Seatimes – (ĐNA). Sáng nay (18/4/2025), phát biểu tại Hội nghị chuyên đề “Đối thoại Doanh nghiệp trong lĩnh vực Sản xuất – Xuất Nhập khẩu, Logistics, thành phố Đà Nẵng”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh:
Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đã chính thức xác định không gian phát triển mới của thành phố Đà Nẵng. Thời điểm hiện tại khác với bối cảnh lúc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 “Về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”, (tháng 6 năm 2024).

Với địa giới hành chính mới (thành phố Đà Nẵng – tỉnh Quảng Nam), và đến nay, Chính phủ cũng chưa có quyết định cuối cùng về Khu thương mại tự do (tại Đà Nẵng), Đà Nẵng nên tranh thủ cơ hội này đề xuất thêm về địa điểm đặt khu thương mại tự do. Không nhất thiết là 1 điểm (cảng Liên Chiểu). Mà có thể mở tầm nhìn đến cụm công nghiệp Kỳ Hà-Chu Lai, Khu Kinh tế mở Chu Lai, chú ý những hạt nhân như Khu Công nghiệp (Trường Hải) THACO CHU LAI.
Điều này cho thấy tầm nhìn và ý nghĩa của chủ trương sáp nhập địa giới hành chính của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ: Mỗi địa phương đều tranh thủ được lợi thế phát triển khi đã có không gian mới.
Đà Nẵng cũng nên nghĩ thêm đến tiềm năng Logistics khi bây giờ đường biên giới trên bộ với các nước bạn dài hơn, cần đến sự linh hoạt của các mô hình vận tải đa phương thức. Để làm được điều này, cũng như tiên phong trở thành Trung tâm Logistics tại khu vực, Đà Nẵng cần có kịch bản liên kết vùng mạnh mẽ.
“Hiện nay, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang nghi đến kịch bản mới cho mô hình khu thương mại tự do, nhất là trong bối cảnh có thêm không gian phát triển. Đà Nẵng có lợi thế nhiều hơn các địa phương bạn. bởi đã có Nghị quyết số 136/2024/QH15.
Đà Nẵng luôn là địa phương có những đột phá về mô hình tăng trưởng, Bộ Công Thương rất kỳ vọng và sẽ luôn hỗ trợ Đà Nẵng. Sắp đến, Bộ sẽ thành lập Đoàn công tác khảo sát lại tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, mà Đà Nẵng là địa phương có vai trò tham gia sớm, đồng thời, cũng giữ vị trí, vai trò rất quan trọng của tuyến hành lang này, Đà Nẵng cần huy hết những lợi thế có được với không gian mới”, ông Trần Thanh Hải phân tích thêm.

Đà Nẵng với kịch bản tăng trưởng 2 con số và đóng góp của xuất khẩu
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, nhìn lại các lĩnh vực chính của ngành, bao gồm sản xuất công nghiệp, thương mại – xuất nhập khẩu và năng lượng, trong năm 2024, phần lớn đều tiếp tục có đà hồi phục, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung.
Tính chung năm 2024, chỉ số IIP (chỉ số dựa trên chỉ tiêu đánh giá tốc độ phát triển sản xuất ngành công nghiệp, theo tháng, quý, hoặc theo năm) toàn ngành công nghiệp Đà Nẵng, ước tăng 6,65% (kế hoạch tăng 4-5%) so với cùng kỳ năm 2023. Một số ngành đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng: Dệt (+35,58%); Sản xuất đồ uống (+10,19%); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+13,11%); Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+19,71%); Sản xuất máy móc, thiết bị (động cơ 1 chiều; bộ lọc dầu…) (+16,83%); Sản xuất phương tiện vận tải (+8,01 %); đặc biệt ngành dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị có mức tăng cao (+68,67%).
Hoạt động sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa tiếp tục giữ vững tốc độ tăng so với cùng kỳ (+11,02%). Hoạt động cung cấp nước, quản lý, xử lý rác thải, nước thải ước tăng 3,92%; chỉ riêng hoạt động khai khoáng giảm so với năm 2023.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Đà Nẵng năm 2024, ước đạt 3.231 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.921 triệu USD, tăng 3,4% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.385 triệu USD, tăng 21,2%.

Theo ngành hàng cụ thể, hàng dệt may ước đạt 498 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2023; Thủy sản ước đạt 220 triệu USD, tăng 4,3%; Động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 648 triệu USD, tăng 4%. Riêng một số ngành hàng như thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ ước đạt 21,5 triệu USD; đồ chơi trẻ em ước đạt 97 triệu USD, Cao su thành phẩm ước đạt 123 triệu USD,…
“Tuy có nhiều nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất – xuất khẩu, nhưng do ảnh hưởng của thị trường thế giới, nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt mức xấp xỉ hoặc giảm nhẹ 1-2% so với cùng kỳ năm 2023”, bà Quỳnh Trâm chia sẻ..
Đến nay, Đà Nẵng đã xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số khu vực thị trường có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn gồm Đông Bắc Á khoảng 46%, Châu Mỹ 25%; EU 15 %; Đông Nam Á 5%; trong đó, một số nước có tỷ trọng xuất khẩu lớn như: Nhật Bản chiếm khoảng 35%; Hoa Kỳ khoảng 20%…
Khó khăn trước mắt là thị trường Hoa Kỳ thì đang chờ kết quả đàm phán cuối cùng, tuy lênh áp thuế tạm dừng có thời hạn, song bản thân đối tác nhập khẩu của doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng-Việt Nam nói chung cũng khuyến cáo “tạm ngưng sản xuất, ngưng nhập kho nguồn hàng, chờ tình hình”.

