Vụ án hình sự về Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có Liên quan đến bị cáo Hứa Thị Phấn và ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (nay là ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – viết tắt là CB) khép lại bằng một bản án. Nhưng những hệ lụy từ việc xử lý vật chứng thì lại khiến quyền lợi hàng nghìn người bị ảnh hưởng…
Nhiều vấn đề còn gây tranh cãi liên quan vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm.
Đó là phần bản án tuyên về xử lý vật chứng số tiền 200 tỷ đồng bị cáo đã hạch toán thu khống để sử dụng của ngân hàng CB. Số tiền này bị cáo khai đã chuyển cho Tổng công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam do một giao dịch hợp tác đầu tư từ năm 2007 và 2010.
Tòa án xét số tiền này được xác định là vật chứng của vụ án nên cần phải thu hồi về cho ngân hàng CB. Do đó Tòa án buộc Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam – VNECO phải hoàn trả lại số tiền 200 tỷ đồng cho ngân hàng CB, số tiền thu hồi được sẽ xem xét khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo đối với ngân hàng CB trong vụ án này.
Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam – VNECO 11
Đại diện VNECO cho rằng: Tòa án tuyên như vậy chẳng khác nào quýt làm cam chịu. Các bị cáo là người có hành vi vi phạm pháp luật, phải chịu hình phạt tương ứng hành vi phạm tội của mình, số tiền bị cáo do hành vi phạm tội mà có thì bị cáo phải có trách nhiệm hoàn trả. Còn VNECO nhận được số tiền bị cáo chuyển là thông qua một giao dịch hợp pháp, công khai, ngay tình, là số tiền bị cáo có nghĩa vụ phải trả cho VNECO trong quá trình hợp tác đầu tư kinh doanh theo Hợp đồng hợp tác đầu từ năm 2007 và Bản thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư năm 2010. VNECO không thể biết được nguồn gốc số tiền này bị cáo lấy từ đâu và pháp luật cũng không quy định VNECO có nghĩa vụ phải biết. Số tiền đó sau khi VNECO nhận được thì đã thuộc sở hữu của VNECO và VNECO đã sử dụng số tiền đó để chi trả trong các giao dịch dân sự khác, hiện nay đã 8 năm trôi qua, không còn số tiền đó nữa và số tiền đó ở đâu VNECO cũng không thể biết được. Số tiền đó có thể đã hòa vào dòng tiền lưu thông trên thị trường, do các tổ chức, cá nhân khác nắm giữ hoặc thậm chí tại các cơ quan nhà nước, ngân hàng. Tòa án xác định đó là vật chứng vụ án, buộc VNECO phải hoàn trả nhưng rõ ràng không thể xác định được số tiền đó hiện đang ở đâu. VNECO phản đối bản án của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm về xử lý vật chứng số tiền 200 tỷ đồng này.
Giấy biên nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm của Công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam.
Luật sư Huỳnh Mỹ Long, Đoàn luật sư TP Hà Nội có quan điểm về việc xử lý vật chứng trong bản án hình sự trên như sau: “Việc TAND TP Hồ Chí Minh và TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử và tuyên xử lý vật chứng như trên là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Rõ ràng số tiền 400 tỷ đồng Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam nhận được là thông qua một giao dịch hợp pháp và đã kết thúc, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu số tiền này là từ thời điểm đối tác của VNECO (bị cáo trong vụ án hình sự) chuyển tiền. Mặt khác tiền là tài sản vật cùng loại chứ không phải loại vật đặc định nên việc thu giữ tài sản coi là vật chứng vụ án hoàn toàn không có căn cứ. Đến nay số tiền này cũng không thể xác định được đang ở đâu. Việc Tòa án buộc VNECO hoàn trả lại 200 tỷ đồng xác định là vật chứng vụ án sẽ gây hậu quả trực tiếp nghiêm trọng cho VNECO cho cổ đông, nhà đầu tư, người lao động của doanh nghiệp này”.
Đại diện VNECO cho biết thêm đã hoàn tất thủ tục khiếu nại giám đốc thẩm bản án và chờ đợi sự công bằng của pháp luật. Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự trên thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Được biết, liên quan đến vụ án này, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã thụ lý đơn, hàng 1000 cán bộ nhân viên của VNECO cũng đã ký đơn kêu cứu gửi đến thủ tướng và thủ tướng cũng đã chuyển lại đơn tới tòa án tối cao đề nghị xem xét, giải quyết.
Đăng Hậu