Chủ đầu tư công trình trọng điểm này là Công ty Phước Tượng Phú Gia BOT với kinh phí 1.743 tỷ đồng, được khởi công từ ngày 18-5-2013.
Theo đó, hầm được xây dựng với chiều dài 345m, bề rộng 11,5m (bao gồm 2 làn xe cơ giới 2X3,5m, dải phân cách giữa 0,5m, làn an toàn 2X1,25m, đường công vụ 1m, dài kỹ thuật 0,5m). Hầm được thiết kế và xây dựng theo phương pháp tiên tiến trên thế giới. Cấp đường theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng (TCVN 4054-2005), tốc độ thiết kế 80km/h.
Theo Đại tá Tăng Văn Chúc, TGĐ Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô, nhà thầu chính công trình, do điều kiện địa hình đèo Phước Tượng đi lại rất khó khăn, đặc thù đất đá tương đối cứng. Các hạng mục của gói thầu thi công nằm trên địa hình chủ yếu là đồi núi xen lẫn đá cao, có độ dốc lớn, khí hậu thất thường, có thời điểm mưa lớn kéo dài; công tác giải phóng mặt bằng chưa được kịp thời.
Bên cạnh đó, dự án nằm gần tuyến đường sắt đi qua nên cần nhiều thủ tục trình duyệt các cấp và công tác nổ mìn không nổ được toàn tiết diện hầm, giá cả thị trường leo thang nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công… Tuy nhiên với sự cố gắng của các chiến sĩ của công ty, tiến độ dự án đã hoàn thành sớm trước thời hạn hơn 2 tuần.
Thay mặt Bộ Giao thông Vận tải, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã biểu dương sự cố gắng nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu đã thông kỹ thuật hầm đường bộ Phước Tượng sớm.
Hầm Phước Tượng là công trình cực kỳ quan trọng, giúp Huế thông suốt với Đà Nẵng và phía nam Quảng Trị, kết nối với cảng nước sâu Chân Mây tại Huế – cửa ngõ hành lang kinh tế Đông Tây. Dự kiến vào cuối tháng 6/2015, toàn bộ dự án 2 hầm Phước Tượng, Phú Gia sẽ hoàn thành, làm giảm tai nạn giao thông và tiết kiệm được hơn 100 tỷ đồng.