Seatimes – (ĐNA). Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2025 đã mang đến cho Cố đô Huế một bầu không khí lễ hội sôi động chưa từng có. Với hàng loạt hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quy mô lớn cùng những lễ hội độc đáo, Huế đã thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để thành phố Huế khẳng định sức sống mới, diện mạo mới trong năm đầu tiên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là địa phương đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2025. Không khí lễ hội lan tỏa khắp thành phố di sản đã minh chứng cho sức sống mới, năng lượng mới, khiến Huế thực sự bừng sáng, ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Diễn xướng văn hóa – điểm nhấn rực rỡ của mùa Lễ hội
Ngay từ trước kỳ nghỉ lễ, Huế đã sớm bước vào không khí hội hè với nhiều hoạt động quy mô toàn quốc. Trong đó, nổi bật nhất là Triển lãm toàn quốc “Không gian du lịch, văn hóa, di sản, danh thắng và sản phẩm nghề truyền thống” diễn ra từ 27/4 đến 2/5. Sự kiện quy tụ 29 tỉnh, thành phố, hơn 30 gian hàng giới thiệu sản vật, nghề truyền thống, điểm đến du lịch tiêu biểu, cùng các màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc như hát Quan Họ, Xòe Tây Bắc, ca Huế, trình diễn Cồng chiêng Tây Nguyên… Đây không chỉ là không gian giao lưu văn hóa liên vùng mà còn là hoạt động thể hiện vai trò kết nối trung tâm của Huế trong chiến lược phát triển du lịch di sản.
Triển lãm cây cảnh ba miền tại Đại Nội Huế diễn ra từ ngày 26/4 đến 2/5/2025 là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động văn hóa – du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5, đồng thời hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2025. Sự kiện quy tụ hơn 600 nghệ nhân từ khắp ba miền, mang đến trên 1.000 tác phẩm cây cảnh, phong lan, đá cảnh độc đáo, trưng bày tại các khu vực di sản như Phủ Nội Vụ, vườn Thiệu Phương, vườn Cơ Hạ. Nét đặc sắc của triển lãm là nghi thức cung tiến phong lan và cây kiểng tại sân Thế Miếu, tái hiện không gian nghi lễ cung đình xưa.

Hoạt động được mở cửa miễn phí buổi tối từ 18g đến 21g30, thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng lãm vẻ đẹp lung linh của Đại Nội về đêm. Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu các sản phẩm làng nghề, nghệ thuật thưởng trà và ẩm thực Huế, góp phần quảng bá văn hóa địa phương. Nhiều nghệ nhân đóng góp tác phẩm để đấu giá gây quỹ từ thiện và bảo tồn di sản, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc. Sự kiện không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa dịp lễ mà còn khẳng định vị thế của Huế như một trung tâm văn hóa truyền thống đặc sắc.
Một điểm đến không thể bỏ lỡ đối với nhiều du khách là lễ hội “Chợ quê ngày hội” diễn ra tại Cầu ngói Thanh Toàn (Thị xã Hương Thủy), khai mạc vào đêm 30/4. Lễ hội tái hiện không gian chợ quê truyền thống, kết hợp biểu diễn âm nhạc truyền thống và hiện đại, hát Bài Chòi, trò chơi dân gian, ẩm thực dân dã. Trong ánh đèn lung linh của làng quê, dòng người đổ về đây như trở về một miền ký ức văn hóa sâu lắng, nơi mỗi món ăn, mỗi giai điệu dân ca, mỗi mái nhà, cây cỏ như hòa chung vào hình bóng thân thương của chiếc cầu Ngói cổ kính mà xinh xắn, trở thành một phần của bản sắc Cố đô.