Đồng bộ giải pháp giúp doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất, xuất khẩu
“Chính quyền thành phố luôn cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay. Kiến nghị, đề xuất giải pháp, trong thẩm quyền, UBND thành phố sẽ kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, từ đề xuất của doanh nghiệp tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, gỡ bỏ các rào cản, tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng mỗi ngày một thuận lợi hơn. Những kiến nghị vượt thẩm quyền, thành phố sẽ đề xuất với TW thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội, thông qua các Sở, ngành có tổ chức ngành dọc để kịp có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Tính ổn định và tăng trưởng của doanh nghiệp, có ý nghĩa quyết định để thành phố Đà Nẵng hoàn thành chỉ tiêu của TƯ giao: Tăng trưởng phải đạt 2 con số.
Năm nay, Đà Nẵng đề ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 8 – 9% so với năm ngoái, các mặt hàng xuất chủ lực dự kiến sẽ có mức tăng gồm: Cao su thành phẩm (tăng 9,6%); động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử (9,2%); thủy sản (8%); dệt may (7,8%); thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ (6%). Tuy nhiên, đây đều là những ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Mà tình hình hiện nay ở thị trường này thì có có khá nhiều biến động. Doanh nghiệp thực sự đang rất khó khăn, thành phố cũng đã có báo cáo và đang chờ Chính phủ có chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp”, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng khẳng định.

Về phía Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, kịch bản để đạt được mục tiêu tăng trưởng sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính. Trước tiên vẫn là cải cách thủ tục hành chính, bắt đầu từ rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đến tăng cường phối hợp liên ngành và đồng bộ hóa quy trình về thủ tục. Phát triển sản xuất và mở rộng thị trường, không quá lệ thuộc vào một thị trường được xem là giải pháp căn cơ và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, được xem là giải pháp ưu tiên. Sở cũng đề xuất tranh thủ thời cơ, phát triển Logistics, đồng thời phát triển nguồn nhân lực theo hướng có sự phối hợp nhịp nhàng hơn, cùng phối hợp đào tạo chuyên sâu về Logistics, thương mại quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải cũng đồng tình và nhấn mạnh rằng, để đảm đương vai trò của một Trung tâm Logistics vùng, tích hợp được các phương thức vận tải đa dạng, Đà Nẵng phải chú trọng hơn đến nguồn nhân lực cho Logistics theo hướng “tinh thông – chuyên nghiệp và quốc tế cao”.
“Ngoài ra, trong bối cảnh xuất khẩu đến các thị trường xa đang có nhiều khó khăn, Đà Nẵng vói khả năng của mình, cần chú ý hơn đến những thị trường gần như Myanmar, Cambodia và Laos”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải lưu ý.

Trong khuôn khổ hội nghị sáng nay, đại diện ngành Hải Quan, khu vực 12 cũng đã có chia sẻ thêm thông tin về bối cảnh tổ chức lại bộ máy của Ngành. Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng đã sáp nhập với Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi và đổi tên thành Chi cục Hải quan khu vực XII có địa bàn quản lý bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, trụ sở chính đặt tại Đà Nẵng.
Theo đó, chấm dứt hoạt động Chi cục Hải Quan quản lý hàng Đầu tư,Gia côngvà sắp xếp, sáp nhập với Chi cục Hải Quan Khu Công Nghiệp Hòa Khánh – Liên Chiểu, đổi tên thành Hải quan Khu công nghiệp Đà Nẵng. Tuy nhiên Cục Hải quan tiếp tục duy trì mã đơn vị Hải quan và địa điểm làm thủ tục hải quan như hiện nay, để thực hiện thủ tục và xử lý các công việc tồn đọng.Thời gian tới, mã của các đơn vị thực hiện sáp nhập , dự kiến sẽ đóng.

Đáng chú ý, đại diện ngành Hải Quan khu vực 12 cho biết, Cục Hải quan đã xây dựng, triển khai diện rộng Hệ thống thông quan điện tử phiên bản 6 (viết tắt là hệ thống Ecus6) tại kế hoạch số 497/CHQ-CNTT ngày 26/3/2025, còn gọi là Hệ thống khai Hải quan từ xa.
Hệ thống Ecus6 được xây dựng với chức năng dự phòng cho hệ thống VNACCS/VCIS khi hệ thống VNACCS/VCIS gặp sự cố. Khi hệ thống VNACCS/VCIS gặp sự cố, hệ thống Ecus6 sẽ được kích hoạt và thực hiện việc tiếp nhận tờ khai hải quan thay thế tạm thời cho hệ thống VNACCS/VCIS. Sau khi hệ thống VNACCS/VCIS được khắc phục và sẵn sàng cho việc tiếp nhận tờ khai hải quan thì hệ thống Ecus6 sẽ tạm dừng hoạt động.
Đối tượng sử dụng hệ thống (Ecus6) bao gồm cả một số đơn vị hải quan và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khai hải quan.

Trong khi đó, đại diện Chi Cục Thuế Khu Vực XII đã giới thiệu để các doanh nghiệp liên quan nắm chắc hơn một số nội dung chính sách Thuế mới đối với Xuất khẩu và Logistic.
Trong đó, có Luật Quản lý thuế 2019 được sửa đổi , bổ sung có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025; Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024, trong đó quy định mới về đối tượng không chịu thuế GTGT. Điểm đặc biệt là nhiều nội dung mới, trước đây chưa hề có quy định như hiện hành. Và những điểm mới của Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ có hiệu lực từ ngày 1/6/2025 sắp tới./.
Trần Ngọc