Seatimes – (ĐNA). Phía Tây Thủ đô Hà Nội (Vùng xứ Đoài xưa) gồm huyện Quốc Oai, huyện Thạch Thất, huyện Ba Vì và Thị xã Sơn Tây có đến hơn 200 điểm di tích thờ Đức Thánh Tản Viên (Sơn Tinh). Trong đó, lễ hội Đền Và thờ Đức Thánh Tản Viên tại thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây là lễ hội lớn nhất, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia.

Theo truyền thuyết, Đức Thánh Tản Viên là con rể Hùng Vương thứ 18, là người đã có công giúp Vua Hùng dẹp giặc nhà Thục. Nhân dân ta đã có truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh để ca ngợi ngài Đức Thánh Tản Viên đã có công dẹp giặc giữ nước và dạy dân trị thủy để bảo vệ mùa màng, xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân. Hơn 200 điểm di tích thờ Đức Thánh Tản ở xứ Đoài xưa gắn với nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu là lễ hội Đình Tường Phiêu xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ; Đình Mông Phụ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây; Đình Tây Đằng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì; Đền Lăng Xương, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ)…
Theo các di tích lịch sử thì gian thờ tự chính Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) được đặt tại Đền Thượng trên đỉnh núi Ba Vì. Dưới chân núi có 4 cung thờ ngài xung quanh núi Ba Vì là: Đông cung Đền Và, Tây cung Đền Trung, Nam cung Đề Măng Sơn, Bắc cung Tây Đằng. Trong 4 cung đó thì Đông cung Đền Và là nơi thờ tự độc đáo nhất. Khu Đền ẩn trong 1 rừng lim xanh nguyên sinh từ hàng ngàn năm được nhân dân địa phương bảo vệ, gìn giữ. Theo lời kể của các cụ cao niên trông nom trên Đền Và: “Từ xa xưa, những ai lên khu Đền chặt cây, đốn củi mang về nhà để dựng nhà và làm chuồng trại chăn nuôi thì nhà đó ốm đau, làm ăn lụi bại, sống không yên. Họ thường mơ thấy người báo mộng mang trả hết những thứ lấy của Đền hoặc có đi xem phong thủy tâm linh các thầy pháp thì cũng được khuyên mang trả hết của nhà Đền và làm lễ tạ thì sẽ yên”.
Đền Và có nét đặc sắc, được thiết kế thờ tự theo lễ nghi triều đình phong kiến. Đền thờ bài vị và 3 ngai Tam vị Thánh Tản, có Ấn, có Ban tứ trụ triều đình và văn võ bá quan trong cung cấm. Bên ngoài Đền có Ban Quan Long hóa (cá Chép hóa Rồng), Quan Ngũ dinh và Cô Chín Giếng. Từ ngày 14 tháng 1 (âm lịch) đến ngày 17 tháng 1 (âm lịch) hàng năm chính quyền địa phương phường Trung Hưng (Thị xã Sơn Tây) tổ chức lễ hội rước Kiệu Văn từ Đình làng Vân Gia (nơi soạn Văn tế Thánh Tản Viên) lên Đền Và để tế Lễ trang nghiêm, thụ lộc xong lại rước Kiệu Văn về Đình làng. Ngày 15 tháng 9 (âm lịch) hàng năm tổ chức Lễ Hội đả Ngư theo phong tục Thánh Tản dạy dân đánh cá, tất cả làng già trẻ trai gái ai tham gia sẽ tự mang vật dụng bắt cá tập trung đông đảo hàng vài trăm người ra sông Tích Giang đánh bắt cá về tế Thánh, người nào bắt được cá to nhất sẽ có thưởng.
Tương truyền, xa xưa Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) đi bắt cá ở Sông Hồng, ngài cất một mẻ vó được 100 con cá trong đó có 01 con cá Trê không có vảy, ngài thả xuống cánh đồng phía sau Đền. Ngày nay có hóa thạch 01 con cá Trê sau Đền Và rất to, xóm cá Trê, xã Thanh Mỹ có tên từ tích đó. Theo truyền thuyết, Thánh Tản giữ lại 99 con cá về Đền Và cúng tổ tiên và chia cho Nhân dân thụ lộc. Từ đó, dân làng Vân Gia hàng năm đánh bắt đủ 99 con cá to có vảy nướng chín tại sân Đình làng Vân Gia để rước Kiệu Văn và Kiệu lễ có 99 con cá nướng lên Đền Và tế lễ, thụ lộc xong lại rước Kiệu Văn về Đình. Đây là nét văn hóa cổ truyền lâu đời của nhân dân làng Vân Gia với ý nghĩa thờ cúng, tri ân tổ tiên đã có công dưỡng dục, sinh thành để dạy bảo con cháu phải biết uống nước nhớ nguồn.
