Vấn đề cần quan tâm về 189 cá nhân/pháp nhân người Việt hoặc có liên quan Việt Nam là họ có khai báo nguồn tiền đầu tư hay không, có đóng thuế trên khoản thu nhập đó hay không…
Danh sách trong hồ sơ Panama chỉ là danh sách của một công ty luật. Trên thực tế, số các công ty offshore đăng ký tại những thiên đường thuế (tax havens) mà có hoạt động liên quan đến Việt Nam chắc chắn phải gấp hàng trăm lần số lượng trong danh sách này.
Tiết lộ mức độ giàu có và che giấu nguồn thu
Việc đó là xấu hay tốt? Phải nói rằng nó không xấu mà cũng chẳng tốt. Cần hiểu tại sao các nước hay vùng lãnh thổ này được gọi là thiên đường thuế. Đó là những nơi họ hầu như không thu thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Vì thế, các công ty đăng ký kinh doanh tại đây nếu có lãi thì hầu như không phải đóng thuế. Đó là chính sách của họ.
Tại một số nơi, mức thuế này bằng 0 (ví dụ British Virgin Island – BVI, Bahamas, Cayman Islands), một số nơi thì mức thuế này thấp (ví dụ: Qatar chỉ 10%, Singapore 17% hay Hồng Kông 16,5%). Ngay cả như ở Mỹ, các tiểu bang cũng có mức thuế đánh vào DN khác nhau và có một số tiểu bang được coi là thiên đường thuế của Mỹ, chẳng hạn Delaware. Hơn 50% số công ty của Mỹ đăng ký ở tiểu bang này, nhiều hơn cả… số dân ở đây, theo The New York Times.
Dễ dàng tìm thấy các cá nhân, công ty Việt Nam trong hồ sơ Panama Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Việc các nước và vùng lãnh thổ này đặt ra mức thuế rất thấp để hấp dẫn các công ty đến đăng ký là quyền của họ và mình không can thiệp được. Điều mà người ta quan tâm liên quan đến hồ sơ Panama nói riêng hay việc các cá nhân hoặc công ty nắm các công ty đăng ký ở các thiên đường thuế nói chung là: Thứ nhất, tiền mà họ đầu tư vào các công ty này đến từ đâu (minh bạch về nguồn tiền); thứ hai, họ có khai báo việc sở hữu các công ty này không, từ đó họ có đóng thuế thu nhập trên nguồn thu từ các công ty này hay không (thực hiện nghĩa vụ thuế).
Báo chí thế giới ồn ào thời gian qua liên quan đến hồ sơ Panama cũng chủ yếu xoay quanh những vấn đề đó. Trong một số trường hợp, nó chỉ ra rằng các quan chức hóa ra có nhiều tiền không khai báo quá – vì họ sở hữu những công ty lớn đăng ký ở các thiên đường thuế. Trong một số trường hợp khác, nó hàm ý những vị quan chức này che giấu các nguồn thu kiếm được từ nước ngoài và vì thế đã trốn việc đóng thuế thu nhập cá nhân trên các nguồn thu này.
Câu chuyện chỉ có vậy. Bản chất việc có tên trong hồ sơ Panama chưa hẳn có tội lỗi gì cả. Nếu có tội lỗi thì nằm ở 2 vấn đề nêu trên.
Phải có cách chống chuyển giá
Theo quy định của Việt Nam, việc DN đầu tư ra nước ngoài là không vi phạm pháp luật nhưng trong trường hợp này nên được nhìn nhận như thế nào? Và việc các DN đó có tên trong danh sách này có ảnh hưởng gì không?
DN Việt Nam được quyền đầu tư ra nước ngoài nhưng phải xin phép (theo Nghị định 83/2015/NĐ-CP) cả Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước. Một số dự án còn phải xin phép cả Thủ tướng Chính phủ. Nếu chưa được chấp thuận thì không thể chuyển tiền hợp pháp để đầu tư ra nước ngoài. Đây thuộc về vấn đề minh bạch nguồn tiền đã đề cập ở trên. Thẩm định nội dung này không khó, chỉ cần Bộ Kế hoạch – Đầu tư và/hoặc Ngân hàng Nhà nước “chiếu tướng” là ra ngay.
Vì vậy, việc có tên trong danh sách của hồ sơ Panama có ảnh hưởng gì hay không – vấn đề nằm ở chỗ các DN ở Việt Nam khi đầu tư mua sở hữu các công ty đăng ký ở các thiên đường thuế này thì có đăng ký khai báo, có làm thủ tục xin đầu tư ra nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam hay không. Nếu không làm thì đây là lúc các cơ quan nhà nước có thể “soi” vào và DN đó sẽ bị phiền phức rất nhiều.
Từ đây, vấn đề đặt ra là có nên thay đổi chính sách nào về quản lý, đầu tư ra nước ngoài để tránh tình trạng DN đăng ký hoạt động ở những nơi thiên đường thuế và trốn thuế?
Việc các công ty đăng ký ở những thiên đường thuế là bình thường. Trên thực tế, tuyệt đại đa số các DN nước ngoài và quỹ đầu tư quốc tế khi vào Việt Nam thường dùng các pháp nhân ở những thiên đường thuế. Với việc Việt Nam cho phép DN Việt đầu tư ra nước ngoài thì DN Việt đương nhiên cũng sẽ thành lập pháp nhân ở các thiên đường thuế. Mình không cấm được và cũng không nên cấm. Hiện Việt Nam cũng siết rất chặt các quy định về cấp phép đầu tư nước ngoài và cũng khó lòng có thể siết chặt hơn nữa.
Thế thì vấn đề chính nằm ở chỗ nào? Nó nằm ở chỗ chuyển giá. Tức là thay vì để DN mình có lãi ở Việt Nam thì họ thông qua các hợp đồng cung ứng hàng hóa và dịch vụ (giá cả được đội cao lên) ký với các pháp nhân ở thiên đường thuế, họ sẽ làm cho DN của họ ở Việt Nam không có lãi hoặc lãi ít. Lợi nhuận thật được chuyển ra các công ty đăng ký ở thiên đường thuế, nơi mà họ không phải trả thuế thu nhập DN.
Chuyển giá cũng là hoạt động phổ biến của các DN trên thế giới. Quan tâm của các DN đương nhiên là sẽ luôn tìm cách đóng thuế càng ít càng tốt, miễn là đúng pháp luật.
Do đó, vấn đề của Việt Nam cũng như của mọi quốc gia khác trên thế giới là có quy định pháp luật chặt chẽ để chống chuyển giá. Dựa vào các quy định này, DN sẽ biết “giới hạn” để dừng và nhà nước cũng chống được việc thất thu thuế.
Mở công ty offshore dễ dàngVới một cuốn hộ chiếu và một chút ít tiền (nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam), bạn có thể mở một công ty offshore tại một thiên đường thuế trong một thời gian rất ngắn (công ty offshore là các pháp nhân được thành lập tại những vùng lãnh thổ mà ở đó chính quyền địa phương cho giảm hoặc miễn thuế hoàn toàn). Các thiên đường thuế này luôn có vô số công ty luật đứng ra làm hộ những dịch vụ đăng ký kinh doanh. Qua đó, bạn có thể mở, sở hữu, vận hành và bán một công ty đăng ký tại BVI chẳng hạn mà hoàn toàn không hề biết BVI ở đâu và cũng chẳng cần phải đặt chân đến BVI khi nào cả.
Có công ty BVI này rồi, bạn có thể dùng nó để đầu tư, kinh doanh, sở hữu, liên doanh – liên kết, cung ứng dịch vụ, hàng hóa cho các công ty có hoạt động thật ở Việt Nam. Đương nhiên, các hoạt động của các công ty này ở Việt Nam sẽ phải đóng một số loại thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam…
|
“Tôi không trốn thuế hay rửa tiền…”Ngày 10/5, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khẳng định ông Nguyễn Duy Hưng (ảnh), Chủ tịch HĐQT SSI, có tên trong danh sách hồ sơ Panama không đồng nghĩa với việc công ty và các đại diện pháp lý đã có hành vi liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền. Trong hồ sơ Panama có nhắc đến thông tin Nguyen Duy Hung, hiện là cổ đông của NDH Co.Ltd. và có địa chỉ tại 1C Ngô Quyền, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cụ thể, SSI và Công ty TNHH Nguyễn Duy Hưng là 2 thành viên góp vốn của Quỹ Đầu tư thành viên SSI do Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý. SSIAM và Quỹ Đầu tư thành viên SSI được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. SSIAM đã thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và luật pháp của nước sở tại nơi SSIAM thực hiện các hoạt động đầu tư và không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay hành vi vi phạm pháp luật nào khác. SSI hiện là công ty chứng khoán có vốn điều lệ và tổng tài sản dẫn đầu trong các công ty chứng khoán tại Việt Nam.
“Có tên trong danh sách là bình thường”Một trong số các doanh nhân xuất hiện trong danh sách là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (ảnh) – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank, Tổng Giám đốc (CEO) hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, đồng thời cũng là cổ đông lớn kiêm nhà sáng lập Sovico Holdings (công ty mẹ của Vietjet Air).
Theo hồ sơ ICIJ cung cấp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có liên quan với Ariana Hotels & Resort International, trụ sở đặt ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Ariana Hotels & Resort International cũng chính là chủ cũ của Furama Resort – bất động sản mà Sovico đã đầu tư mua lại vào năm 2005.
Phía Sovico Holdings đã có thông cáo báo chí, trong đó cho rằng Sovico đầu tư về Việt Nam, mua lại Furama Resort từ tập đoàn nước ngoài là hoạt động bình thường. Theo đó, năm 2005, Sovico Corporation Pte. Ltd. đã thắng thầu quốc tế để mua lại toàn bộ phần vốn góp từ các công ty thuộc Tập đoàn Lai Sun (Hồng Kông) để trở thành nhà đầu tư nước ngoài thay thế các công ty thuộc Tập đoàn Lai Sun là Furama và Best City Finance, chiếm 75% vốn tại Công ty liên doanh Khu Du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort).
“Công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossad tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte. Ltd. trong danh sách cũng là bình thường cũng như các cá nhân là lãnh đạo của công ty chúng tôi là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng cũng xuất hiện theo” – thông cáo của Sovico Holdings lý giải.
T.Phương – T.Hà
|
TRẦN VINH DỰ (Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam)
Theo Báo Người lao động