Seatimes – (ĐNA). Nằm giữa trung độ của đất nước cả về địa lý và lịch sử, từng đóng vai trò là thủ phủ của Đàng Trong rồi kinh đô của hai triều đại Tây Sơn và Nguyễn trong suốt mấy trăm năm, Thừa Thiên Huế là vùng đất rất giàu có về di sản văn hóa và di sản thiên nhiên. Từ đầu thập niên 1980, Thừa Thiên Huế đã sớm nhận được sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNESCO trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Cũng chính từ quá trình hợp tác giúp đỡ này, Thừa Thiên Huế đã dần dần khẳng định vị thế của mình và vươn lên trở thành một trung tâm hàng đầu của Việt Nam về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, biến di sản thành thế mạnh và nguồn lực cho sự phát triển.
Đến nay, Huế đã sở hữu và đồng sở hữu 7 danh hiệu di sản thế giới do UNESCO vinh danh với đủ các loại hình di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu , bên cạnh đó cố đô Huế còn có hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á , vịnh đẹp thế giới Lăng Cô, rừng quốc gia Bạch Mã… Đó chính là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển kinh tế xã hội theo một con đường riêng, dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản và bản sắc văn hóa vùng đất.
Tuy nhiên, cách đây ngót 50 năm, sau khi chiến tranh chấm dứt, các di sản của Huế, bao gồm cả di sản vật thể và di sản phi vật thể đã bị tàn phá, hủy hoại rất nặng nề, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản gặp muôn vàn khó khăn. Trong tình hình khó khăn chung của cả nước, từ đầu thập niên 1980, Thừa Thiên Huế đã sớm nhận được sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNESCO trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Cũng chính từ quá trình hợp tác giúp đỡ này, Thừa Thiên Huế đã dần dần khẳng định vị thế của mình và vươn lên trở thành một trung tâm hàng đầu của Việt Nam về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, biến di sản thành thế mạnh và nguồn lực cho sự phát triển. Đồng thời, từ thực tiễn công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cố đô Huế cũng đưa lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá để xây dựng, bổ sung và điều chỉnh hệ thống hành lang pháp lý trong lĩnh vực văn hóa di sản, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp lý liên quan.
Một số thành quả tiêu biểu trong hợp tác quốc tế để bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, trùng tu di sản vật thể và bảo tồn các di sản phi vật thể và đào tạo nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn
Trong bối cảnh Việt Nam đang bị bao vây, cấm vận, ngày 25/11/1981, sau chuyến thăm Huế, Tổng giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M’Bow đã ra lời kêu gọi cứu vãn di sản Huế tại Hà Nội, nhằm phát động trên phạm vi quốc tế một cuộc vận động bảo tồn và khôi phục các giá trị của di sản văn hoá Huế. Dù cuộc vận động quốc tế do UNESCO phát động tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng với những khoản viện trợ đa dạng dành cho di tích Huế trong các năm 1981-1990, cùng với những nỗ lực của chính phủ Việt Nam đã là những thang thuốc quý báu góp phần vào việc chạy chữa bước đầu, tránh cho di tích Huế thoát khỏi hiểm hoạ bị sụp đổ.
Tại Huế, sự ra đời của Công ty Quản lý Di tích và Danh Thắng Huế (từ tháng 5/1992, đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, dưới đây gọi tắt là Trung tâm), một đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh để quản lý, bảo tồn và khai thác toàn diện Quần thể di tích Cố đô Huế và các di sản phi vật thể liên quan là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, đánh dấu sự thay đổi nhận thức hoàn toàn về các giá trị của di sản văn hóa Huế.
Tháng 11/1982, Nhóm công tác Huế – UNESCO (Hue – UNESCO Working group) được thành lập, trực tiếp theo dõi chỉ đạo công cuộc bảo tồn và trùng tu quần thể di tích Huế. Nhóm công tác này đã tiến hành 9 kỳ họp để triển khai các hoạt động khôi phục và phát huy giá trị của quần thể di tích Huế. Vào hạ tuần tháng giêng năm1985, cuộc họp lần thứ 6 của các nước xã hội chủ nghĩa về việc bảo tồn và trùng tu những di tích lịch sử văn hoá hiện tồn ở Huế với sự tham gia của KTS. Piere Pichard, chuyên viên của UNESCO, để tái kiểm tra kế hoạch hành động, chuẩn bị cho việc gửi những ấn phẩm và ảnh triển lãm về di tích Huế đến UNESCO vào tháng 7/1986. Tháng 11/1987, Việt Nam công nhận Công ước về di sản thế giới đã khiến cho những hoạt động hướng về di tích Huế được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Ngày 27/7/1991, đạo luật về việc Bảo vệ và sắp xếp những di tích ở Huế của UNESCO được công bố, mở ra cho Huế một tương lại khả quan hơn. Với những nỗ lực to lớn của Trung tâm, thông qua sự giúp đỡ, hướng dẫn của các chuyên gia UNESCO trong hai năm 1992-1993, bộ hồ sơ về Quần thể di tích cố đô Huế đã được hoàn tất và đệ trình lên Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO.
