Trăm đường khổ
Trong những căn hộ rộng chừng hơn 10m2 đó, rất nhiều nhà không có giường, phải trải chiếu hoặc đệm trực tiếp xuống nền nhà để tiết kiệm diện tích. Những nhà có giường thì phải trèo qua để vào, khách đến chơi chỉ dám mời ra quán nước, cà phê để nói chuyện chứ không dám mời lên nhà vì quá chật.
Nhà vệ sinh chung với bếp ăn của một hộ dân
Trước kia, khu tập thể này là nhà công vụ nên được thiết kế mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh chung ở đầu hồi. Về sau, do quá chật hẹp, các hộ gia đình đã tự mở rộng, cơi nới thêm phần diện tích ra ban–công như hiện nay.
Không chỉ chật chội, do được xây dựng từ khá lâu nên hiện nay, khu tập thể đang ngày càng cũ kĩ và xuống cấp. Nhiều hộ đang bị nước ngấm qua tường, nhà lúc nào cũng trong tình trạng ẩm mốc.
Bà Phạm Thị Thu, tổ phó Tổ dân phố 52 (khu nhà E4), cho biết: “Hiện nay một số nhà đang bị ngấm nước khá nghiêm trọng. Kể cả những ngày nắng, nước từ trên tầng thượng vẫn ngấm được xuống nhiều hộ gia đình. Ở tầng 3 mà nhiều hộ vẫn bị ngấm phần tường sau nhà. Xuống tầng 1, hộ gia đình ông Tuấn phải khắc phục việc bị dột bằng cách làm hệ thống máng để nước chảy ra ngoài”.
Theo bà Thu, nguyên nhân là do các hộ gia đình lắp đặt bình chứa nước trên tầng thượng, lâu ngày các nắp chống tràn bị rơi ra ngoài. Khi nước được bơm đầy nếu không tự động ngắt, sẽ tràn từ các bình ra mái và theo các đường kẽ nứt chảy và ngấm xuống các tầng dưới”, bà Thu giải thích.
Sống chung với… phân
Nhưng điều khổ sở và hãi hùng nhất là việc khu tập thể đang treo lơ lửng hàng trăm đường ống dẫn nước thải trực tiếp từ hệ thống toilet xuống cống xả bên dưới. Do các hộ gia đình không có chỗ chứa bể phốt lên cách duy nhất là xả trực tiếp xuống bên dưới qua các ống nhựa cỡ lớn. Điều này khiến môi trường xung quanh rất ô nhiễm, và cũng có những câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra.
Bác Nhàn, một người sống lâu năm tại khu tập thể, chỉ tay: “Những đường ống này đã có từ hơn 20 năm nay rồi. Các hộ trên tầng 2,3 và 4 sau khi vệ sinh đều xả trực tiếp xuống đây. Đã không ít lần đường ống bị vỡ, nước thải bắn tung tóe, người đi đường có khi dính cả phân”.
Theo quan sát của phóng viên, các đường ống dẫn nước thải được nối trực tiếp với nhà vệ sinh của mỗi hộ, giăng chằng chịt, chạy từ tầng trên xuống tầng dưới, bò dọc theo cầu thang, thậm chí là nằm trên mái nhà của các hộ dân khác. Tất cả ống dẫn đều được cắm xuống đường cống phía dưới tầng 1.
“Chỉ khổ mấy hộ dưới tầng 1, phải chịu mùi hôi thối quanh năm. Cống thải nằm ngay trước cửa ra vào, mất vệ sinh vô cùng. Nhiều chủ nhà ở đây do không chịu được nên đã chuyển đi, cho người khác thuê trọ” – bác Nhàn nói.
Chính vì “sự đặc biệt” này mà nhiều khi có những câu chuyện ngoài sức tưởng tượng diễn ra ở đây. Cô Lê Thu Hoài, chủ quán nước ở gần khu tập thể cười: “Hồi trước có một chị buôn đồng nát vừa mua sắt vụn, bìa giấy ở đầu ngõ xong, thấy có ống nước chảy từ trên tầng hai xuống, chị ta liền chìa tay ra rửa. Mới xoa được vài cái thì trời đất, một đống phân chảy thẳng vào tay. Khiếp quá, chị ta hét toáng lên rồi lao vào nhà bên cạnh xin rửa, chừa đến già. Không chỉ mình chị đấy đâu, nhiều người lạ đến đây cũng đâu biết đó là ống thoát nhà vệ sinh”.
Chuyện bị nước phân chảy vào đầu, hay các đường ống bị vỡ đột ngột là chuyện xảy ra như cơm bữa ở đây. Nhiều hộ dân còn vô tư cho đường ống chảy lộ thiên, chỉ kéo ống đến hết phần ban công nên nước thải cứ thế mà tong tong chảy từ tầng 2 xuống đất. Những hộ phía dưới hứng đủ mùi hôi thối và sự ô nhiễm.
Quán cớm sinh viên nằm ngay bên dưới những ống thải nhà vệ sinh
Mùi hôi thối cùng với chất thải chưa qua xử lí đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhiều hộ dân tại khu tập thể. Nhiều nhà khi ăn cơm phải đóng kín cửa. Nhiều hộ phải bọc tôn và bạt xung quanh các chân đường ống chảy xuống cống để tránh nước thải bị bắn vung vãi.
Được biết, dự án “cống hóa” sông Lừ đã tiến hành và lắp đặt đường cống ngầm thay thế cho con mương trước đây, nước thải sẽ được đổ xuống cống ngầm thay vì lộ thiên. Tuy nhiên, nó cũng chỉ làm giảm đi phần nào sự ô nhiễm.
Thật khó có thể tin rằng, giữa lòng Thủ đô văn minh, hiện đại lại tồn tại những nơi mà người dân phải sống chung với chất thải của chính mình như thế này.
Khu tập thể E4 của Đại học Y được xây dựng cách đây khoảng 40 năm. Ban đầu, khu nhà được dùng để làm ký túc xá cho sinh viên, sau đó được chia lại và phân cho các cán bộ trong trường. Với diện tích 12 – 20m2/căn. Hiện khu tập thể này là nơi sinh sống của hơn 130 hộ dân. |