Ngày 14/7, Bộ GD&ĐT đã công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2019. Nhiều chuyên gia đánh giá chất lượng đề thi có độ phân hóa và phân loại thí sinh tốt hơn. Phổ điểm các môn thi đều tăng hơn so với năm ngoái, dự kiến điểm chuấn vào đại học top trên sẽ tăng từ 1 – 1,5 điểm.
Phổ điểm đẹp hơn do đề phân hóa cao
Từ dữ liệu thống kê phổ điểm của Bộ GD&ĐT cho thấy, điểm trung bình các môn đều tăng so với năm 2018. Có tới 2/3 số môn thi có điểm trung bình từ 5 trở lên. Cụ thể, môn Vật lý điểm trung bình 5,57; Hóa học 6,25 điểm; Địa lý 6,0 điểm; Toán 5,64 điểm; Ngữ văn 5,49 điểm; Giáo dục công dân (GDCD) 7,35 điểm. Tuy nhiên, lại có 3 môn điểm trung bình rất thấp: Sinh học 4,68 điểm, 59,60% thí sinh có bài thi điểm dưới 5; Lịch sử 4,3 điểm, 70,01% thí sinh có bài thi dưới điểm 5; Tiếng Anh 4,36 điểm, 68,74% bài thi điểm dưới 5.
Giải thích về các môn thi có điểm thi trung bình dưới 5, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Sái Công Hồng cho biết: Nhiều năm nay, kể cả thi tốt nghiệp THPT riêng và thi “3 chung”, Lịch sử và Tiếng Anh đều có điểm trung bình không cao. Nhưng nếu xét ở các TP lớn, điểm trung bình môn Tiếng Anh tương đối cao, TP Hồ Chí Minh điểm trung bình 5,8, Hà Nội trên 5,0 và số lượng thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên gần 20% trên tổng số em dự thi.
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT nhận định, phổ điểm thi THPT quốc gia 2019 đẹp hơn các năm trước, do độ phân hóa cao, phân loại thí sinh tốt hơn. Theo ông Khuyến, đề thi THPT quốc gia 2019 chỉ đánh giá trình độ học sinh nói chung, phụ thuộc vào yêu cầu tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chứ chưa xuất phát từ chuẩn đầu ra của chương trình THPT. PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng đánh giá cao chất lượng của đề thi năm nay. Tuy nhiên, bà cho rằng, khi đánh giá phổ điểm phải so sánh với chuẩn kiến thức và kỹ năng cần đạt. Bởi mỗi năm, độ khó dễ của đề thi có sự dao động.
Không có chuyện “30 điểm vẫn trượt đại học”
Do điểm thi các môn THPT quốc gia 2019 cao hơn so với năm 2018 nên phổ điểm thi tính theo khối/tổ hợp truyền thống cũng tăng lên, từ 15,64 – 18,05 điểm. Cụ thể, khối A0 điểm trung bình 17,73; khối A1 là 17,39 điểm; khối B 16,85 điểm; khối C 15,64 điểm; khối D 15,78 điểm; C01 là 18,05 điểm. Với kết quả phổ điểm hơn mức 5 điểm/1 môn nhưng ít chạm ngưỡng 10 điểm/môn, TS Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT đánh giá, việc tuyển sinh ĐH năm nay sẽ không thể ồ ạt theo kiểu “30 điểm vẫn trượt ĐH” như đã từng xảy ra.
Với phổ điểm thi khối (D, B, C, A1, A) cao hơn hẳn năm 2018 từ 0,5 – 2,15 điểm, PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho rằng điểm chuẩn theo từng khối sẽ tăng. Tuy nhiên, ông Lập lưu ý, điểm từng khối có tăng, không đồng nghĩa với điểm chuẩn cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng mà phụ thuộc vào số lượng thí sinh dự thi và chỉ tiêu lấy theo khối. Nhất là khi năm nay, số lượng thí sinh dự thi THPT giảm. Số lượng thí sinh dự thi khối A, B giảm và C tăng so với năm 2018.
Hơn nữa, từ kết quả thi, từng thí sinh còn xem xét để tới đây điều chỉnh nguyện vọng. Do đó, điểm chuẩn của các trường, các ngành phụ thuộc vào sự điều chỉnh này. Nhưng nhìn chung các trường ĐH top trên điểm chuẩn có thể tăng từ 1 – 1,5 điểm so với năm 2018. Các trường top dưới, điểm chuẩn có thể tăng mạnh hơn so với điểm chuẩn gọi thí sinh nhập học năm 2018. Ông Nguyễn Thái Sơn – Trưởng phòng Tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh dự kiến, với phổ điểm từ mức 24 trở lên có độ dốc lớn, không chỉ các trường ĐH top trên thuận lợi tuyển sinh mà các trường ĐH top giữa cũng đảm bảo nguồn tuyển vì số lượng thí sinh đạt mức 17 – 20 điểm/tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng dồi dào.
Thủy Trúc
Theo KTĐT
|