Kết quả là ngày 11/12/1993, trong một phiên họp tại Carthagène (Colombia), Hội đồng Di sản Thế giới đã ghi danh quần thể di tích cố đô Huế vào Danh mục Di sản Văn hoá Thế giới. Đây là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Ngày 2/8/1994, Phó tổng giám đốc UNESCO Daniel Janicot đã đến Huế, trực tiếp trao cho đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tấm bằng công nhận có chữ ký của Tổng giám đốc UNESCO Fédérico Mayor Zaragoza với dòng chữ: “Ghi tên vào danh mục này là công nhận giá trị toàn cầu đặc biệt của một tài sản văn hoá hoặc thiên nhiên để được bảo vệ vì lợi ích của nhân loại”. Cuộc phục hưng di tích Huế bước sang một trang mới. Có thể nói, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam đã tận dụng được thế mạnh là di sản văn hóa để vượt qua hàng rào cấm vận, hội nhập với thế giới.
Thông qua UNESCO, Thừa Thiên Huế đã kết nối và từng bước mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với hàng chục tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong lĩnh vực trùng tu, bảo tồn di tích, bảo tồn và phát huy các di sản phi vật thể . Ngoài sự hỗ trợ giúp đỡ rất hiệu quả của UNESCO thì các quốc gia tiêu biểu mà cố đô Huế đã hợp tác là Nhật Bản (Quỹ Toyota, Quỹ Japan Foundation, Trường đại học Nữ Sowa, Đại học Nihon, Đại học Waseda, Đại học Nữ Kyoto …), Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Cộng hòa liên bang Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan. Hoa Kỳ…Trong những năm qua, hàng chục dự án trùng tu di tích, nghiên cứu bảo tồn và phát huy các di sản phi vật thể và đào tạo nguồn nhân lực hết sức có ý nghĩa đã được triển khai một cách có hiệu quả .
Với UNESCO là nhiều dự án về đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản lý về di sản, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, xây dựng hồ sơ di sản và cả các dự án hỗ trợ trùng tu di tích, phòng chống thiên tai…
Với Nhật Bản, tiêu biểu là các dự án hợp tác với Đại học Nihon, Tổ chức Toyota Foundation, Tổ chức Japan Foundation trùng tu công trình Hữu Tùng Tự và Bi đình lăng Vua Minh Mạng; dự án hợp tác với Đại học Waseda nghiên cứu về kiến trúc truyền thống Huế, trùng tu phục hồi điện Long Đức, điện Chiêu Kính ở Hoàng thành và đặc biệt là nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh, một trong những công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn nhất thời Nguyễn; dự án hợp tác với Đại học nữ Chiêu Hòa tiến hành khảo sát lập hồ sơ 700 ngôi nhà rường, nhà vườn ở địa bàn Thừa Thiên Huế; với Đại học Nữ Kyoto là dự án phối hợp nghiên cứu thiết kế không gian và nghi lễ trong cung điện châu Á…
Với Ban Lan là dự án đào tạo cán bộ bảo tồn, dự án trùng tu nhà bia Quốc Tử giám, dự án phục hồi cổng Linh Tinh Môn ở Văn Miếu, và đặc biệt là dự án trùng tu công trình Thế Tổ Miếu với trị giá 900 ngàn đô la Mỹ, gắn liền với vai trò của nhà bảo tồn- Kiến trúc sư Kazimierz Kwiakowski (thường gọi là KTS. Kazik) nổi tiếng.
Với Cộng hóa Pháp là các dự án nghiên cứu phục hồi nhà hát Duyệt Thị Đường, các dự án chống mối cho công trình Hiển Lâm Các, dự án xây dựng các trung tâm diễn giải về di sản tại khu vực Hoàng thành, trùng tu một số ngôi nhà di sản trên địa bàn thành phố Huế, dự án hợp tác để chuyển giao các tư liệu quý liên quan đến di sản Huế…
Với Cộng hòa liên bang Đức là dự án hợp tác với nhóm chuyên gia về bảo tồn để đào tạo nguồn nhân lực thông qua các dự án phục hồi tranh tường cung An Định, Dự án phục hồi khu vực nhà bia và lăng mộ vua Tự Đức, Dự án phục hồi công trình Tả Vu điện Cần Chánh, Dự án phục hồi miếu Tối Linh Từ, Dự án phục hồi các cổng và bình phong điện Phụng Tiên…
Với Canada là các dự án trùng tu tòa nhà bát giác của điện Kiến Trung và dự án xây dựng hệ thống bia biển chỉ dẫn trong khu di tích Huế.
