Seatimes – Tin VPCP, Bộ NN&PTNT hợp tác với Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nguyên theo hướng bền vững, giảm phát thải và đáp ứng với các yêu cầu của thị trường.
Văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết, ngày 13/2/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc làm việc với ông Daan Wensing Tổng giám đốc Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (The Sustainable Trade Initiative – IDH). Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Việt Nam hiểu rằng đã đến lúc cần phát triển nông nghiệp theo xu thế mới của người tiêu dùng. Điều đó được thể hiện sâu sắc trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nền nông nghiệp định hướng chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy chuỗi giá trị, tư duy kinh tế. Việt Nam đã nhìn nhận sự phát triển kinh tế gắn với các sáng kiến toàn cầu về nông nghiệp. Trước đây, sản xuất nông nghiệp không gắn với cảnh quan, giờ đây, Việt Nam đã nhìn nhận sản xuất nông nghiệp ở khía cạnh hệ sinh thái, môi trường. Cách tiếp cận đó tạo sự phát triển bền vững hơn cho các ngành hàng nông sản, đặc biệt là cây cà phê, cây hồ tiêu, những cây trồng của vùng Tây Nguyên.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi Bộ trưởng có chuyến công tác ở Tây Nguyên, các doanh nghiệp, các hợp tác xã đã có ý thức về vấn đề này. Tuy nhiên, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tồn tại ở Việt Nam đã lâu nên việc hướng tới sự phát triển bền vững vẫn có những điểm nghẽn.
Việt Nam đã có những chương trình khuyến nông cộng đồng, các hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng góp phần giải quyết những đặc điểm manh mún, nhỏ lẻ trong chuỗi ngành hàng. Để xem xét một ngành hàng có bền vững hay không thì chủ thể của chuỗi ngành hàng đó từ người nông dân đến doanh nghiệp cần có sự gắn kết.
Ông Daan Wensing, Tổng giám đốc IDH cho biết: “IDH đánh giá cao sự hợp tác của Bộ NN&PTNT trong việc phát triển bền vững các ngành hàng. Hai bên sẽ có sự hợp tác tập trung vào các ngành hàng như cà phê, hồ tiêu và sự tiếp cận cảnh quan trong phát triển nông nghiệp bền vững”.
Ông Daan Wensing bày tỏ sự đồng thuận khi nền nông nghiệp Việt Nam chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế vì điều này phù hợp với chiến lược của IDH. Ông Daan Wensing cho rằng: “Chúng ta cần nắm bắt rõ nhu cầu, xu hướng của thị trường trên thế giới như giảm phát thải carbon cũng như các quy định của thị trường EU về hàng hóa nhập khẩu.
Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc châu Á của IDH đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp với IDH và các đối tác tư nhân trong ngành cà phê triển khai các hoạt động chính như: Xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững, phát thải thấp, quy mô lớn; xây dựng Hệ thống thẩm định sản phẩm cà phê không mất rừng (Phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương đánh giá các vùng có nguy cơ mất rừng thấp, vừa và cao tại khu vực Tây Nguyên theo định nghĩa của Liên minh châu Âu); xây dựng và thử nghiệm hệ thống truy xuất nguồn gốc/minh bạch chuỗi cung ứng cho sản phẩm cà phê theo yêu cầu của EU tại các vùng có nguy cơ; tổng hợp và phản hồi với EU về hệ thống thẩm định sản phẩm cà phê không mất rừng dựa trên các thử nghiệm trên. Về vấn đề phát thải carbon, bà Trần Quỳnh Chi đề xuất xác định các giải pháp giảm phát thải cho ngành cà phê; xây dựng và thí điểm các mô hình bù đắp carbon trong chuỗi sản phẩm.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT và IDH cần nhìn nhận được các vấn đề trong sản xuất nông nghiệp tại Tây Nguyên; từ đó đưa ra các hoạt động hợp tác phù hợp về truyền thông, khuyến nông, tập huấn nâng cao nhận thức cho người nông dân.
IDH và những dự án phát triển nông nghiệp bền vững
IDH là tên viết tắt từ tiếng Anh của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (The Sustainable Trade Initiative – IDH), một tổ chức quốc tế của Hà Lan có mạng lưới rộng lớn trên thế giới với các doanh nghiệp, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các viện khoa học, các chuyên gia… với mục tiêu thúc đẩy thương mại bền vững toàn cầu.
IDH đến nay đã phát triển trên 600 đối tác công – tư hàng đầu trên thế giới và mở rộng hoạt động ra trên 40 quốc gia, trọng tâm là chương trình cảnh quan bền vững (Initiative for Sustainable Landscape – ISLA) tạo nền tảng cho việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn (VSA).
Trong gần 10 năm, bắt đầu từ năm 2013 đến nay, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH của Hà Lan đã có không ít các dự án phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn Tây và hiện là nước đi đầu trong tiến trình, đã chuyển giai đoạn nhân rộng trên quy mô lớn, hướng đến mục tiêu xây dựng VSA ở khu vực Tây Nguyên trong đó có Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Ở Lâm Đồng, IDH đã tài trợ Dự án “Quản lý đất canh tác và bảo tồn nguồn nước” với tổng vốn trên 344 nghìn EUR thông qua Cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện từ năm 2017 – 2020 tại huyện Đơn Dương.
