Seatimes – Từ ngày 10 – 13/3/2023, tại thành phố Điện Biên Phủ, Lễ hội Hoa Ban năm 2023 được tổ chức cùng với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII. Lễ hội và Ngày hội được tổ chức vào tháng 3 gắn liền với sự kiện mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Với chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng lịch sử của miền đất Điện Biên Phủ anh hùng, linh thiêng. Lễ hội và Ngày hội sẽ tạo nên một không gian văn hóa cộng đồng sôi nổi, rực rỡ sắc màu hòa chung với không khí hào hùng của những tháng năm lịch sử.
Lễ hội Hoa Ban 2023 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII sẽ khai mạc vào lúc 20 giờ ngày 11/3/2023 tại Quảng trường 7/5, Tp. Điện Biên Phủ với phần nghi thức Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật, màn bắn pháo hoa nghệ thuật chào mừng.
Dự kiến các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội lần này gồm: Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc; trưng bày giới thiệu văn hóa truyền thống của địa phương; các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao; diễu hành văn hóa đường phố; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịchkhông gian văn hóa truyền thống của địa phương; không gian phiên chợ vùng cao, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, độc đáo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tổ chức các chương trình văn nghệ, trình diễn di sản Then, Xòe của dân tộc Thái.
Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Ban 2023 là Cuộc thi Người đẹp hoa Ban nhằm tìm kiếm người đẹp cả về ngoại hình và tâm hồn, có thể quảng bá hình ảnh hoa Ban, những đặc trưng văn hóa, lịch sử của Điện Biên mà hiếm vùng đất nào có được. Qua đó tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh vẻ đẹp, ý nghĩa, giá trị của Hoa Ban gắn với con người và thiên nhiên vùng Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung, góp phần làm phong phú thêm sắc màu văn hóa của Lễ hội.
Tiếp theo, trong tháng 3 – 4/2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như: Lễ hội Thành Bản Phủ gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Điện Biên và Tết Té nước (Bun Huột Nặm) dân tộc Lào, tại huyện Điện Biên; trình diễn dân ca, dân vũ dân nhạc các dân tộc, tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.
Với mục đích tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp hoa ban, khẳng định giá trị, vị trí của hoa ban trong đời sống văn hóa, tinh thần các dân tộc ở Điện Biên, từ năm 2014, tỉnh Điện Biên đã tổ chức thường niên Lễ hội hoa ban vào dịp tháng 3 – mùa ban nở.
Lễ hội là dịp để quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên tới du khách cũng như bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó bảo tồn và phát triển các loại hình di sản văn hóa dân tộc tiêu biểu; biến các giá trị di sản thành nguồn lực nội tại để thúc đẩy du lịch; kết nối với những tiềm năng, thế mạnh khác nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Điện Biên.
Sự tích về hoa ban gắn liền với chuyện tình bi thương nhưng sâu nặng trong câu chuyện cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Chuyện kể rằng: Thuở xa xưa, có một người con gái Thái xinh đẹp tên là Ban, đem lòng yêu chàng trai nghèo cùng bản nhưng bị cha mẹ cấm cản và ép gả cho con nhà tạo mường giàu có.
Buồn bã và đau khổ, nàng chạy vào rừng tìm người yêu nhưng gọi khản cả tiếng mà không thấy bóng dáng chàng đâu. Sau khi vượt qua một dãy núi cao, nàng đã kiệt sức và ngã gục bên một tảng đá.
Nơi nàng nằm xuống mọc lên một cây hoa có búp trắng muốt như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu sau, loài hoa ấy đã mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc.
Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban. Từ bao đời nay, hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa – tâm linh của nhân dân vùng Tây Bắc.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