Seatimes – Một trong những Làng được lập sớm (vào khoảng nửa thế kỷ XV), ở Đà Nẵng, là Làng Thạc Gián (nay thuộc Quận Khê). Đánh dấu công cuộc khai khẩn, khai canh, khai cư, mở rộng bờ cõi nước Nam về phương Nam của tiền nhân.
“Khi cuộc sống bước đầu ổn định, các bậc tiền nhân làng Thạc Gián lúc ấy đã theo phong tục, tập quán của người Việt, đó là kêu gọi cư dân xây dựng đình làng miếu vũ – nhằm đưa hồn thiêng quê cũ tại đất Bắc vào chốn quê hương mới, thực hiện tín ngưỡng thờ phụng các bậc thần minh đã có từ xưa, các bậc anh hùng dân tộc, các bậc tiền hiền, hậu hiền… Thưở ban sơ, ngôi đình được xây dựng bằng tranh tre…” – ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND Quận Thanh Khê chia sẻ.
Trong 2 ngày 6 và 7/3/2023, đã diễn ra lễ hội Đình làng Thạc Gián lần thứ VII, với các nghi thức truyền thống tôn nghiêm, thuần Việt (lễ cáo trời đất, lễ vọng, lễ tế âm linh, tế xuân, tế tiền hiền…) cầu cho Quốc thái Dân an, cầu cho thế giới hoà bình; cùng nhiều hoạt động hội mang đặc trưng của văn hóa dân gian (thi chưng mâm ngũ quả, thi viết chữ đẹp, viết thư pháp; thi têm trầu cánh phượng; thi nấu xôi và nướng bánh; các trò chơi bịt mắt bắt vịt, đập om, vật tay, cờ làng…; giao lưu đêm thơ – trình diễn áo dài).
“Với những hoạt động phong phú, đặc trưng, Lễ hội đình làng Thạc Gián luôn là dịp để những người con sinh ra và lớn lên từ làng Thạc Gián trở về, trải nghiệm và tiếp cận cội nguồn lịch sử; góp tiếng nói tích cực trong trách nhiệm giáo dục lòng tri ân đối với những bậc tiềm hiền đã có công khai canh, khai cư xây dựng nên làng Thạc Gián và mảnh đất Thanh Khê, nuôi dưỡng đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Lễ hội cũng thể hiện được đời sống văn hoá, văn minh trong xã hội hiện đại. Nó nhắc nhở mỗi người dân của làng luôn tự hào về một quá khứ hiển linh, qua đó, cũng thể hiện vai trò cố kết cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết nhằm góp phần giữ gìn các giá trị truyền thống của địa phương. Trải qua 6 lần tổ chức, lễ hội “Đình làng Thạc Gián” trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của bà con dân làng, là sinh hoạt văn hoá, tinh thần không thể thiếu cùng với sự phát triển của quận nhà. Phần nào đáp ứng được nhu cầu của đời sống văn hóa tinh thần, đời sống tâm linh trong bà con nhân dân”, ông Nguyễn Hữu Công chia sẻ thêm.
Một trong số ít những ngôi đình ở Đà Nẵng lưu giữ được hiện vật rất giá trị
Trải qua nhiều biến cố, những thăng trầm lịch sử đình làng Thạc Gián (cho đến nay) vẫn là một trong số ít những ngôi đình ở Đà Nẵng vẫn lưu giữ được những hiện vật hết sức có giá trị.
Đó là các chiếu chỉ, sắc phong. Tính từ đời vua Minh Mạng cho đến vua Bảo Đại, Làng được ban 18 sắc phong. Các triều Hậu Lê, Chúa Nguyễn, triều Nguyễn ban 29 chiếu chỉ; phong quan tước cho cư dân trong Làng đã cố công đèn sách, dự thi đỗ đạt, có thực tài. Tất cả các sắc phong và chiếu chỉ – thật đáng quý – đều được các thế hệ trong Làng bảo quản cẩn thận, nay vẫn còn nguyên vẹn, dấu ấn son vẫn đỏ tươi, nét chữ mực đen vẫn rõ ràng. Trong nhiều năm qua đã giúp cho các nhà nghiên cứu và sinh viên được tham khảo tường tận.
Điều đáng quý nữa là trong khuôn viên của đình làng Thạc Gián vẫn còn ngôi giếng cổ (được đào bên cạnh nhà trù), đó cũng là giếng xây đầu tiên, giếng xây duy nhất trong ba giếng cổ (có từ thời tổng Bình Thới Hạ, 2 giếng còn lại là giếng Bộng, trước thuộc làng Bình Thuận – nay thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu); giếng chùa Từ Vân (nay thuộc phường Vĩnh Trung, Quận Thanh Khê).
“Giếng sâu lắm, nhưng nước giếng rất trong. Ngày trước, có việc của đình làng thì múc nước giếng lên để dùng, bà con trong làng, có việc nhà như cúng kỵ hay dịp lễ, tết thì cũng đến đình làng xin nước giếng về dùng. Sau này, có nước máy rồi giếng đóng, không ai dùng nữa” – bác Nguyễn Kim Thao (còn có tên khác là Nguyễn Lạc Thao), năm nay 87 tuổi, cho biết.