Tuy có nhiều ghi chép khác nhau về lai lịch của Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh như nêu ở trên, song xuyên suốt trong các bản ghi chép ấy là khẳng định vị thần chủ núi Ba Vì – Sơn Tinh (Tản Viên Sơn Thánh) ấy chính là hóa thân của một người họ Nguyễn, tên là Tuấn, sinh ra ở động Lăng Sương xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, vào đời Hùng Vương thứ 18. Nguyễn Tuấn có cha, có mẹ, có vợ là Ngọc Hoa công chúa con của Hùng Vương thứ 18. Sơn Tinh (Tản Viên Sơn Thánh) có vị trí cao trong tâm thức người Việt cổ, có ảnh hưởng rất lớn với triều đình Hùng Vương thứ 18, với xã hội Văn Lang thủa sơ khai. Nguyễn Tuấn vừa là vị thần trị thủy chiến thắng lũ lụt, thần tổ dạy cho dân nhiều nghề; vừa là thủ lĩnh quân sự kiệt xuất, lại cũng là một nhà chính trị khôn ngoan nhìn xa trông rộng, vị thần khuyên vua Hùng nhường ngôi cho vua Thục và lên núi “dưỡng nhàn”.
Lai lịch của Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh không chỉ phản ánh trong các bản ngọc phả, thần tích, truyền thuyết thời Hùng Vương, mà còn được phản ánh trong lịch sử nhiều làng nghề ở nước ta. Trong các bản lịch sử này, Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh được khẳng định là một vị thủy tổ của rất nhiều nghề. Sách Lược truyện Thần tổ các ngành nghề, viết: “Thánh Tản Viên, còn gọi là Sơn Tinh, qua truyền thuyết dân gian được tôn là vị thần bách nghệ đã dạy dỗ nhân dân từ việc trồng cây, đánh cá đến các môn võ nghệ, múa hát. Sự tích của thần có nhiều dị bản khác nhau, nhưng có thể tóm tắt, như sau: Thần là con của ông Nguyễn Cao Hạnh và bà Đinh Thị Đen ở động Lăng Sương bên bờ sông Đà (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Thần có tên là Nguyễn Tuấn, được trời cho gậy thần và sách ước. Thần được lấy công chúa Ngọc Hoa, con vua Hùng Duệ Vương. Cuộc hôn nhân này đã đưa đến mối thù truyền kiếp: cuộc chiến tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh kéo dài: “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”. Sơn Tinh cũng giúp vua Hùng đánh giặc nhà Thục, trận nào cũng thắng. Vua Hùng già yếu, truyền ngôi cho Sơn Tinh. Sơn Tỉnh chỉ làm vua 3 năm rồi truyền ngôi cho Thục Phán, để về núi Tản. Từ đó, thần đi khắp mọi miền đất nước, dạy nhân dân làm ăn sinh sống”. (Lược truyện Thần tổ các ngành nghề – Nxb KHXH, Hà Nội 1990, tr 16 – 20). Một số ngành do vợ chồng Tản Viên Sơn Thánh truyền dạy, được sách này ghi lại, có: Dạy dân làm ra lửa, làm ruộng, săn bắn, dạy dân kéo vó, dạy dân luyện võ, dạy dân dệt lụa, dạy dân múa hát.
Để ghi nhớ công lao sinh thành và nuôi dưỡng Nguyễn Tuấn trở thành vị thần chủ núi Ba Vì – Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh, Nhân dân ta đã lập đền thờ thân Mẫu của Ngài ở Lăng Sương (nay là xóm Lăng Sương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), gọi là đền thờ Thánh Mẫu. Đền này có một tượng hổ bằng đá, một tảng đá có 2 vết lõm, tục truyền đó là dấu tích đầu gối mẹ Tản Viên quỳ xuống khi sinh nở đức Thánh Tản Viên và có cái giếng bà tắm cho Thánh Tản Viên. Ngoài đền Lăng Sương, Thánh Mẫu, mẹ Tản Viên còn được thờ ở một số nơi khác, như: Đình Cả (thuộc xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), Tản Viên được thờ ở chính điện, hai bên thờ Mẫu (mẹ và vợ đức Thánh Tản), gọi là “Tam vị tôn thần”. Cũng ở xã Tất Thắng, cách đình Cả 2km có miếu thờ Thánh Mẫu thuộc cánh đồng Móng, nơi giáp ranh giữa hai xã Tất Thắng và Cự Đồng (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) hiện còn hòn đá xanh thẫm (dài 95cm, rộng 50cm, dầy 450cm) có in hình bàn chân phải người phụ nữ, tương truyền rằng đó là bàn chân Thánh Mẫu đi qua nơi đây khi mang thai Tản Viên. Tại Đền Và Sơn Tây, ngôi đền có từ thời nước ta thuộc ách đô hộ của nhà Đường, trong đền, ngoài bài vị đức Thánh Tản, còn có bài vị bà Đinh Thị Đen là mẹ của Sơn Tinh, và bài vị của hai anh em ruột con chú của Tản Viên là Cao Sơn và Quí Minh.
