Seatimes – Ngày 15/9/2023, tại Trạm kiểm soát hai bên Việt Nam-Trung Quốc trong Khu cảnh quan (Khu vực Mốc 834/1), Văn phòng Thường trực, Ủy ban Điều phối tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Tổ Công tác liên ngành, Ủy ban Điều phối Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc).
Thời gian vận hành thí điểm là 1 năm, bắt đầu từ 9h00 giờ Hà Nội (10h00 giờ Bắc Kinh) ngày 15/9/2023 đến 16h00 giờ Hà Nội (17h00 giờ Bắc Kinh) ngày 14/9/2024. Du khách hai bên qua lại Khu cảnh quan tại lối qua lại khu vực Mốc 834/1. Du khách đi vào Khu cảnh quan hai bên sử dụng hộ chiếu (không cần visa), giấy thông hành xuất, nhập cảnh.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy cho rằng, mô hình hợp tác bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) là mô hình mới, chưa có tiền lệ. Việc hai nước hoàn thành ký kết Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) mang ý nghĩa to lớn trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, thể hiện sự thiện chí và quyết tâm của cả hai nước xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển.
Việc tổ chức Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) khẳng định về sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hài hòa lợi ích giữa hai nước, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai tỉnh/khu nói riêng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc nói chung. Đây cũng là nội dung quan trọng theo đúng tinh thần đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước ghi nhận tại Tuyên bố chung Việt Nam–Trung Quốc nhân dịp chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 30/10- 1/11/2022), Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (25-28/4/2023) và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (25-28/6/2023).
Việc đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)–Đức Thiên (Trung Quốc) là tiền đề để đưa Khu cảnh quan này vào vận hành chính thức trong thời gian tới, thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt-Trung, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển và đi vào chiều sâu.
Ông Miêu Khánh Vượng, Phó Chủ tịch Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, trong cuộc gặp gỡ của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã nhấn mạnh, hai nước Việt Nam-Trung Quốc cần nỗ lực, sớm đưa vào thí điểm vận hành Khu cảnh quan thác Bản Giốc-Đức Thiên. Qua đó, xây dựng mô hình hợp tác qua khu vực biên giới, du lịch xanh.
Thí điểm vận hành qua Khu cảnh quan thác Bản Giốc-Đức Thiên là thỏa thuận đầu tiên trong hợp tác qua biên giới. Đây là sẽ mở đầu cho những hợp tác cấp cao, có trình độ cao giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc; tiếp tục hợp tác phát triển du lịch xanh qua biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, giao lưu văn hóa, đáp ứng nhu cầu tốt hơn của nhân dân hai nước…
Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách từ phía Trung Quốc qua Khu cảnh quan phía Việt Nam theo lộ trình: Trạm kiểm tra trên lối qua lại Khu cảnh quan, khu vực chân thác, Khách sạn Sài Gòn Bản Giốc, Khu dịch vụ, ẩm thực, quay về Trạm kiểm tra trả thẻ và xuất cảnh về lại Khu cảnh quan phía Trung Quốc. Du khách từ phía Việt Nam qua Khu cảnh quan phía Trung Quốc: Trạm kiểm tra trên lối qua lại Khu cảnh quan, điểm thác Đức Thiên, phố mua sắm, ngồi xe tham quan du lịch men theo con đường trong Khu cảnh quan, đi bộ tham quan du lịch men theo cảnh quan ven sông trong Khu cảnh quan, điểm kiểm tra qua lại Khu cảnh quan, quay về Khu cảnh quan phía Việt Nam.
Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách hai nước thực hiện đăng ký trước, theo hình thức đoàn ra, đoàn vào, số lượng mỗi đoàn không quá 20 người. Trong ba tháng đầu của thời gian vận hành thí điểm, số lượng đoàn du lịch qua biên giới của mỗi bên không vượt quá 10 đoàn/ngày (mỗi đoàn không quá 20 người).
Thời gian mở cửa buổi sáng của Khu cảnh quan là 9h00 giờ Hà Nội (10h00 giờ Bắc Kinh), thời gian dừng làm thủ tục thông quan cho đoàn du khách là 14h00 giờ Hà Nội (15h00 giờ Bắc Kinh), thời gian đoàn du khách về lại khu cảnh quan bên mình là 16h00 giờ Hà Nội (17h00 giờ Bắc Kinh). Thời gian dừng chân của mỗi đoàn tại phía đối phương không được vượt quá 5 giờ, nghiêm cấm du khách lưu trú trái phép.
Vé vào Khu cảnh quan trong thời gian vận hành thí điểm, du khách từ phía Việt Nam đi vào Trung Quốc, đơn vị tổ chức đoàn phía Việt Nam phải mua bảo hiểm cho du khách trước khi vào Khu cảnh quan phía Trung Quốc, các dịch vụ khác du khách phải tự chi trả theo chi phí thực tế. Du khách từ phía Trung Quốc đi vào Việt Nam phải mua vé, giá vé là 70.000 đồng/lần/người (đã bao gồm bảo hiểm, không bao gồm các phí dịch vụ khác).
Thác Bản Giốc, phía Trung Quốc gọi là cặp thác Đức Thiên-Bản Ước là một nhóm thác nước nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thác Bản Giốc thác chính và thác phụ là hai thác riêng biệt, nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái (thác phụ) gọi là thác Cao và nửa phía tây của thác bên phải (thác chính) gọi là thác Thấp thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác thác Thấp thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Ở giữa thác chính là cột mốc biên giới Việt-Trung, cột mốc này được xác định qua hiệp ước về biên giới giữa hai nước năm 1999 là cột mốc 53 do Pháp – Thanh xây dựng. Theo hiệp ước 1999, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về Việt Nam, phần thác chính chia đôi. Tổng thác Bản Giốc có chiều rộng là 208m, thác Thấp có chiều rộng 100 m, độ sâu 60 m và độ cao là 70 m. Thác nước này cách huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20 km về phía đông bắc, cách thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây khoảng 208 km.
Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn. Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thủy, dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông rồi qua các cánh đồng của Đàm Thủy, qua bãi ngô trên bản Giốc, quay trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh. Lòng sông ở đó đột ngột trụt xuống khoảng 35 m, tạo thành thác Bản Giốc. Sau khi đổ xuống chân thác, sông quay hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc.
Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước. Vào những ngày nắng, làn hơi nước bắn ra từ thác tạo thành cầu vồng. Dưới chân thác là mặt sông rộng với hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng. Cách thác khoảng hơn 5 km có động Ngườm Ngao, dài 3 km.
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia (Sau thác Iguazu giữa Brasil – Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia – Zimbabwe; và thác Niagara giữa Canada và Hoa Kỳ). Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Thác Bản Giốc là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng. Thác Bản Giốc cũng đã đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh đặc sắc. Ngoài giá trị du lịch và nghệ thuật, thác cũng có tiềm năng thủy điện. Thác Bản Giốc là thác nước đẹp nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch của tỉnh Cao Bằng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 30.000 người đến thăm Bản Giốc, còn phía Trung Quốc đón gần 1 triệu lượt người.
Hoàng Hạnh/theo tapchidongnama.vn