Cũng như bao ngôi đình trên đất nước Việt Nam, đình làng Thạc Gián là biểu tượng, là yếu tố hữu hình của văn hoá cộng đồng làng xã Việt Nam, trở thành tài sản chung – niềm tự hào của Làng, của người dân Thanh Khê. Đình làng vẫn là biểu tượng nhắc nhở cho các thế hệ con cháu về đạo lý ở đời, hướng về cội nguồn dân tộc.
Vào đời vua Minh Mạng, đình làng Thạc Gián được làm lại bằng gỗ (thay cho tre), mái vẫn lợp tranh; đến năm Tự Đức thứ bảy (1854), đình được kiến tạo lại, tường gạch mái lợp ngói âm dương, kiên cố hơn nhiều. Năm Duy Tân thứ ba (1909) và năm Khải Định nguyên niên (1916), đình tiếp tục được trùng tu, tôn tạo. Các lần tôn tạo đều dựa trên công sức đóng góp của nhân dân trong làng.
Lần trùng tu gần đây nhất vào năm 2009 (từ ngân sách thành phố với kinh phí hơn 4 tỷ đồng). Và đình làng Thạc Gián tồn tại đến ngày nay, đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng đáng quý vô cùng, là vẫn giữ được nét nguyên bản.
Ngày 17/4/2011 (nhằm ngày 10/3 Tân Mão), lần đầu tiên Lễ hội Đình làng Thạc Gián đã được phục dựng, tổ chức trọng thể. Từ đây, lễ hội được tổ chức định kỳ 2 năm/ 1 lần; là dịp để con, cháu trong làng tề tựu, họp mặt, hàn huyên; là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các dòng tộc. Qua 6 lần tổ chức, lễ hội “Đình làng Thạc Gián” trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của bà con dân làng, là sinh hoạt văn hoá, tinh thần không thể thiếu cùng với sự phát triển của quận Thanh Khê; thiết thực bảo tồn, phát huy, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Đặc biệt, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa của Quận, từng bước trở thành điểm đến du lịch văn hóa, thời gian đến.
Qua trao truyền của nhiều thế hệ, các bậc bô lão ngày nay vẫn còn nhớ, đình làng Thạc Gián, từ xa xưa, là nơi tổ chức và duy trì nhiều lễ hội truyền thống, các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của dân làng (từ lễ tế Thu nhị kỳ, lễ hội vào tiết Thanh minh, lễ giỗ tiền hiền, lễ hội tết Nguyên đán; hay là nơi thi đọc khánh chúc, diễn tuồng…). Vào những năm Phong điều vũ thuận, được mùa, cư dân có nhiều thu hoạch từ sản xuất, kỳ lễ hội năm ấy càng được tổ chức càng lớn.
Năm 2007, Bộ Văn hóa – Thể thao (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) chính thức công nhận Đình Thạc Gián là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”.
“Gian thờ tiền hiền của đình, thờ tiền nhân Huỳnh Tấn Phước, đây là bậc khai khẩn lập nên làng.Hậu hiền thì thờ các vị tiền bối của tộc Nguyễn (Nguyễn Ngọc) là những người khai canh, mở đầu nghề làm lúa nước cho bà con. Ông nội tôi, cụ Nguyễn Ngọc Hương, xưa là Lý trưởng của làng. Cụ hay kể lại cho tụi tôi biết sự tích của làng mỗi khi lễ hội.
Lúc tôi còn nhỏ, tôi còn nhớ, bà con rất mong đến ngày lễ hội. Không khí đông vui, nhộn nhịp lắm. Nhà nhà đều chuẩn bị phần việc của mình cho lễ hội. Những đêm ở đình có hát bộ, bà con đến xem rất đông”, bác Nguyễn Kim Thao nhớ lại, kể.
Theo nhiều tài liệu, địa danh làng vốn ban đầu có tên là Thạc Giản, do các bậc tiền nhân xác định thế và phong thổ vùng đất:
Thạc địa phong quang/ vân ảnh Đà Sơn/ triêu hiển ứng
Giản bàn thuỷ tụ/ lộ triêm quảng trạch/ chấn uy linh
(Tức: Ánh dương chiếu rọi/ mây vờn Đà Sơn/ đất Thạc thêm quang đãng
Quê Giản bao la/ nước biếc đất thấm nhuần/ rộng mở thật uy linh)
Có nghĩa: Đây là vùng đất rộng, bền vững, có nhiều khe lạch, đầm nước, ao hồ, cảnh quang thoáng đảng, rất thích nghi với nền nông nghiệp lúa nước.
Lễ hội đình làng Thạc Gián quận Thanh Khê lần thứ VII, năm 2023, với nhiều ý nghĩa đặc biệt, không chỉ lưu giữ bản sắc văn hóa, mà còn nhắc nhở thế hệ hậu sinh tìm hiểu và ghi nhớ công lao nhiều thế hệ của buổi khởi thủy, mở mang vùng đất ngày nay là Đà Nẵng./.
Nguyễn Phương / Theo Tạp chí ĐNÁ