Với những công lao to lớn với dân, với nước, Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh, được tôn phong là vị Tổ của bách thần nước ta, một trong Tứ bất tử của thần linh nước Việt, được nhân dân ta lập đền thờ ở nhiều nơi (chỉ riêng ở Phú Thọ hiện nay có 56 làng thờ Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh. Hầu hết các làng Mường ở Phú Thọ đều lập Thánh Tản làm Thành hoàng làng và thờ ở Đình. Sơn Tinh, Tản Viên, Tản Viên Sơn có chỗ ghi là thiên thần, có chỗ ghi là nhân thần, kỳ thực vẫn là một người – Nguyễn Tuấn). (Vũ Kim Biên – Văn hiến làng xã vùng đất Tổ Hùng Vương – Trung tâm tư liệu UESCO Việt Nam và Sở VHTT Phú Thọ xuất bản năm 1999, tr 526-527 – 258). Điển hình là ba ngôi đền thờ Ngài ở núi Tản Viên, là: Đền Thượng ở trên đỉnh núi là đền chính, thờ Đại vương Nguyễn Tuấn (tức Tản Viên Sơn Thánh) khởi dựng từ thời Bắc thuộc, trùng tu vào đời Đường Ý Tông (860- 874), xây dựng lại vào đời Lý Thần Tông (1073-1128). Đền Trung ở sườn núi, xây từ thời Lý, sau này dưới triều Minh Mạng được Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu. Đền này, ngoài Đại Vương Nguyễn Tuấn ra còn thờ vị sơn thần khác là Nguyễn Hương và Nguyễn Lang. Đền Hạ dưới chân núi cũng thờ Sơn Tinh.
Sự thờ phụng Đức Thánh Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh trên đây bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thần núi chủ cộng với tục thờ người có công với dân với nước. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta một lòng tôn kính, ngưỡng mộ Đức Thánh Nguyễn Tuấn – Thánh Tản, bởi họ tìm thấy ở Ngài phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quê hương mình. Ngài trở nên bất Tử trong đời sống văn hóa – tâm linh của người Việt cổ, được di dưỡng qua năm tháng, ngày càng tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay. Để góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy truyền thống quí báu đó của dân tộc, Hội Người họ Nguyễn Việt Nam đã tôn phong Đức Thánh Nguyễn Tuấn, Tản Viên Sơn Thánh là Biểu tượng ông Tổ họ Nguyễn Việt Nam.

Lễ hội Đền Và – nét văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam
Lễ hội Đền Và thị xã Sơn Tây diễn ra hai lần trong một năm để Nhân dân và khách thập phương về dự làm lễ tri ân công đức trời biển của Tản Viên Sơn Thánh – Thượng đẳng tối linh (ngài đứng thứ nhất trong tứ bất tử Thánh) đó là lễ tháng Giêng từ 14 – 17/1 âm lịch và lễ hội Đả ngư diễn ra vào ngày 15/9 âm lịch. Trong đó, lễ hội tháng Giêng diễn ra quy mô, tổ chức long trọng hàng năm do chính quyền địa phương tổ chức. Theo thông lệ, cứ 3 năm một lần vào các năm Tý – Mão – Ngọ – Dậu thì chính quyền và nhân dân lại tổ chức lễ chính với quy mô lớn giữa thị xã Sơn Tây, Hà Nội và huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Lễ rước long ngai, bài vị của Tam vị từ Đền Và qua các phố của thị xã Sơn Tây và qua sông Hồng sang Đền Ngự Dội (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) để tế lễ.