Với Hoa Kỳ là các dự án hợp tác hỗ trợ trùng tu di tích Tả Tùng Tự, di tích Minh Lâu (lăng vua Minh Mạng), trùng tu phục hồi các án thờ ở Triệu Tổ Miếu, dự án trùng tu phục hồi cổng Quảng Đức và đặc biệt là dự án hỗ trợ trùng tu di tích Triệu Tổ Miếu với trị giá 700 ngàn đô la Mỹ.
Với chính phủ Lào là dự án hỗ trợ gỗ quý để trùng tu di tích.
Trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, tiêu biểu nhất là dự án phối hợp với UNESCO để thực hiện Chương trình quốc gia về bảo tồn và phát huy Nhã nhạc cung đình Huế (giai đoạn 2005-2008). Đây là dự án được UNESCO đánh giá rất cao, được xem là một trong những dự án mẫu mực về bảo tồn phát huy di sản phi vật thể tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Dự án này đạt được kết quả tốt trên cả 3 phương diện: Sưu tầm các tài liệu lịch sử liên quan đến Nhã nhạc, nghiên cứu phục chế các loại nhạc khí, và đào tạo các nhạc công và cán bộ quản lý về lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó là dự án hợp tác với Hàn Quốc để phục hồi các nhạc khí nhã nhạc cung đình, dự án hợp tác giao lưu trao đổi văn hóa thường xuyên giữa Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đối tác tại Hàn Quốc chuyên về bảo tồn di sản văn hóa.
Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương đi đầu về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số và số hóa các công trình di tích và hệ thống di vật, cổ vật. Từ những năm đầu thế kỷ XXI, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hợp tác chặt chẽ với Viện Công nghệ cao Hàn Quốc (KAIST) tiến hành scan 3D toàn bộ các di tích trong khu vực Hoàng thành Huế và di tích Hổ Quyền để lưu trữ tư liệu và khai thác phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng sản phẩm số phục vụ du lịch. Tiếp đó là hợp tác với một công ty công nghệ cao của Hoa Kỳ để scan số hóa lăng Vua Khải Định và nhà bi đình cùng lăng mộ vua Tự Đức. Các sản phẩm này đều phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn rất hiệu quả. Dựa trên nền tảng này, Trung tâm tiếp tục hợp tác với Công ty VietshofPro scan số hóa toàn bộ các Bảo vật quốc gia và một số di tích, di vật thuộc Quần thể di tích cố đô Huế để khai thác, phát huy giá trị.
Với lợi thế là cố đô lịch sử, nơi đang gìn giữ các di sản thế giới của Việt Nam, Huế đã đón tiếp hàng loạt các nguyên thủ quốc gia và các nhân vật quốc tế quan trọng đến thăm và làm việc, điển hình như Tổng thống Ba Lan, Thái tử Na Uy, Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Trung Hoa Giang Trạch Dân, Thái tử Nhật Bản Naruhito, Quốc vương Campuchia, Nhật hoàng và hoàng hậu Nhật Bản, Tổng giám đốc UNESCO… qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hợp tác quốc tế trong quy hoạch, phát triển đô thị đô thị di sản
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong hợp tác quốc tế về quy hoạch, phát triển đô thị một cách bền vững. Trong những năm qua, địa phương này đã hợp tác với một số tổ chức quốc tế tiến hành nghiên cứu, quy hoạch để bảo tồn và phát triển đô thị theo định hướng đô thị xanh, đô thị di sản. Tiêu biểu nhất là các dự án hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOIKA) triển khai Dự án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế, Dự án quy hoạch hai bên bờ sông Hương, Dự án xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh…với tổng vốn đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ.
Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng hợp tác với Viện Di sản thế giới của Đại học Waseda, Nhật Bản tiến hành nghiên cứu quy hoạch vùng bảo vệ đầu nguồn sông Hương gắn liền với các khu lăng tẩm của các vị hoàng đế đầu triều Nguyễn (lăng vua Gia Long, lăng Vua Minh Mạng, lăng Vua Thiệu Trị và lăng Vua Tự Đức) theo hướng một Bảo tàng sinh thái thiên nhiên (Eco- Museum), từ đó đề xuất xây dựng các tour du lịch sinh thái để vừa tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương, vừa khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng du lịch di sản văn hóa và thiên nhiên vốn có.
