Đội lân Quang Trung Đường ra mắt dưới chân tượng đài Quang Trung
Tiếng trống rộn ràng vui nhộn dẫn dắt các điệu múa lân điêu luyện mang một phong cách riêng biệt của đội lân Quang Trung Đường đã được rất nhiều người dân và du khách gần xa ghé thăm khu di tích này khen ngợi, tán thưởng.
Đội lân Quang Trung Đường biểu diễn tiết mục mở đầu chào khán giả
Anh Phan Nhật Tiến, Đội trưởng đội lân Quang Trung Đường cho biết, các thành viên trong đội nhóm họp và quyết định đặt tên đội lân là “Quang Trung Đường” nhằm biểu thị, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc từ dấu ấn phong trào Tây Sơn gắn với tên tuổi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ – Quang Trung, đồng thời kêu gọi mọi người ra sức bảo vệ môi trường xanh- sach- đẹp tại khu di tích lịch sử núi Bân.- Nơi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung vào năm 1778, trước khi tiến quân thần tốc ra Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, bảo vệ bờ cõi non sông gấm vóc Việt Nam… Ngoài ra, đội lân thành lập và đi vào hoạt động còn tạo sân chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, góp phần giáo dục học sinh, nhất là những học sinh cá biệt tại khu vực 7 phường An Tây (khu dân cư sau lưng tượng đài vua Quang Trung) vươn lên tiến bộ trong năm học mới. Bước đầu, để đội lân có điều kiện tập luyện, biểu diễn, nhiều người dân trong khu vực 7 phường An Tây và một số khu vực lân cận, tự nguyện ủng hộ kinh phí mua đầu lân, trống cùng các dụng cụ hỗ trợ khác. Sau đó, những thành viên lòng cốt vận động, tập hợp gần hai mươi thành viên còn lại ra sức tập luyện tại sân trước tượng đài Quang Trung.
Con lân, ông địa những mong đem tài lộc đến mọi nhà
Bên cạnh những bài bản múa lân xưa nay ở cố đô Huế, các thành viên trong đội đã tranh thủ thời gian xem các buổi thi, biểu diễn của những đội lân nổi tiếng khắp các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các đội lân ở đất võ Bình Định trên mạng internet, sách báo và bằng ghi hình để nghiên cứu, học hỏi thêm các “tuyệt kỹ” nghệ thuật múa lân, áp dụng dụng cho các thành viên trong đội lân Quang Trung Đường tập luyện bài bản hơn. Theo quy định, cứ 5 giờ chiều hàng ngày, đội tập hợp học múa lân từng bước, từ dễ đến khó. Thời gian đầu, tập múa dưới đất, sau tập những điệu múa đầu lân trên không qua việc đứng trên những chiếc cọc sắt với độ khó ngày càng tăng, đòi hỏi sự chính xác cao để tránh những tai nạn.
Biểu diễn lân trên sào cao
Ngay sau lễ ra mắt, đội lân Quang Trung Đường đã được một “mạnh thường quân” tài trợ một chiếc xe tải chở cả đội đến với các trường học, khu dân cư tại TP Huế để biểu diễn đến ngày Tết Trung thu 2015. Qua đó, góp thêm một món ăn tinh thần cùng bánh Trung thu, đèn lồng, đèn ông sao cho các em nhỏ. Đồng thời khơi gợi nét văn hóa còn lưu giữ bao đời mỗi dịp cho người lớn về một mùa Trung thu ấm áp với những điều tốt lành.
Đăng Hậu – Văn Thắng