Seatimes – (ĐNA). Trong khuôn khổ Diễn đàn các thành phố hữu nghị hợp tác – Đà Nẵng 2025 (City Partnership Forum – Da Nang 2025”) diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/1/2025; hội thảo – gặp gỡ “Hợp tác quốc tế thúc đẩy phát triển du lịch các thành phố hữu nghị”, diễn ra sáng 17/1/2025, trở thành cơ hội giao lưu, học hỏi, tìm hiểu lẫn nhau về tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư, và đặc biệt là cùng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển quan hệ là “đối tác tin cậy” của nhau một cách bền vững trong lĩnh vực du lịch, thiết thực nâng cao năng lực hội nhập cho mỗi điểm đến.
Hợp tác quốc tế góp phần nâng cao năng lực hội nhập của ngành du lịch thành phố
“Bằng cách mở rộng quan hệ đối tác địa phương và khám phá các cơ hội phát triển du lịch, chúng ta có cơ hội tạo ra những kết nối có ý nghĩa, không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế mà còn cho cuộc sống của người dân. Chúng ta phải luôn sẵn sàng học hỏi từ các thành phố khác trên thế giới và chia sẻ kiến thức của mình với các thành phố đang phát triển. Mối liên kết giữa Gold Coast và Đà Nẵng chính là cam kết chung về tăng trưởng, đổi mới và giao lưu văn hóa.
Tôi luôn tin rằng quan hệ đối tác quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và thành công của bất kỳ thành phố nào, và chính quyền địa phương cần đóng vai trò tích cực”, Ngài Tom Tate – Thị trưởng thành phố Gold Coast, bang Queensland, Australia, nhấn mạnh.
“Chúng ta đang chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ trong ngành du lịch toàn cầu. Các công nghệ mới, xu hướng du lịch bền vững và sự thay đổi trong nhu cầu của du khách đang tạo ra những cơ hội nhưng cũng không thiếu những thách thức. Các yếu tố về tình hình chính trị bất ổn, thiên tai, dịch bệnh và lạm phát gia tăng đều tác động không nhỏ đến ngành du lịch. Trong bối cảnh này, hợp tác quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ thúc đẩy sự phát triển bền vững mà còn mở ra những cơ hội mới cho các quốc gia và điểm đến du lịch trên toàn cầu.
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế và chính sự phối hợp quý báu của các thành phố kết nghĩa, các đối tác quốc tế, đã góp phần đáng kể vào yêu cầu nâng cao năng lực hội nhập của ngành du lịch, thúc đẩy trao đổi và gia tăng nguồn khách, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch độc đáo và nâng cao chất lượng dịch vụ”, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Trần Chí Cường khẳng định.
Một trong những thành công, cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch mới trong lần Đà Nẵng mở “Diễn đàn các thành phố hữu nghị hợp tác” lần này, là Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken, Việt Nam, cũng trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng thành phố trong xúc tiến quảng bá thương hiệu và tổ chức sự kiện, lễ hội năm 2025.
Ban tổ chức diễn đàn cho biết, lãnh đạo thành phố trong buổi tiếp và làm việc cùng ông Wietse Mutters, Tổng Giám đốc Điều hành HEINEKEN Việt Nam, đã đề xuất HEINEKEN Việt Nam nghiên cứu tổ chức chương trình countdown thường niên từ năm 2025-2030 tại Đà Nẵng với quy mô hoành tráng, khai thác hiệu ứng cao, kết hợp màn trình chiếu ánh sáng nghệ thuật 3D Mapping…, mời các DJ nổi tiếng thế giới đến trình diễn; Nghiên cứu phối hợp quảng bá du lịch Đà Nẵng trên các sản phẩm của Heineken và cùng đồng hành trong các sự kiện về du lịch, ẩm thực của thành phố, nhất là tạo không gian trải nghiệm ngoài trời cho các sự kiện thường niên (như Lễ hội tận hưởng-Enjoy Danang) , hay sự kiện vừa tổ chức năm đầu tiên nhưng mang lại hiệu ứng rõ nét (Lễ hội Đón Giáng sinh – Chào Năm mới; Lễ hội Đà Nẵng Food Tour), mục tiêu chính là làm gia tăng trải nghiệm dịch vụ du lịch từ tham quan, ăn uống, mua sắm, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng.
Trong tầm nhìn dài hạn “cùng hợp tác và phát triển bền vững với Đà Nẵng”, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị HEINEKEN Việt Nam tạo sản phẩm du lịch mới theo mô hình Heineken Experience rất nổi tiếng tại Amsterdam, Hà Lan. Đó là không gian trải nghiệm như một Bảo tàng bia (lịch sử ra đời các nhãn hàng-thương hiệu bia HEINEKEN, giới thiệu công nghệ làm bia, kết hợp trải nghiệm các món ăn đặc sản của thành phố biển,…). Đặc biệt nghiên cứu đầu tư một không gian ẩm thực quảng bá thương hiệu Heineken, ngay tại khu thương mại tự do Đà Nẵng hoặc kết nối với MegaMarket ở khu vực quận Liên Chiểu.