Hợp tác quốc tế trong việc hồi hương cổ vật, di vật, tác phẩm mỹ thuật và các tư liệu lịch sử
Đây là lĩnh vực được Thừa Thiên Huế quan tâm từ sớm và đã đạt được một số kết quả nhất định. Trải qua thời gian và các biến động lịch sử, đã có một số lượng rất lớn cổ vật, di vật và các tư liệu lịch sử của Huế lưu tán ra nước ngoài, hoặc các tác phẩm mỹ thuật được những người Việt Nam ở nước ngoài sáng tác, sưu tầm có giá trị cao. Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã tích cực phối hợp Đại sứ quán Việt Nam, một số học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và đặc biệt là với Hội người yêu Huế ở một số quốc gia cùng bà con Việt kiều tại Pháp, Thụy Sỹ, Cộng hòa Liên bang Đức…để phát hiện và tìm cách hồi hương các di sản đặc biệt này. Tiêu biểu nhất là vận động thành công để nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị hiến tặng hơn 400 tác phẩm mỹ thuật của bà cho Thừa Thiên Huế và Họa sư Lê Bá Đảng cũng tặng hơn 400 tác phẩm tranh, tượng của ông cho Cố đô Huế, tạo nền tảng cho việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế vào năm 2018.
Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên tham gia đấu giá thành công một cổ vật có giá trị là chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh (thân mẫu vua Thành Thái) vào năm 2014 tại Pháp để đưa về nước. Cũng qua hợp tác quốc tế và vận động, một số cổ vật, tư liệu quý giá đã được các tổ chức, cá nhân hiến tặng cho địa phương . Tiêu biểu nhất là sự kiện Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công chiếc mũ quan đại thần thời Nguyễn và chiếc áo Nhật bình tại Tây Ban Nha đem về tặng cho Thừa Thiên Huế, năm 2022. Tuy nhiên, dù Việt Nam đã tham gia Công ước về các biện pháp cấm và ngăn chặn việc xuất/nhập khẩu, chuyển giao bất hợp pháp quyền sở hữu tài sản văn hóa của UNESCO (Công ước 1970) nhưng vẫn chưa tham gia đầy đủ các công ước liên quan khác, và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều nội dung về vấn đề này nên vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc tìm kiếm, mua bán và hồi hương các cổ vật, tư liệu lịch sử.
Xây dựng mô thành “Thành phố festival đặc trưng” để quảng bá và phát huy lợi thế từ kho tàng di sản văn hóa phong phú
Từ cuối thế kỷ trước, cố đô Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu và triển khai thử nghiệm mô hình festival quốc tế. Chính thức từ năm 2000 đến nay, Thừa Thiên Huế đã tổ chức liên tục các kỳ festival bao gồm cả festival văn hóa quốc tế và festival Nghề truyền thống, và từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng Huế theo mô hình “Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam”. Cũng từ Huế, công nghệ tổ chức festival đã lan tỏa đi khắp nơi, góp phần không nhỏ khiến Việt Nam trở thành đất nước của festival, đất nước của lễ hội…Mô hình thành phố festival đã đem lại cho cố đô Huế nhiều thứ, không chỉ là chuyện xây dựng thương hiệu, quảng bá văn hóa, di sản của địa phương mà còn tạo điều kiện cho kinh tế du lịch dịch vụ phát triển mạnh mẽ, trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển của địa phương này.
Từ khi festival được nghiên cứu và tổ chức ở Huế, kho tàng di sản văn hóa đã thực sự được đánh thức và ngày càng tỏa sáng. Festival Huế là hình thức lễ hội đương đại được phát triển dựa trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới làm mô hình tổ chức. Hoạt động festival là sự tổng hợp các chương trình nghệ thuật phong phú, hấp dẫn, mang tính đại diện và dấu ấn của nhiều nền văn hóa trên thế giới kết hợp cùng các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội cộng đồng và các loại hình nghệ thuật truyền thống Huế, truyền thống Việt Nam để người dân và du khách cùng tham gia và hưởng thụ. Festival không chỉ góp phần khẳng định nền văn hóa Việt Nam phong phú, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn đẩy mạnh việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới; góp phần tạo dựng, bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong xu thế hội nhập toàn cầu; tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống văn hóa Huế gắn với phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là ngành dịch vụ du lịch.
Sau 11 kỳ tổ chức festival văn hóa quốc tế vào các năm chẳn (từ năm 2000) và 8 kỳ festival Nghề truyền thống tổ chức vào các năm lẻ (từ năm 2005) xen kẽ hàng năm với chủ đề xuyên suốt “Di sản với hội nhập và phát triển”, di sản văn hóa đã thực sự trở thành chất liệu chính, là chủ đề đồng thời là nguồn cảm hứng cho các hoạt động của festival Huế. Đồng thời cũng qua festival, di sản văn hóa Huế được quảng bá mạnh mẽ trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế. Huế đã vinh dự nhận nhiều danh hiệu cao quý: “Thành phố Văn hóa Asean”, “Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố Xanh châu Á”…Lượng khách du lịch đến viếng thăm cố đô đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2019, Thừa Thiên Huế đã đón 4,82 triệu lượt khách trong đó có gần 2,2 triệu khách quốc tế. Doanh thu từ kinh tế dịch vụ trong đó trọng tâm là dịch vụ du lịch đã chiếm trên 50% tổng thu của địa phương. Cơ cấu các ngành kinh tế của Thừa Thiên Huế chuyển hẳn thành mô hình: Dịch vụ- Công nghiệp- Nông nghiệp.
Sau đại dịch covid-19, trước sự thay đổi của du lịch thế giới đồng thời trên cơ sở tổng kết từ hơn 20 năm tổ chức hoạt động festival, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định chuyển đổi cách thức hoạt động của mô hình thành phố festival, từ việc tổ chức định kỳ 2 năm một lần festival văn hóa và festival Nghề truyền thống xen kẽ nhau, mỗi kỳ kéo dài khoảng một tuần chuyển thành hình thức festival bốn mùa được tổ chức hàng năm. Như vậy các lễ hội được tổ chức suốt trong năm đều trở thành các hoạt động của festival nhưng ở các mùa xuân, hạ, thu, đông đều có chủ đề riêng và vẫn có Tuần lễ cao điểm festival được tổ chức vào mùa hạ.
Từ năm 2022, mô hình festival bốn mùa đã được triển khai và đã cho thấy ngay hiệu quả hơn hẳn so với cách thức tổ chức trước đó. Việc công bố sớm toàn bộ nội dung chương trình festival bốn mùa với các hoạt động, sự kiện cụ thể đã giúp cho các đơn vị lữ hành cũng như du khách có thể chủ động lựa chọn thời gian đến thăm cố đô để tham dự các lễ hội hay sự kiện văn hóa nghệ thuật mà họ yêu thích. Không chỉ vậy, với số lượng cũng như dung lượng các hoạt động đa dạng, phong phú gấp bội, cơ hội quảng bá cho địa phương cũng tăng lên rất nhiều, việc tìm kiếm các nguồn lực xã hội hóa cũng trở nên đa dạng và thuận lợi hơn cho đơn vị tổ chức sự kiện.
Năm 2024 là năm thứ 4 Thừa Thiên Huế triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 19/10/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng của văn hóa, di sản và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế. Việc triển khai mô hình thành phố festival bốn mùa là một hướng đi đúng đắn để đưa cố đô sớm hoàn thành mục tiêu trên và thực sự trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về văn hóa và du lịch.
Một số bất cập, hạn chế của hệ thống luật pháp từ kinh nghiệm thực tiễn của Thừa Thiên Huế trong hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản và một số kiến nghị thông qua các trường hợp cụ thể
Từ thực tiễn của Thừa Thiên Huế Huế trong hợp tác quốc tế để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã đưa đến những bài học và kinh nghiệm phong phú đồng thời cũng cho thấy khá rõ những hạn chế, bất cập của hệ thống luật pháp hiện hành. Trên thực tế, Thừa Thiên Huế đã góp phần tác động ít nhiều đến việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực này, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu.
Ví dụ thứ nhất, năm 2014, sau khi tham giá đấu giá chiếc xe kéo hoàng gia triều Nguyễn và đưa về nước thành công, Thừa Thiên Huế đã kiến nghị Chính phủ bỏ thuế giá trị gia tăng đối với các cổ vật Việt Nam hồi hương khi nhập khẩu. Lí do là sau khi đấu giá thành công ở Pháp với giá 45.000 Euro, đơn vị đấu giá đã phải đóng thuế giá trị gia tăng 24% theo quy định của nước sở tại, nhưng khi nhập khẩu vào Việt Nam, phía Hải quan đã yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đóng thuế giá trị gia tăng thêm 10% với số tiền là gần 130 triệu đồng. Đây là điều bất hợp lý vì cổ vật hồi hương đã phải đóng thuế hai lần. Kiến nghị này đã được Chính phủ xem xét và chấp thuận và Trung tâm sau đó đã được hoàn số tiền thuế giá trị gia tăng đã đóng. Một số cổ vật Việt Nam hồi hương sau đó đã được hưởng lợi từ điều này khi đơn vị nhập khẩu chứng minh được đó đúng là cổ vật Việt Nam hồi hương, tiêu biểu như chiếc mũ quan đại thần triều Nguyễn và chiếc áo Nhật bình do tập đoàn Sunshine đấu giá thành công năm 2022…
Ngày 31/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về trong đó đã có quy định mức thuế suất nhập khẩu “cho đồ cổ có tuổi trên 100 năm” là bằng không (0%) .
