Những thống kê gần đây cho thấy, lượng hành khách đến Thanh Hóa đang ngày một tăng
Với các khu công nghiệp như Lễ Môn, Đình Hương – Tây Bắc Ga, tỉnh Thanh Hóa vốn đã thu hút hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.
Nay, khi khu kinh tế chủ lực Nghi Sơn được Chính phủ quyết định điều chỉnh mở rộng từ hơn 18.600 ha lên 106.000 ha, dự báo có thêm nhiều dự án được đầu tư, kéo theo số lượng lao động mới đến làm việc, nhu cầu vận chuyển hành khách đi lại từ Thanh Hóa đến các tỉnh và các chiều ngược lại được dự báo là rất lớn.
Năm 2015, Thanh Hóa lại đăng cai “Năm Du lịch Quốc gia”, nhiều hoạt động nhằm quảng bá du lịch của tỉnh và cả nước, khiến nhu cầu vận chuyển du khách khách tăng đột biến.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường bộ ở cự ly gần đến Thanh Hóa, các hãng vận tải lớn đã đầu tư nhiều xe giường nằm, tăng số chuyến, nâng cao chất lượng phục vụ…
Sân bay Thọ Xuân được đề nghị quy hoạch thành sân bay quốc tế để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách
Trong khi đó, từ đầu năm nay, các hãng hàng không trong nước cũng nâng số chuyến đến Thanh Hóa. Trung bình mỗi tuần có từ 36-42 chuyến bay của các hãng Jetstar Pacific, Vietnam Airlines đi – về từ Tp.HCM đến sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Dự kiến, đến hết năm 2015, lượng hành khách qua cảng hàng không Thọ Xuân sẽ đạt 400 nghìn lượt khách gấp gần 5 lần so với năm 2013, gấp 1,5 lần so với năm 2014.
Hiện tại, Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị điều chỉnh quy hoạch Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế, để khai thác thêm nhiều đường bay mới, tránh tình trạng quá tải vào những dịp cuối tuần, lễ tết, các tháng cao điểm du lịch trong năm.
Điểm đến mới
Nhằm thu hút vốn đầu tư, Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tỉnh còn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cộng thêm những ưu đãi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thanh Hóa đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Trong đó, khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp là chủ lực trong việc thu hút vốn đầu tư với 355 dự án có tổng số vốn gần 13 triệu USD.
Các tập đoàn bất động sản tiếng tăm tại Việt Nam cũng đã đổ vốn mạnh vào Thanh Hóa, với các dự án lớn. HUD4 đầu tư xây dựng khu chung cư cao cấp, chung cư dành cho người có thu nhập thấp, Vingroup có hai dự án là khu trung tâm hành chính thành phố mới, trung tâm thương mại, khách sạn quy mô lớn. Tập đoàn FLC đầu tư quần thể nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn đã đi vào vận hành, khu công nghiệp FLC Hoàng Long đang xây dựng….
Quần thể nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn góp phần thay đổi diện mạo du lịch Thanh Hóa
Trong đó, FLC Sầm Sơn để lại ấn tượng mạnh. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến đánh giá đây là công trình có quy mô lớn và đẹp nhất tỉnh với tiện ích cao cấp, đồng bộ, phá vỡ quy luật du lịch một mùa của Sầm Sơn, đặc biệt với hệ thống sưởi sàn và bể bơi nước nóng, FLC Sầm Sơn có thể đón khách du lịch biển suốt 4 mùa.
Quần thể này cũng đang là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, thể thao đáng chú ý như Sao Mai điểm hẹn, tuần lễ văn hóa du lịch Hà Nội – Thanh Hóa, gần đây là giải FLC Golf Championship 2015, đêm nhạc Trịnh Công Sơn và hàng loạt sự kiện cuối năm của các cơ quan, đoàn thể… FLC gần đây cũng đã đầu tư hệ thống xe bus cao cấp phục vụ miễn phí đưa đón khách tham quan, tham dự các sự kiện vào mỗi cuối tuần.
PV
Theo TCĐNA