Việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ trên mạng xã hội nhưng lại thiếu sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng đã tạo lỗ hổng pháp lý.
Hiện nay, có thể nói “Mạng xã hội” là cụm từ rất quen thuộc đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Không thể không nhắc đến những gì mà mạng xã hội đã đem lại cho con người như giao lưu, kết bạn, giải trí, quảng bá thương hiệu, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những tác hại khôn lường từ mạng xã hội có thể nói đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức và ngày càng tác động không nhỏ đến người đọc mà đáng chú ý là đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực trạng mạng xã hội hiện nay
Thời gian qua, với sự phát triển ngày càng rõ ràng, mạnh mẽ của mạng xã hội nhiều cán bộ, đảng viên đã sử dụng các trang Blog, Facebook để đăng tải, chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Có thể nói, đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của quyền tự do dân chủ ngày càng được mở rộng và phát huy ở xã hội nước ta. Nhờ vậy mà lực lượng cán bộ, đảng viên có thể cùng với mọi người bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ của mình cũng như đưa các đề xuất, kiến nghị hoặc giải pháp về nhiều vấn đề xã hội của đất nước, kể cả của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên trong số đó, đã có không ít cán bộ, đảng viên kể cả những người có chức trách trong các cơ quan của Đảng, của chính quyền đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, thậm chí sai lệch hoặc mang dụng ý cá nhân không lành mạnh. Nhiều cán bộ, đảng viên còn liên tục đưa các thông tin không được kiểm chứng trôi nổi trên mạng xã hội về sai phạm của một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có ý kiến giải thích rõ ràng. Thực tế, mạng xã hội với đủ loại thông tin, kể cả nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc đời tư các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước – trừ trường hợp cần thiết – còn không đều không được giải thích, phản bác cụ thể, rõ ràng. Người đọc kể cả cán bộ, đảng viên nếu không đủ nhận thức để xác định các loại thông tin đúng, xấu độc, thông tin bịa đặt, xuyên tạc lại tiếp tục chia sẻ, phát tán, yêu cầu giải thích thì đó lại là một thái độ không đúng, dễ dẫn đến sai trái của người cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó, việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ trên mạng xã hội nhưng lại thiếu sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng đã tạo lỗ hổng pháp lý. Qua đó tạo cơ hội cho người đăng bài, trong đó kể cả cán bộ, đảng viên đã sao chụp, cắt dán những thông tin, những hình ảnh có thật lồng ghép có chủ đích với các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật tạo nên những thông tin thật giả lẫn lộn không được kiểm chứng, giám sát đãngây nghi ngờ, tạo tâm lý hoang mang cho người tiếp nhận thông tin. Bên cạnh đó, trong tình hình hiện nay, sự phai nhạt lý tưởng, sa sút ý chí, thoái hóa biến chất về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, không giữ vững bản lĩnh, dao động lập trường tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên hoặc một số bộc lộ thái độ tiêu cực, bất mãn kể cả không ít số cán bộ có địa vị, chức vụ trong Đảng và chính quyền đã cố tình hoặc bị lợi dụng, bị lôi kéo cho mục đích chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch phá hoại, chống đối trong và ngoài nước.
Những cảnh báo đối với cán bộ, đảng viên.
Thời gian qua, một số đảng viên bị kỷ luật, thậm chí có trường hợp đã bị khai trừ ra khỏi Đảng do sử dụng MXH đăng tải những thông tin không phù hợp, vi phạm các quy định của Đảng. Số người này đã cố ý viết bài và đăng các thông tin bài viết tổng hợp từ Interrnet, Facebook có nội dung không đúng bản chất vụ việc, nói xấu, bội nhọ, hạ uy tín của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc một số cố tình đưa lên Facebook các bài viết dưới hình thức báo cáo, kiến nghị nhưng mang nội dung tố cáo, gửi nhiều cấp, mặc dù biết rằng Facebook không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết để nhiều đối tượng bình luận nói xấu, xuyên tạc sai sự thật, thậm chí với những từ ngữ thiếu văn hóa, thóa mạ, xúc phạm đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước làm hiểu sai bản chất vụ việc, tạo cách nhìn, thái độ tiêu cực của nhiều người đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Việc làm này tạo dư luận xấu cho xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như một số cá nhân, tổ chức đảng liên quan.
Xét về nhiều mặt, mạng xã hội mang tính cá nhân cao nên lợi dụng điểm này nhiều người, kể cả cán bộ, đảng viên đã tự do đăng tải nhiều thông tin có nội dung công kích, xúc phạm người khác hoặc vi phạm các quy định về bảo mật của cơ quan, đơn vị ban hành văn bản gây nguy hại cho các tổ chức của Đảng, của Nhà nước. Ngoài ra, nhiều cán bộ, đảng viên khi chưa xác định được bài đăng của mình có phù hợp không, có mang lại lợi ích chung hay không đã vội đăng bài cũng đã tạo ra hệ quả khó lường, nếu nghiêm trọng (như có đơn thư tố cáo hoặc gây hậu quả nghiêm trọng) thì phải truy cứu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự. Trong nhiều trường hợp, việc đăng bài chưa có dấu hiệu cụ thể của việc vi phạm pháp luật và pháp luật cũng không có quy định cấm nhưng trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là phải chấp hành nghiêm kỷ luật của cơ quan, của tổ chức. Trường hợp đưa văn bản nội bộ của cơ quan lên mạng xã hội thì đó là vi phạm nội quy của cơ quan, vi phạm quy định về bảo vệ BM Nhà nước; hay đưa thông tin có tính chất suy diễn về các cán bộ, đảng viên khác khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, như vậy là vi phạm về tư cách đảng viên. Đây thực sự là những bài học cảnh tỉnh cho những ai có nhận thức lệch lạc, sai lầm khi dùng MXH để đăng tải các thông tin, bài viết không đúng quy định của pháp luật, vi phạm kỷ luật của đảng viên.
Chủ Facebook ‘Thằng nhà quê’ xuyên tạc, phỉ báng chính quyền bị phạt 5 năm 6 tháng tù giam (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Tình trạng một số ít đảng viên bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vì có biểu hiện tiêu cực trên mạng xã hội cho thấy đã trực tiếp vi phạm Quy định số 47-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, xa rời với yêu cầu về vai trò gương mẫu của đảng viên, trong đó một số trường hợp đã tiếp tay, phụ họa cho nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. Đây là bài học thiết thực đối với mọi cán bộ đảng viên, nhắc nhở người cán bộ, đảng viên dù hoạt động trong lĩnh vực xã hội và giữ cương vị nào thì cũng phải luôn tự ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Khi tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị về các vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, đảng viên cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn theo cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực… Chỉ có như vậy, cán bộ, đảng viên mới có thể góp phần bảo vệ, giữ vững uy tín của Đảng, bảo vệ và giữ vững uy tín của chính mình.
Bài học cho cán bộ, đảng viên qua một số vụ việc liên quan đến mạng xã hội chính là phải giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ quan và các quy định của các tổ chức, đoàn thể mà bản thân là thành viên. Bản thân mỗi người phải luôn ý thức được rằng mình phải sử dụng mạng xã hội một cách tích cực không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác, cho tổ chức, cho xã hội. Đồng nghĩa với việc sử dụng mạng xã hội đúng quy định của pháp luật còn phải thể hiện tính văn hóa, văn minh, tuân thủ nguyên tắc là phải nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Đảng, của tổ chức mà mình là thành viên. Đây phải là điều thường xuyên trong nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện tính gương mẫu của một công dân làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Cán bộ, đảng viên cần quy tắc nào khi tham gia mạng xã hội ?
Dù với một số người, sử dụng mạng xã hội chỉ là “chơi thôi” nhưng trong cuộc chơi này, không phải là hoàn toàn vô bổ, cũng như không phải hoàn toàn vô hại, vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng, nhất là cán bộ, đảng viên thì càng phải thận trọng hơn. Trên thực tế để “cuộc chơi” này để đảm bảo đúng pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục và thể hiện tinh thần văn hóa, văn minh trong không gian mạng rất cần có những quy tắc nhất định.
Trước tiên là quy tắc đảm bảo một môi trường văn hóa lành mạnh. Việc lập ra quy tắc trong việc sử dụng mạng xã hội đã làm cho nhiều người có phản ứng tiêu cực, họ cho rằng như vậy là để ràng buộc, hạn chế quyền tự do. Trên thực tế việc lập ra quy tắc là để mọi người bình đẳng, không lợi dụng vào sự tự do (quá trớn) của một người làm ảnh hưởng đến tự do (đúng mực) của người khác hoặc vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Tùy theo ngành, nghề mà cần có những quy tắc cụ thể, định hướng riêng, ví dụ như đối với những người làm báo ít nhiều đều có tác động đến xã hội khi đăng tải các bài viết, thì sự tuân thủ quy tắc là cần thiết hơn các đối tượng khác. Quy tắc đưa ra cần có định hướng theo nghề nghiệp vừa đảm bảo không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật nhằm tránh ảnh hưởng uy tín cá nhân, tổ chức, cơ quan của mình.
Cuối năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” với tiêu chí : Tôn trọng – Trách nhiệm – Lành mạnh – An toàn. Do đó, đối với người sử dụng mạng xã hội, tiêu chí Tôn trọng phải là tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân mình, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền tự do và quyền riêng tư. Tiêu chí Trách nhiệm là công khai sự xuất hiện của mình trên mạng xã hội bằng cách sử dụng đúng thông tin cá nhân, tổ chức; có trách nhiệm phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu, độc hại, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực. Tiêu chí Lành mạnh là ứng xử, tương tác trên mạng xã hội phải tôn trọng các giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, phong tục – tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, luôn hành xử mang tính xây dựng, hướng về cái tốt đẹp, suy xét cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội, bảo đảm thông tin đăng tải là sự thật. Không chia sẻ, đăng tải những thông tin xấu, độc hại. Tiêu chí An toàn là không được tương tác trên mạng xã hội nội dung thông tin bí mật của Nhà nước, thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, xác nhận, thông tin cá nhân và mật khẩu phải được bảo mật, không được chia sẻ cho cá nhân, tổ chức khác.
Nguyễn Danh Dũng đã đăng hơn 700 clip xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Ảnh: cand.com,vn)
Tiếp đến bản thân từng người phải tự lập quy tắc. Trong khi mỗi người có thể áp dụng các quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội theo nghề nghiệp và tổ chức mình tham gia, thì mỗi cán bộ, đảng viên có thể tự lập các quy tắc phù hợp cho bản thân mình. Các quy tắc này nên đồng thời hướng đến trách nhiệm của công dân và quy tắc của một cán bộ, đảng viên là tuân thủ điều lệ, nội quy của tổ chức và cơ quan của mình. Một số vấn đề cần lưu ý của bản thân trong quá trình sử dụng mạng xã hội, cần phải hiểu rõ điều mình đăng có lợi hay hại cho ai? Điều mình nêu có đúng không? Có nhằm thúc đẩy những điều tích cực và có đảm bảo tính bảo mật không? Điều này thể hiện rõ trách nhệm của một cán bộ, đảng viên khi đăng tải thông tin, hình ảnh có làm lộ, lọt các thông tin, tài liệu của cơ quan, ban ngành hay không, cụ thể là các loại tài liệu bí mật Nhà nước, tài liệu lưu hành nội bộ. Ngoài ra là các loại thông tin, tài liệu liên quan đến công việc cụ thể của một cơ quan, ban ngành, nhất là các thông tin có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Ngoài ra cũng cần có quy tắc của tổ chức, đoàn thể. Mỗi một người luôn đồng hành đồng thời nhiều vai trò khác nhau nên ở từng vai trò đó sẽ phải thực hiện các quy tắc ứng với từng vai trò của mình. Do đó, các tổ chức, đoàn thể rất cần thiết có quy tắc về sử dụng mạng xã hội dành riêng cho các thành viên của mình. Quy tắc này hướng đến một số nội dung sau:
Bảo đảm tuân thủ quy tắc, điều lệ, nội quy của đoàn thể, tổ chức. Thí dụ, là đảng viên thì không được nói, viết trái với chủ trương, đường lối của Đảng, nếu cần đề đạt ý kiến nguyện vọng thì phải theo các hình thức và phương pháp phù hợp, không nêu những điều bất lợi cho Đảng, phải luôn thể hiện tính Đảng, đó là luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.
Là cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn thể thì phải luôn thể hiện tính tiên phong gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, không thể vô thưởng vô phạt đăng bài hoặc có ý phê phán, châm chọc, công kích cá nhân hay tổ chức nào, ngoài ra còn phải mang một nội dung hay một thông điệp gì đó tích cực, có tác động tốt đến người đọc.
Thể hiện tính kỷ luật nghiêm minh. Đây là quy tắc bên cạnh yêu cầu trách nhiệm, những điều nên làm và những điều không nên làm (không được) đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên… thì phải nêu rõ các biện pháp xử lý kỷ luật (hình thức chế tài) đối với các vi phạm. Việc nêu nội dung kỷ luật cũng là một hình thức nhắc nhở, cảnh báo đối với hoạt động sử dụng mạng xã hội của mỗi cán bộ, đảng viên.
Hơn bao giờ hết mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện chức trách của mình với Đảng, với Tổ quốc. Luôn xác định và xây dựng mình trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân, có trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt, tự tin, bền chí, kiên cường trong đấu tranh, phê bình góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu độc, phá hoại của các thế lực thù địch phản động trên mạng xã hội./.
Tháng 7/2020
Cao Thị Hương Khanh
Theo TCĐNA