Chúng tôi cam kết cam kết hỗ trợ, cùng đồng hành với Đà Nẵng trong các sự kiện của năm 2025, và hơn thế, trở thành một đối tác tin cậy của Đà Nẵng, như chúng tôi đã giữ đúng lời hứa, đóng góp cho sự phát triển của Đà Nẵng. Đến nay, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng, vẫn luôn là đơn vị dẫn đầu về nộp ngân sách nhà nước hằng năm (hơn 3.400 tỷ đồng), đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội cao đối với cộng đồng. Trong đó, có các lễ hội kết hợp ánh sáng và âm nhạc hiện đại đã được tổ chức ở Đà Nẵng (như Heineken Tưng bừng mùa lễ hội; Heineken – Lễ hội âm nhạc đỉnh cao; Heineken Green Room – Chạm Vào Âm Nhạc, …).
Heineken cũng rất tự hào khi đến thành phố này. Bởi một trong những nhãn hàng bia của Heineken được người Đà Nẵng rất yêu thích, thậm chí nhiều người còn tưởng rằng, đây là một loại bia địa phương, đó là bia Larue, một thương hiệu có từ năm 1909. Theo thời gian, bia Larue gắn với con người Đà Nẵng, Quảng Nam khẳng định tinh thần hiếu khách nồng hậu và rất năng động”, ông Wietse Mutters, Tổng Giám đốc Điều hành HEINEKEN Việt Nam, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ tại phiên làm việc chính thức của “Diễn đàn các thành phố hữu nghị và hợp tác – Đà Nẵng 2025”, chiều ngày 17/1.
“Mục tiêu thiết lập các mối quan hệ hợp tác trên thế giới nhằm thúc đẩy, phát triển du lịch, tăng sức hút của điểm đển, tạo nên dòng khách qua lại trên quan điểm hợp tác cùng có lợi, tạo ra cơ hội cho các bên.
Qua theo dõi, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận thấy, cứ trung bình có 4 khách quốc tế đến Việt Nam, thì trong đó có 1 khách đến Đà Nẵng. Điểm đến Đà Nẵng rõ ràng đạt chất lượng, đẳng cấp quốc gia. Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng trong nhiều năm qua, có sự đóng góp không hề nhỏ của các hoạt động hợp tác quốc tế. Và Đà Nẵng đã kết nối, xây dựng thành công mạng lưới hợp tác quốc tế, du lịch thành phố biển, phát triển đúng định hướng chiến lược du lịch quốc gia”, Phó Cục trưởng, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu chia sẻ.
Cùng thúc đẩy sự phát triển bền vững và lâu dài của ngành công nghiệp văn hóa và du lịch
Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, khai thác du lịch hiệu quả hơn, ngành du lịch bát kỳ thành phố, hay điểm đến địa phương nào, cũng hướng đến xây dựng những giềng mối mối quan hệ hợp tác quốc tế, hội thảo – gặp gỡ “Hợp tác quốc tế thúc đẩy phát triển du lịch các thành phố hữu nghị” (Đà Nẵng, 17/1/2025) cũng trở thành một diễn đàn, để đại diện ngành du lịch của nhiều điểm đến, chia sẻ tiềm năng của chính mình, đồng thời khẳng định tiềm năng đó càng được phát huy cao hơn, nếu cùng nhau “tương tác lớn hơn và thăm nhau nhiều hơn”.
“Chúng tôi hy vọng sẽ nắm bắt cơ hội thuận lợi và hợp tác với các thành phố quốc tế, bao gồm Đà Nẵng, để khám phá các cơ chế hiệu quả cho giao tiếp và tương tác. Điều này bao gồm tăng cường trao đổi văn hóa và các chuyến thăm lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong du lịch, cùng nhau phát triển các sản phẩm du lịch, khuyến khích khách du lịch đến thăm lẫn nhau và thúc đẩy tương tác lớn hơn giữa người dân của chúng ta, cuối cùng thúc đẩy sự phát triển bền vững và lâu dài của ngành công nghiệp văn hóa và du lịch của chúng ta”, Phó giám đốc Văn phòng đối ngoại của Chính quyền nhân dân thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ye Zheng nhấn mạnh.
Theo chủ đề trọng tâm “Hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển du lịch các thành phố hữu nghị”, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, những kinh nghiệm quý trong “làm du lịch bền vững”. Đại biểu đến từ Diêm Thành – vùng đất ngập nước ven biển duy nhất của Trung Quốc, cũng là vùng đất ngập nước bùn nguyên sơ và lớn nhất, dọc theo phía tây Thái Bình Dương, đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời cũng là quê hương của Thi Nại Am (Shi Nai’an), một trong Tứ đại danh tác cổ điển, tác giả của Thủy Hử; đã chia sