy điện Hương Điền mới tích được 49,9m (mực nước dâng bình thường là 58m); còn hồ thủy điện Bình Điền cũng chỉ tích được 65m (mực nước dâng bình thường là 85m); hồ Tả Trạch tích được 22m (mực nước dâng bình thường 45m). Nhưng đến nay, các hồ đã tràn ngập, qua tràn. Thậm chí các hồ lớn phải điều tiết, xả lũ.
Ông Phan Văn Hòa, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Khác với mọi năm, năm nay lũ về muộn. Hàng năm có ít nhất 3-4 đợt lũ, riêng năm nay cũng có mưa, thậm chí có mưa lớn nhưng đến bây giờ mới có lũ”.
Tuy nhiều người dân vui mừng, nhưng Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền- Hồ Quang Minh cho biết, huyện đã có công điện yêu cầu người dân cảnh giác; chính quyền địa phương tăng cường quản lý tránh tình trạng người dân sơ suất trong quá trình đi lại, thu hoạch tận thu rau màu vụ đông.
Hiện nay, địa phương cũng đang tăng cường lực lượng công an, bộ đội kết hợp với các xã để ứng cứu đề phòng nguy cơ vỡ đê.
Trao đổi với Phóng viên ông Đào Trọng Thành – Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, được ông cho biết “từ sáng khi nhận thấy mực nước dâng cao tôi đã huy động nhiều cán bộ khác đến trụ sở UBND xã tưc trực 24/24 kịp thời hỗ trợ công tác cứu hộ, di dời dâng khi cần”
Lũ lụt xảy ra ngoài việc làm tê liệt giao thông mà các cơ quan, trường học cùng với nhiều doanh nghiệp cũng phải tạm ngừng công việc hàng ngày tập trung vào đối phó lũ lụt
Theo thống kê mọi năm trên địa bàn tỉnh Thừa Huế cứ đến giữa tháng 12 là kết thúc lũ, các đợt lũ tập trung vào tháng 9,10 và 11 trong năm, nhưng năm nay xuất hiện lũ muộn là khá bất thường so với nhiều năm.
Sau đây là loạt ảnh mà Phóng viên Seatimes ghi nhận tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 3-12.