Từ thực tiễn trên, Thừa Thiên Huế đã mạnh dạn đề xuất trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2024 nên bỏ tất cả các loại thuế, phí đối với cổ vật hồi hương chứ không chỉ riêng thuế giá trị gia tăng, đồng thời nghiên cứu để xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích việc phát hiện, sưu tầm và hồi hương các cổ vật, di vật, tư liệu lịch sử của Việt Nam ở nước ngoài.
Ví dụ thứ hai, từ thực tiễn của quá trình vận động các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trao tặng cổ vật, di vật, tác phẩm mỹ thuật, tư liệu lịch sử cho địa phương và khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập bảo tàng ngoài công lập, Thừa Thiên Huế đã mạnh dạn xây dựng một chính sách đặc thù của địa phương về lĩnh vực này. Đó là việc ban hành một nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số cơ chế chính sách hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập vào năm 2020 trong đó có chính sách hỗ trợ về thuê mặt bằng đất đai, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tàng, chính sách hỗ trợ việc quảng bá, chính sách hỗ trợ việc tạo ra sản phẩm lưu niệm đặc trưng… Nghị quyết này ngay sau đó đã được cụ thể hóa bằng kế hoạch của Ủy ban nhân tỉnh đồng thời giao cho ngành Văn hóa chủ trì triển khai.
Kết quả là chỉ sau hơn hai năm triển khai, các chính sách trên đã được vận hành và phát huy tác dụng tốt, để đến nay Thừa Thiên Huế đã thành lập được 5 bảo tàng ngoài công lập và 2 tổ chức ngoài công lập có mô hình hoạt động gần tương tự . Đáng chú ý là chủ nhân của các bảo tàng này phần lớn là Việt kiều hoặc không phải là người địa phương. Các bảo tàng ngoài công lập này đều hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại vùng đất cố đô. Tuy nhiên, đây chỉ là chính sách đặc thù được áp dụng tại một địa phương. Vì vậy, khi tham gia ý kiến sửa đổi Luật Di sản văn hóa (năm 2024), đại diện của Thừa Thiên Huế đã kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật cần nghiên cứu để bổ sung một số chính sách khuyến khích phát triển bảo tàng ngoài công lập (Chương Bảo tàng trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi) để huy động hiệu quả hơn nguồn lực xã hội, đặc biệt là các nguồn lực quốc tế.
Ví dụ thứ ba, Thừa Thiên Huế rất quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài khi họ cư trú, làm việc tại địa phương trong quá trình triển khai các dự án hợp tác quốc tế đồng thời có hình thức vinh danh những cá nhân tiêu biểu, có đóng góp xuất sắc cho địa phương. Là một trong những địa phương mở cửa và hội nhập sớm với thế giới bằng con đường văn hóa, di sản, Thừa Thiên Huế rất quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khi họ đến Huế làm việc. Đó là việc xử lý nhanh các thủ tục ngoại giao và hành chính đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở/đóng văn phòng, các thủ tục triển khai dự án, cấp phép và miễn phí ra vào các khu di tích, danh thắng; tổ chức thăm hỏi, động viên trong các dịp lễ tết. Đối với các cá nhân đã gắn bó lâu dài và có những cống hiến xuất sắc cho địa phương thì vinh danh họ qua việc tổ chức nghi lễ trang trọng, trao tặng huy hiệu “Người tốt Việc tốt” và “Công dân Danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế” . Về mặt chính sách, từ ngày 13/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 952/QĐ-UBND ban hành Quy chế xét tặng, tôn vinh “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế” và giao cho Sở Ngoại vụ chủ trì triển khai thực hiện.
Từ thực tiễn trên, khi tham gia góp ý cho Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, đại diện của Thừa Thiên Huế đã kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật nên nghiên cứu bổ sung điều khoản khen thưởng, vinh danh các tổ chức, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bao gồm cả các tổ chức quốc tế và những người không phải là công dân Việt Nam.
Có thể khẳng định, trong 49 năm qua (1975-2024), công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã đạt được những thành tựu to lớn. Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam có hai di sản thế giới được UNESCO công nhận, và đến nay vẫn là địa phương sở hữu nhiều di sản mang tầm quốc tế nhất. Di sản văn hóa không chỉ là phương tiện đưa Huế hội nhập sớm với thế giới mà đã thực sự trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội. Huế đã trở thành Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, là một trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước tại khu vực miền Trung. Cũng do hội nhập sớm bằng con đường di sản văn hóa, Thừa Thiên Huế có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực hợp tác quốc tế để bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển bền vững, và từ đó đóng góp cho việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý về lĩnh vực này./.
TS. Phan Thanh Hải
Phụ lục: Các dự án về bảo tồn và phát huy giá trị di sản được sự hỗ trợ của các chính phủ và tổ chức quốc tế (giai đoạn 1992 -2018)
Trùng tu di tích Ngọ Môn năm 1992, do Quỹ Uỷ thác Nhật Bản thông qua UNESCO 100.000 USD
Thiết bị cho kho cổ vật năm 1994, do Toyota Foundation (Nhật Bản) 40.000 USD
Văn Thánh năm 1995, do Hội người yêu Huế tại Paris 150.000 Fr. (# 30.000 USD)
Gỗ lim phục vụ trùng tu di tích Huế năm 1995, do Chính Phủ nước CHDCND Lào 400 m3 gỗ (#200.000 USD)
Hữu Tùng Tự (Lăng Minh Mạng) năm 1996, doToyota Foundation và Japan Foundation (Nhật Bản) 40.000 USD
Cửa Quảng Đức năm 1996, do Hội Thương mại Việt – Mỹ ở Honolulu (Mỹ) 50.000 USD
Phục chế ba án thờ các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân (Thế Miếu) năm 1996, do Đại sứ Anh và 10 công ty của Anh tại Việt Nam tài trợ 35.000 USD
Thiết bị cho phòng Công nghệ thông tin và đào tạo về GIS năm 1996-1997, do UNESCO 50.000 USD
Bảo quản và tư vấn kỹ thuật chống mối cho công trình Hiển Lâm Các, Đại Nội, Huế năm 1996-1997, do Công ty Hóa chất Rhone Polenc, Pháp 1.000.000 USD
Bảo tồn trung tu công trình Minh Lâu (Lăng Minh Mạng) năm 1997-1999, do Ngân hàng American Express (Mỹ) thông qua Quỹ Di tích Thế giới WMF 80.000 USD
Thiết bị cho phòng Hóa nghiệm Bảo tồn năm 1997, do Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO 467.301 Fr. (90.000 USD)
Bảo tồn trùng tu công trình Hưng Miếu năm 1997, do Thủ tướng Chính phủ Thái Lan 20.000 USD
Tu bổ khẩn cấp các công trình bị hư hỏng do cơn lốc tháng 9/1997 (Cung Diên Thọ) năm 1997, do Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO 50.000 USD
Bảo tồn trùng tu công trình Thế Tổ Miếu năm 1997-1998, do Xử lý nợ giữa nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Ba Lan với sự hợp tác của các chuyên gia Xí nghiệp Bảo tồn Tài sản Văn hóa Ba Lan (PKZ) 900.000 USD
Trùng tu tôn tạo Nhà Bát giác phía đông (Đại Nội, Huế) năm 1998, do Đại sứ Canada thông qua Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác Quốc tế CECI 10.000 USD
Hệ thống Bia biển chỉ dẫn tham quan di tích (đợt 1) 1999 Đại sứ Canada thông qua Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác Quốc tế CECI 4.200 USD
Hỗ trợ phục hồi các công trình di tích do hậu quả lũ lụt năm 1999, do UNESCO 40.000 USD
Tổ chức Hội thảo Bảo tồn và Phát huy giá trị Tuồng cung đình Huế năm 2000, do Ford Foundation 9.500 USD
Bảo tồn trùng tu công trình Bi đình (lăng Minh Mạng) năm 2001-2003, do Quỹ Di tích Thế giới (World Monuments Fund) 50.000 USD
Hệ thống Bia biển chỉ dẫn tham quan di tích (đợt 2) năm2001, do Đại sứ Canada thông qua Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác Quốc tế CECI 12.040 USD
Trùng tu tôn tạo Nhà hát Duyệt Thị Đường năm 1998-2001, do Chính phủ Pháp và các công ty của Pháp, EDF, CBC, PAIMBEUF ủy thác cho tổ chức CODEV Việt Pháp đóng góp124.000 USD
Lập Hồ sơ quốc gia ứng cử Nhã Nhạc là Kiệt tác Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của Nhân loại năm 2002, do Quỹ Nhật Bản thông qua UNESCO 15.000 USD
Dự án Phục hồi tranh tường nội thất cung An Định-giai đoạn 1 năm 2003, do Văn phòng Đối ngoại CHLB Đức thông qua ĐSQ Đức tại Hà Nội 17.580 EURO (# 20.100 USD)
Dự án thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia nhằm bảo vệ Nhã nhạc-Âm nhạc Cung đình Việt Nam năm 2005-2008, do Quỹ Ủy thác Nhật Bản thông qua UNESCO 154.900 USD
Dự án Phối hợp nghiên cứu, đào tạo và bảo tồn tại khu di tích Huế năm 2005-2012, do Viện Di sản thế giới UNESCO-đại học Waseda, Nhật bản 1.600.000 USD
Tu bổ, phục hồi tranh tường nội thất cung An Định và đào tạo kỹ thuật-giai đoạn 2 năm 2005-2008, do Bộ Ngoại Giao Đức thông qua Hiệp hội Trao đổi Văn hoá Leibniz, Hiệp hội Đông Tây Hội Ngộ 355.000 EURO (# 420.000 USD)
Phối hợp nghiên cứu bảo tồn Võ Thánh, Văn Thánh và Chùa Thiên Mụ, thiết lập hệ thống GIS về công viên khảo cổ di tích Huế năm 2007-2009, do Đại học Bách khoa Marche, Ancona, Ý 80.000 USD
Bảo tồn Trùng tu tôn tạo di tích Hiển Đức Môn (Lăng Minh Mạng) năm 2008 -2009, do Quỹ Robert W. Wilson Challenge to Conserve Our Heritage thông qua tổ chức WORLD MONUMENTS FUND, Mỹ và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam 75.000 USD + 3.200.000.000 VND (# 194.000 USD)
Gỗ phục vụ trùng tu di tích Huế năm 2008, do Chính Phủ nước CHDCND Lào 150 m3 gỗ (# 35.000 USD)
Phục dựng khu Hoàng thành Huế và Hổ quyền bằng công nghệ kỹ thuật số 3D năm 2007-20010, do Tổng cục Quản lý Di sản Văn hóa Hàn Quốc thông qua KAIST # 500.000 USD
Xây dựng mạng lưới cộng đồng hỗ trợ bảo tồn khu vực di sản Huế năm 2008-2009, do Hội đồng Vùng Nord Pas de Calais, Pháp 13.650 Euro (#18.000 USD)
Xây dựng lộ trình chuẩn bị kế hoạch quản lý và chương trình xây dựng năng lực cho khu vực di sản Huế (giai đoạn 1) năm 2008-2009, do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan thông qua Công ty Tư vấn giải pháp đô thị Urban Solutions, Hà Lan 41.630 Euro (#54.600 USD)
Bảo tồn trùng tu cổng và bình phong khu mộ vua ở Lăng Tự Đức kết hợp đào tạo kỹ thuật năm 2009-2010, do Bộ Ngoại giao CHLB Đức thông quan Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức và Nhóm GCREP 110.525 Euro (# 145.450 USD)
Bảo tồn tu bổ và tôn tạo Bia Thị học-Quốc tử Giám Huế năm 2010-2011, do Chương trình hỗ trợ quốc tế 2010 của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Ba-lan thông qua Đại sứ quán Ba-lan tại Việt Nam 18.700 USD
Dự án Đào tạo Kỹ thuật và Bảo tồn, tu sửa tại công trình Tối Linh Từ – Phủ Nội Vụ, Hoàng Thành Huế năm 2011-2012, do Bộ Ngoại giao CHLB Đức thông quan Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức và Nhóm GCREP. 91.395 Euro (#125.000 USD)
Trùng tu tôn tạo di tích Tả Tùng Tự (Lăng Minh Mạng) năm 2011-2012, do Quỹ Robert W. Wilson Challenge to Conserve Our Heritage thông qua tổ chức WORLD MONUMENTS FUND®, Mỹ. 46.000 USD
Bảo tồn tu bổ công trình Linh Tinh Môn-Văn Miếu Huế và đào tạo bảo tồn năm2011, do Chương trình hỗ trợ quốc tế 2010 của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Ba-lan thông qua Đại sứ quán Ba-lan tại Việt Nam 25.497 USD
Dự án Đào tạo bảo tồn cho cán bộ kỹ thuật của khu di sản Huế và miền Trung Việt Nam năm 2012, do Chương trình hỗ trợ quốc tế 2012 của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Ba-lan thông qua Đại sứ quán Ba-lan tại Việt Nam 16.872 USD
Dự án Đào tạo Kỹ thuật và Bảo tồ phục hồi nội thất công trình Tả Vu – Hoàng Thành Huế năm 2012-2013, do Bộ Ngoại giao CHLB Đức thông quan Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức và Nhóm GCREP. 139.660 Euro (# 181.558 USD)
Chương trình”Nâng cao năng lực quản lý khu di sản Huế” năm 2014-2015, do Quỹ Hỗ trợ quốc tế của UNESCO 29.930 USD
Dự án Bảo tồn phục chế các án thờ ở Triệu Tổ Miếu – Đại Nội Huế năm 2013 – 2014 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ( Quỹ Đại sứ về Bảo tồn Văn hóa Hoa Kỳ-AFCP), thông qua Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh 29.084 USD
Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu (phần Tiền điện) tại Khu Di sản Thế giới Hoàng thành Huế năm 2014 – 2017, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ( Quỹ Đại sứ về Bảo tồn Văn hóa Hoa Kỳ-AFCP), thông qua Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh 700.000 USD