Theo RT, ngày 25/11/2024, phát biểu tại Hội nghị Hệ thống thanh toán và ngân hàng hiện đại lần thứ 11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) Mohammad-Reza Farzin cho biết, hệ thống ACUMER được tạo ra dành cho các quốc gia châu Á đã đi vào hoạt động hoàn toàn từ 2/10/2024. Nền tảng ngân hàng mới này nhằm tránh các lệnh trừng phạt quốc tế và thúc đẩy thương mại với các đối tác châu Á.
Ngân hàng Trung ương Iran đã theo đuổi các kế hoạch phi đô la hóa để tách khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT do Mỹ và phương Tây dẫn đầu. Tehran đã công khai phát triển một giải pháp thay thế cho SWIFT, được các thành viên của Liên minh thanh toán bù trừ châu Á (ACU) sử dụng, trong đó có Iran và Ấn Độ.
“Chúng tôi đã từ bỏ SWIFT và thay thế bằng ACUMER”, ông Farzin cho biết. Hệ thống hiện đang tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch với các thành viên ACU, bao gồm Ấn Độ và Pakistan.
Ông Farzin tin rằng ACUMER sẽ tạo điều kiện cho các mối quan hệ tài chính mở rộng trong khuôn khổ APEC, qua đó hỗ trợ phục hồi kinh tế của Iran trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang diễn ra.
Phát biểu thêm về chiến lược tài chính quốc tế của Iran, Thống đốc CBI nhấn mạnh Iran đang tăng cường hợp tác với các quốc gia BRICS. Đặc biệt, Iran đã ký kết một thỏa thuận tiền tệ với Nga và từ bỏ đô la Mỹ. “Hiện chúng tôi chỉ giao dịch bằng đồng rúp và rial”, ông Farzin cho biết.
CBI cũng đã kết nối trực tiếp hệ thống thanh toán Shetab của Iran với Mir của Nga. “Chúng tôi hy vọng khách du lịch Nga có thể sử dụng thẻ của họ tại các cửa hàng Iran vào mùa đông, và khách du lịch Iran cũng có thể sử dụng thẻ tương tự tại Nga vào đầu năm sau”, Thống đốc CBI nói thêm.
Hoàng Hạnh