Không kém phần hấp dẫn là Tuần lễ Ẩm thực truyền thống Huế tổ chức tại công viên Thương Bạc, thu hút hơn 100.000 lượt người tham quan và thưởng thức trong các ngày từ 27/4 đến 1/5. Gần 40 gian hàng ẩm thực giới thiệu các món cung đình, dân gian đặc sắc như nem công, chả phụng, bánh bèo, cơm hến… do các nghệ nhân ẩm thực cố đô và nhiều vùng miền trực tiếp chế biến, tạo nên một “bữa tiệc vị giác kiêm khứu giác và thị giác” đầy cuốn hút, khẳng định đẳng cấp ẩm thực Huế trên bản đồ du lịch quốc gia.
Tại biển Thuận An, chương trình “Thuận An biển gọi” (Khai mạc ngày 29/4) đã khuấy động không khí mùa hè với các màn trình diễn nghệ thuật kết hợp âm nhạc, thời trang và ánh sáng, thu hút hơn 8.000 khán giả tham dự. Bãi biển Thuận An và các bãi biển của Huế, với vẻ đẹp hiền hòa và thơ mộng, đang trở thành điểm đến được yêu thích trong chiến lược phát triển du lịch biển bền vững của tỉnh.
Cũng cần kể đến một sự kiện chính trị- văn hóa khác rất có ý nghĩa: Từ ngày 27 đến 30/4/2025, Huế đăng cai Hội nghị Đại hội đồng Hiệp hội Quốc tế các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF) lần thứ 45, quy tụ gần 450 đại biểu từ 57 quốc gia. Với chủ đề “Di sản, du lịch, khí hậu”, hội nghị thảo luận các giải pháp phát triển bền vững và bảo tồn di sản. Đây là lần thứ hai Huế đăng cai sự kiện này, khẳng định vai trò của một đô thị di sản năng động trong cộng đồng Pháp ngữ. Hội nghị cũng là cơ hội để Huế giới thiệu các dự án hợp tác quốc tế tiêu biểu và quảng bá hình ảnh thành phố văn hóa trên trường quốc tế. Sự kiện này cũng thu hút hàng trăm đại biểu quốc tế và trong nước đến Huế tham dự các hoạt động và trải nghiệm các sự kiện văn hóa, du lịch tại địa phương.
Không gian “Chợ quê ngày hội” ở cầu Ngói Thanh Toàn luôn nhộn nhịp du khách và nhân dân địa phương. Ảnh: Duyên Cái..
Thể thao và cộng đồng: Cùng nhau gắn kết
Song song với các hoạt động văn hóa, Huế cũng tổ chức nhiều chương trình thể thao gắn với cộng đồng, tiêu biểu là Tuần lễ Văn hóa – Thể thao Thanh thiếu nhi Thành phố Huế lần thứ XXI – 2025 kéo dài suốt tháng 4. Với các hoạt động như đồng diễn võ cổ truyền, giải cầu lông, chạy việt dã, thi đồng diễn aerobic, nhảy hiện đại…, chương trình đã khơi dậy tinh thần khỏe khoắn, năng động của lớp trẻ đô thị di sản, hướng đến xây dựng một Huế trẻ trung và sáng tạo.
Tại các huyện vùng cao như A Lưới và Nam Đông (nay là Phú Lộc), nhiều hoạt động văn hóa và du lịch được tổ chức từ 26/4 đến 1/5. Đây không chỉ là nơi trải nghiệm du lịch, mua sắm và trao đổi sản vật địa phương mà còn là dịp để quảng bá văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, một phần không thể thiếu trong bản đồ di sản của Huế. Người dân và du khách có cơ hội trải nghiệm thổ cẩm, dệt Zèng, thưởng thức rượu cần, các làn điệu múa hát truyền thống và hòa mình vào đời sống sinh hoạt thường nhật của đồng bào người Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu…

Và những con số biết nói
Trong dịp nghỉ lễ 5 ngày này, Huế dự kiến đón khoảng hơn 250.000 lượt khách, trong đó có khoảng ¼ là khách quốc tế. Công suất buồng phòng tại nhiều khách sạn đạt từ 80 – 95%, một số khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển và trung tâm thành phố đạt 100%. Riêng trong hai ngày 30-4 và 1-5, tại thành phố Huế đã có khoảng 160 nghìn lượt khách viếng thăm, trong đó có 40.500 khách quốc tế, công suất buồng phòng đạt đến 98%, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 330 tỷ đồng. Từ trước cho đến hai ngày đầu tiên của dịp lễ, các điểm đến nổi bật như Đại Nội, lăng Khải Định, lăng Tự Đức, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, không gian phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu- cầu gỗ Lim, Bảo tàng Mỹ thuật Huế… đều trong tình trạng đông đúc từ sáng đến tối.
Hệ thống giao thông, vận tải công cộng, điểm giữ xe, các lực lượng an ninh và đội ngũ tình nguyện viên được huy động tối đa, góp phần đảm bảo an toàn, văn minh và thân thiện trong toàn bộ dịp lễ.
Dù vẫn còn một số tồn tại cần được rút kinh nghiệm, như: tình trạng kẹt xe cục bộ tại một số tuyến phố trung tâm vào giờ cao điểm; hiện tượng “chặt chém” giá giữ xe tại một vài điểm du lịch; thiếu các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các khu vực đông khách hay vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân chưa tuân thủ quy định về môi trường và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến hình ảnh thân thiện – thanh lịch vốn là thương hiệu của Huế, nhưng nhìn chung, đây là một dịp nghỉ lễ an toàn và rất thành công đối với ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch Huế.

Khẳng định vị thế “Kinh đô xưa – Vận hội mới”
Dịp lễ 30/4 – 1/5/2025 không chỉ khép lại bằng những con số ấn tượng về du khách, mà còn là một thử thách lớn đối với ngành Văn hóa – Thể thao và ngành Du lịch thành phố Huế trong năm đầu thực hiện sứ mệnh kép: đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2025 và khẳng định vị thế thành phố trực thuộc Trung ương.
Với quyết tâm biến di sản thành nguồn lực sống động, ngành Văn hóa – Thể thao và ngành Du lịch thành phố Huế đang vẽ nên bức tranh giao hòa giữa truyền thống và hiện đại, khẳng định mình không chỉ là miền đất của ký ức, mà còn là điểm đến của sáng tạo và hội nhập. Từ đây, Huế không chỉ lưu dấu trong lòng người bằng vẻ đẹp cổ kính, mà còn bằng khát vọng vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.

Hương Bình- Minh Anh