Điểm đặc sắc nhất của Lễ Hội Đền Và vào những năm chính Hội là lễ rước long ngai, bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản từ Đền Và qua các phố của thị xã Sơn Tây và qua sông Hồng sang Đền Ngự Dội (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) để tế lễ. Khi tập kết và làm các nghi lễ tại khu vực Đền Ngự Dội, đám rước gồm đủ mọi đối tượng được hòa mình trong không khí linh thiêng, tự hào, vui tươi, phấn khởi. Thời gian nhân dân hai vùng tả hữu sông Hồng và Khách thập phương dự Hội, tế lễ xong, nghỉ ngơi, thụ lộc, dự các trò chơi dân gian cho đến khi thấy lá cờ tứ linh gặp gió thổi phất đuôi cờ về phía Nam (hướng bên kia sông) thì các cụ tế triệu hồi đưa kiệu rước trở lại để yên vị các ngài ngự tại Đông Cung Đền Và.
Quá trình đoàn rước kiệu từ sân đền qua các khu phố của thị xã Sơn Tây, mọi nhà và các đình – nơi kiệu đi qua, đều sắp sửa mâm lễ để nghênh kiệu; trẻ nhỏ, người lớn đều tranh thủ từng phút được chui qua kiệu để lấy phước cầu sức khỏe và may mắn. Các điểm ngã ba, ngã tư đường phố đoàn rước tiến hành nghi lễ quay kiệu và reo hò. Lễ hội Đền Và có tính giáo dục truyền thống, thể hiện tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn, khơi dậy niềm tự hào của dân tộc, có sức lan tỏa và ý nghĩa nhân văn to lớn, sâu sắc. Đó không chỉ là tưởng nhớ đến công lao của Đức Thánh Tản mà còn thể hiện lòng ước nguyện của hàng triệu người dân ở trong và ngoài nước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước phát triển, xã hội văn minh mang đậm bản sắc dân tộc.
Tháng 4/2022, thị xã Sơn Tây đã khai trương năm Du lịch “Về Sơn Tây – về miền di sản”, trong đó, Đền Và là một điểm đến quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng nền kinh tế du lịch của địa phương và hướng tới xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô theo hướng đô thị du lịch – sinh thái – nghỉ dưỡng.

Để chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2025). Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cùng với khai Hội Đền Và ngày 12 tháng 2 năm 2025. Nổi bật nhất là giải bóng đá tranh Cup Thánh Tản 2025 được Đoàn thanh niên Phường Trung Hưng tham mưu cho UBND phường tổ chức rất thành công ngay trên sân bóng Đền Và đã thu hút được đông đảo các vận động viên và cổ động viên tham gia thi đấu và cổ vũ mang đến không khí vui xuân hướng tới Lễ Hội Đền Và.
Giải bóng đá tranh Cup Thánh Tản gồm có 07 đội bóng thuộc các tổ dân phố trong phường trung Hưng tham gia với hơn 100 vận động viên từ U-16 đến U-47 thu hút hơn 10.000 lượt cổ động viên đến xem và cổ vũ cho các đội bóng. Sau 1 tuần thi đấu gay cấn, sôi nổi, đội bóng tổ dân phố 6 Vân Gia đã đạt giải nhất và đoạt Cup Thánh Tản.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Đông Nam Á về việc tổ chức Lễ Hội Đền Và, ông Phùng Ngọc Vĩnh – Bí thư Đảng ủy phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội cho biết thêm những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời nơi vùng đất địa linh sinh anh kiệt như sau: “Đền Và gắn với sự tích “Sơn Tinh – Thủy Tinh” theo truyền thuyết và tâm niệm tôn thờ của người Việt Nam. Nguyễn Tuấn, tên thiếu thời của Đức Thánh Tản, là Thiên nhân giáng thế đã tu luyện đắc đạo phép tiên do Tiên ông Thái Bạch Kim Tinh truyền dạy, Người đã trở thành bậc Thánh (Thọ Đồng Thiên), sống trường tồn vĩnh hằng cùng trời đất, Người là bậc “Thượng Đẳng tối linh Thần”, vị Thánh đứng đầu Tứ Bất Tử của Việt Nam. Là “Đệ nhất phúc Đẳng Thần”, “Thiên địa Đại đức”, được Mẫu Chúa Thượng ngàn (Thần núi Ba Vì) và Tiên ông (Thái Bạch Kim Tinh) nuôi dưỡng, truyền dạy phép thuật, ban cho Gậy Thần (Đầu sinh đầu tử), được Long Vương biển Nam Hải ban tặng sách ước (Thân thư bí Pháp truyền), thường đi cứu dân độ thế. Mọi Thiện nam, Tín nữ thành tâm cầu lễ sẽ được người ban linh ứng, vạn sự như ý. Theo Ngọc phả đền Và, cũng theo truyền thuyết dân gian: Đức Thánh Tản có công dạy dân lao động sản xuất, chống nạn Hồng thủy, phò giúp Vua Hùng bình định giặc dã, giữ yên bờ cõi Văn Lang. Như vậy: Đức Thánh Tản là hiện thân của sức mạnh chân lý, của truyền thống đạo lý dân tộc Việt Nam trong đoàn kết chống giặc, chống thiên tai, trong lao động sản xuất, xây dựng xóm làng, đất nước và là biểu tượng Quốc hồn của dân tộc.