Mục tiêu chung của dự án này nhằm cải thiện nhận thức và hiểu biết của nông dân về tác động của biến đổi khí hậu; nêu cao vai trò quản lý tài nguyên đất (chống xói mòn, rửa trôi đất canh tác, quản lý dinh dưỡng đất), quản lý tài nguyên nước thông qua các biện pháp kĩ thuật; giảm tỉ lệ bốc hơi nước trong mùa khô bằng phương pháp trồng xen cây che bóng trong vườn cà phê ở mật độ thích hợp. Dự án cũng nhằm giúp nông dân lưu trữ nước mùa mưa bằng cách xây ao, hồ ở điểm thấp nhất trong vườn cà phê, hoặc xây đập trữ nước mưa ở các khe suối, góp phần ngăn chặn tình trạng lũ quét, cải thiện mực nước ngầm, phục vụ tưới tiêu trong mùa khô.
Tại Đơn Dương, Dự án đã hỗ trợ xây dựng một trạm bơm để đưa nước đến ruộng rau của một hợp tác xã trên địa bàn. Dự án hiện đang triển khai việc tập huấn sử dụng nước, tính toán đơn giá nước, sắp đến sẽ đưa vào vận hành hệ thống thủy lợi này.
Dự án thứ hai trên đất Lâm Đồng được IDH triển khai trong nhiều năm nay có cái tên khá dài: “Phát triển các mô hình cảnh quan bền vững trong sản xuất cà phê và nâng cao năng lực cho các bên tham gia nhằm giảm suy thoái đất, bảo tồn nguồn nước tưới và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Với tổng kinh phí tài trợ trên 511 nghìn EUR, Dự án trên được thực hiện tại Di Linh và Bảo Lâm, kéo dài trong 4 năm, từ 2017 – 2020. Bên cạnh nguồn tài trợ từ IDH, Dự án khi triển khai có đóng góp vốn đối ứng của các đối tác là các tập đoàn, công ty cà phê lớn trong vùng như Jacobs Douwe Egberts (JDE), Acom, Luis Dreyfus (LDC) với nguồn vốn lên đến hàng chục tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án nhằm ứng dụng chương trình cảnh quan bền vững vào thực tiễn canh tác cà phê của nông dân, hướng dẫn người dân trong vùng sản xuất thuận tự nhiên, giảm các yếu tố đầu vào, tiết kiệm nhân công; sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón một cách minh bạch, an toàn và có trách nhiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sự sản xuất bền vững cho nông dân.
IDH trong quá trình thực hiện dự án đã hỗ trợ kỹ thuật cho các đối tác, cung cấp chuyên gia hướng dẫn người dân trong vùng kỹ thuật canh tác mới; các mô hình tái canh cải tiến, phục tráng vườn cây, trồng xen với các loại cây ăn quả trong vườn cà phê để giảm lượng nước tưới, tạo thêm giá trị cho đất; sử dụng hiệu quả thảm phủ, thúc đẩy sự cộng sinh giữa các yếu tố cây trồng, giúp cây cà phê lẫn cây trồng xen phát triển tốt, tăng thu nhập hướng đến một nền sản xuất bền vững.
Tương tự, IDH triển khai tại Lâm Đồng gồm 4 tiểu dự án mang tên “Sản xuất kết hợp bảo tồn và an sinh xã hội” với trọng tâm là thực hiện chương trình cảnh quan bền vững ISLA kết hợp với công tác bảo tồn, giữ rừng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm ổn định cuộc sống cho người dân sống ven rừng. Dự án được IDH phối hợp với 2 UBND huyện Di Linh và Lạc Dương cũng như với 3 công ty cà phê JDE, Acom và LDC, triển khai tại xã Tân Nghĩa – Di Linh và 2 xã Đạ Chais, Đưng K’nớ của huyện Lạc Dương từ tháng 6/2019 tới tháng 6/2021. Trong khuôn khổ Dự án, IDH đã tài trợ trên 10 tỷ đồng, các huyện đối ứng 29,8 tỷ đồng từ ngân sách thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp.
Các dự án trên khi triển khai đã tạo ra những hiệu quả tích cực, bước đầu xây dựng được mối hợp tác công – tư; can thiệp trên một địa bàn rộng lớn với chi phí thấp. Những tác động của dự án cũng mang tính đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu của nông dân địa phương và các khách hàng tiêu thụ là các công ty cà phê; giảm được tác động tiêu cực đến tài nguyên môi trường.
Dự án đã tác động không nhỏ đến nhận thức của những người nông dân tham gia trong dự án. Nông dân với các giải pháp canh tác mới đã giảm được lượng phân bón và hóa chất sử dụng một cách rõ rệt, giảm chi phí sản xuất trong năm từ 10 – 15% nhưng năng suất cây trồng vẫn ổn định; sản phẩm cà phê làm ra sạch hơn, tạo nền tảng cho việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn rộng hàng nghìn hecta trên đất Lâm Đồng.
Hiện IDH đang xây dựng tiếp các dự án tại Di Linh và Lạc Dương sắp đến với thời gian dự kiến kéo dài 5 năm và IDH đang vận động tài trợ khoảng 1 triệu EUR cho 2 dự án này. Tại Di Linh, theo kế hoạch dự án mới sẽ triển khai rộng chương trình cảnh quan bền vững ISLA tại xã Tân Nghĩa và thêm một số các xã xung quanh để mở rộng diện tích, tác động đến khoảng 45 nghìn hecta cà phê, trên 37 nghìn nông hộ. Tương tự, tại Lạc Dương, dự án mới cũng sẽ phủ rộng đến 4/6 xã, thị trấn của huyện, gồm Đạ Sar, Đạ Chais, Đa Nhim và Đưng K’nớ, không chỉ tập trung vào các vùng trồng cà phê mà còn tác động đến các vùng canh tác rau, củ, quả.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