Seatimes – (ĐNA). Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025) và hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), chiều 16/5/2025, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế qua nghệ thuật ký họa”. Triển lãm giới thiệu những tác phẩm thể hiện các địa danh gắn với tuổi thơ của Bác tại Huế, góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng thông qua ngôn ngữ tạo hình.

Triển lãm là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tưởng nhớ và tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đồng thời góp phần lan tỏa ý thức gìn giữ di sản, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và vun đắp những giá trị nhân văn sâu sắc trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tham dự lễ khai mạc có TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế; họa sỹ Đặng Mậu Tựu, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Huế; nhà thơ Lê Vĩnh Thái, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương; cùng đại diện các cơ quan ban ngành, các nghệ sĩ và đông đảo công chúng yêu văn hóa nghệ thuật.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ThS. Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế nhấn mạnh: “Triển lãm không chỉ là sự kiện mỹ thuật mang giá trị thẩm mỹ, mà còn là hành trình tri ân, là cách để các nghệ sĩ bày tỏ tình cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã gắn bó một phần tuổi thơ và hành trình cách mạng đầu đời với mảnh đất Cố đô. Thông qua nghệ thuật ký họa, các tác phẩm góp phần giúp công chúng thêm hiểu, thêm yêu những không gian di tích thiêng liêng, gần gũi gắn liền với cuộc đời Người tại Huế.
Với 35 tác phẩm ký họa đặc sắc, triển lãm giới thiệu đến công chúng góc nhìn nghệ thuật của các kiến trúc sư, họa sĩ thuộc Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội cùng một số họa sĩ Huế, thực hiện trực tiếp tại các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế. Những nét bút phóng khoáng, tinh tế không chỉ tái hiện không gian kiến trúc mà còn truyền tải chiều sâu cảm xúc, làm sống dậy hình ảnh các địa điểm thiêng liêng như Nhà lưu niệm Bác Hồ ở 158 Mai Thúc Loan, làng Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ, Trường Quốc Học Huế… Đây là những di tích quốc gia đặc biệt, gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng 10 năm sinh sống, học tập và hoạt động yêu nước tại Huế (1895 – 1905).
Từng nét ký họa như ghi dấu lại ký ức, là cuộc đối thoại lặng lẽ giữa quá khứ và hiện tại. Các tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ từ cảm nhận, rung động đến trải nghiệm được thể hiện qua ngôn ngữ hội họa. Không chỉ khắc họa diện mạo di tích, ký họa còn mở ra chiều sâu cảm xúc, gợi suy ngẫm về một thời kỳ đầy biến động và ý chí lớn lao của người thanh niên Nguyễn Tất Thành thuở nào, người sau này trở thành Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Đặc biệt, không gian trưng bày được sắp đặt hài hòa trong tổng thể mỹ thuật của Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, tạo điều kiện thuận lợi để người xem thưởng lãm và chiêm nghiệm. Sự lắng đọng trong cảm xúc, nét gần gũi trong cách thể hiện cùng tinh thần tri ân xuyên suốt đã biến triển lãm thành một “cuộc trò chuyện nghệ thuật” sâu sắc, cuốn hút và giàu tính nhân văn.
Triển lãm “Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế qua nghệ thuật ký họa” không chỉ là một sự kiện văn hóa – nghệ thuật, mà còn là dịp khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức gìn giữ di sản và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất cố đô. Sự kết nối giữa nghệ thuật, di sản và con người được thể hiện rõ nét qua cách tiếp cận và thông điệp mà các tác phẩm chuyển tải: sự trân trọng quá khứ, lòng biết ơn vị lãnh tụ kính yêu, và tinh thần trách nhiệm đối với tương lai.
Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 23/5/2025 tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế (số 15, đường Lê Lợi, thành phố Huế). Đây là dịp để công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về hành trình thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế, mảnh đất đã góp phần bồi đắp nhân cách và hình thành tư tưởng lớn của Người. Đồng thời, triển lãm cũng mang đến cơ hội thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ, góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, gìn giữ di sản và nuôi dưỡng những giá trị nhân văn trong đời sống đương đại.
Minh Anh