Về với lễ hội đền Và! Quý khách sẽ được chiêm ngưỡng sống động bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nét đặc trưng của lễ hội Xứ Đoài: Theo thông lệ hàng năm, cứ đến rằm Tháng Giêng, các Làng: Vân Gia (sở tại), Nghĩa Phủ, Mai – Đạm Trai, Thanh Trì, Ái Mỗ, phường Trung Hưng; Phú Nhi, phường Phú Thịnh, Phù Xa, phường Viên Sơn Thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội cùng thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc lại tưng bừng, náo nhiệt rước kiệu Lễ, kiệu Văn về Tế lễ, cầu nguyện, mở hội tại đền Và. Cứ ba năm một kỳ chính hội vào các năm: Tý – Mão – Ngọ – Dậu, lại tưng bừng náo nhiệt rước Thánh qua Sông Hồng về đền Ngự Dội dâng hương, làm lễ Mộc Dục trên quê hương Phong Châu, đạo Hưng Hóa, đất tổ Vua Hùng. Lễ hội diễn ra ba ngày, ba đêm, lộ trình hội rước cả trên bộ, dưới sông, thu hút hàng vạn người tham gia trẩy hội với quy mô lễ hội liên thôn, liên xã, liên huyện, liên tỉnh – của cả một vùng quê Xứ Đoài!
Về với lễ hội đền Và! Quý khách như được trở lại với lịch sử mấy nghìn năm, dân dã thôn quê như: Vật thờ, cờ tướng, chọi gà, kéo co, chơi đu, nấu cơm thi; văn nghệ dân gian, để đến khi về vẫn nhớ mãi Xứ Đoài nhân văn! – Về với lễ hội đền Và, quý khách sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh vùng quê địa linh nhân kiệt, gắn với lịch sử hào hùng của Dân tộc ta như: Đường Lâm, làng Việt cổ, nơi xưa kia một ấp sinh hai Vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền; với Thành cổ Sơn Tây, Xã Tắc, Văn Miếu, nơi lưu danh Thám hoa Xứ thần Giang Văn Minh với vế đối bất hủ đến nay vẫn là lời cảnh tình với các thế lực thù địch: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”!

Về với lễ hội đền Và! Quý khách sẽ được thả hồn với quê hương, đất nước, con người, một vùng du lịch sinh thái với những địa danh in đậm dấu tích huyền thoại xưa như: Sông Tích, Sông Đà, Đầm Đượng, Đầm Mộc, Hang Giải, Ao Vua, Đồng Mô, Khoang Xanh, Suối Tiên, rừng Quốc gia Ba Vì. Và nơi đây, trung tâm tổ chức lễ hội có: Đền Và, Chùa Mía, Chùa Vân…
Quý khách còn được chiêm ngưỡng rừng lim cổ thụ nguyên sơ cả ngàn năm tuổi, một Thánh đường Điện thờ tráng lệ, một Phật đường cổ tự tinh không, những công trình kiến trúc điêu khắc độc đáo được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, được kết tinh qua lao động nghệ thuật sáng tạo của ông cha ta. Ngoài lễ hội cờ phước rằm Tháng Giêng, đền Và còn tổ chức Tiệc Tế cá rằm Tháng Chín, với sự tích Đức Thánh Tản kéo cá Sông Tích và Tước thảo đầu năm, hai tiệc hội này cùng với hai mỹ tục gắn bó với sinh hoạt đời sống của nhân dân trong vùng đó, là tục dọn dẹp cỏ rác vệ sinh đường làng, ngõ xóm để đón Xuân, mở hội và tổ chức đánh cá sông Tích Tháng Chín để Tế Thánh. Trân trọng, tôn vinh ân đức của Thánh Linh, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Dân tộc Việt Nam. Tham gia lễ hội đền Và, chúng ta cùng nhau tôn vinh truyền thống Dân tộc ta, giữ gìn văn hóa Dân tộc ta. – Chúc lễ hội đền Và của chúng ta: Thật vui vẻ – Thật mãn nguyện – Đoàn kết, an toàn, tiết kiệm”
TS. Phùng Văn Hảo