Chiều 09/01, tại Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã tổ chức chương trình Họp báo Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân tháng 10/2016.
Hội nghị thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Trước đó, sau nhiều năm nghiên cứ Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, Gò Dương Xuân xưa kia là nơi nghi có dấu tích tồn tại cung điện Đan Dương của triều Tây Sơn và đây cũng chính là nơi chôn cất vua Quang Trung.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) với diện tích 22 m².
Sơ đồ vị trí các hố thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân
Theo báo cáo từ ngày 7/10/2016 đến ngày 20/10/2016, đoàn khai quật gồm nhiều tổ chức và cá nhân: Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế, Đại học Khoa học Huế, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân… đã mở 5 hố thăm dò khảo cổ học tại gò Dương Xuân, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
PGS.TS. Bùi Văn Liêm (người cầm micro) – Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam, Chủ trì thăm dò báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học gò Dương Xuân.
Theo kết quả thăm dò, tại hố thăm dò số 1, số 2, số 3, số 4 chưa phát hiện dấu vết kiến trúc. Tại hố thăm dò số 5 (gồm 2 hố thăm dò 5a và 5b), từ những kết quả thu được, đoàn thăm dò bước đầu nhận định, lớp đá hố 5a và 5b có thể liên quan đến cấu trúc lớn, rất có thể là móng tường, móng thành phần trên đã bị các hoạt động của cư dân hiện đại xâm lấn.
Còn trong quá trình thăm dò, đoàn cũng thu được một số hiện vật như gốm sứ, gạch ngói vỡ,…
Thanh Thanh – Mạnh Hùng