Trong báo cáo mới đây về triển vọng của thị trường Việt Nam, ngân hàng HSBC đánh giá việc tăng cường phát triển du lịch có thể là một hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Giai đoạn 2000 – 2010, xuất khẩu dầu thô là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, cùng với các ngành hàng dệt may, giày dép và nông nghiệp. Nhưng vài năm trở lại đây, đóng góp của công nghiệp dầu khí vào GDP Việt Nam đã giảm rõ rệt, trong bối cảnh giá dầu thế giới cũng sa sút mạnh.
May mắn là “đóng một cánh cửa này sẽ mở ra một cánh cửa khác”, HSBC nhận định. Việt Nam đang chuyển hướng tìm kiếm những kênh tăng trưởng mới, trong đó, lĩnh vực du lịch với sự phát triển liên tục đã góp phần giúp Việt Nam có nhiều nguồn lực tăng trưởng đa dạng hơn.
Tại cuộc họp bên lề Quốc hội vào cuối tháng trước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, du lịch và những ngành dịch vụ liên quan có thể bù đắp cho sự sụt giảm của dầu thô trong tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, Chính phủ gần đây đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên phát triển du lịch. Chẳng hạn, năm 2016, Việt Nam bắt đầu áp dụng chương trình miễn thị thực đến năm 2018 cho 5 quốc gia châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh), cũng như tiếp tục áp dụng quy trình cấp visa đơn giản cho công dân Trung Quốc từ đầu năm nay.
Điều này đã giúp thu hút lượng lớn du khách từ châu Âu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, khi tăng 21% so với năm trước. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng và vượt qua con số 9 triệu du khách vào năm 2018. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 cũng cho thấy, doanh thu ngành du lịch đạt được gần 16,5 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Còn nhiều tiềm năng
Theo HSBC, gần 70% lượng khách du lịch đến Việt Nam là từ các quốc gia châu Á khác, đứng đầu là Trung Quốc và Hàn Quốc. Con số này dễ hiểu bởi Hàn Quốc là quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn nhất đổ vào Việt Nam, chủ yếu là ở ngành sản xuất, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc lại quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, sau khi Việt Nam đã nới lỏng quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài hồi năm 2015.
“Đánh giá hết những yếu tố này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là Việt Nam sẽ dễ dàng và bền vững hơn khi đón tiếp hơn 1 triệu du khách thay vì cố gắng tìm 1 triệu tấn dầu thô… Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong vài năm tới nếu như chương trình miễn thị thực còn tiếp tục, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và môi trường kinh tế và chính trị tại các nước khác thuận lợi”, báo cáo của HSBC cho hay.
Đầu năm 2017, Nghị quyết 08 được ban hành với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020 đã thể hiện sự quyết tâm phát triển mạnh ngành công nghiệp không khói của Chính phủ. Nghị quyết có nhiều tư tưởng đổi mới về chính sách đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, tập trung phát triển vùng du lịch mới giàu tiềm năng có quy mô và đẳng cấp quốc tế…
Đặc biệt, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi nhà nước ban hành, áp dụng chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Đây sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiêp Việt Nam phát triển mạnh trong lĩnh vực này.
FLC Hạ Long – khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao ở miền Bắc Việt Nam
Cộng hưởng từ các yếu tố trên, sự tăng trưởng ổn định của ngành du lịch đã trở thành chất xúc tác đặc biệt cho sự phát triển sôi động của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Tại những khu du lịch nổi tiếng từ các địa phương ven biển cho đến miền núi, ngày càng nhiều dự án nghỉ dưỡng xuất hiện, nổi bật nhất là dự án của “ông lớn” Vingroup, FLC Group, Sun Group, CEO Group…
Những thay đổi này diễn ra tương ứng với việc thu nhập và đời sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, thói quen tiêu dùng đã thay đổi so với thời kỳ trước, du lịch trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu.
Nhiều khu nghỉ dưỡng như Vinpearl Phú Quốc, Sun World Bà Nà Hills, hay tại các vùng biển mới giàu tiềm năng nơi Tập đoàn FLC đã và đang triển khai quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Hạ Long… với cơ sở hạ tầng đồng bộ, dịch vụ tiện ích chất lượng cao đã trở thành điểm du lịch lý tưởng của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Các dự án này góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo du lịch của những vùng đất tiềm năng, tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn thu vào ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
PV
Theo TCĐNA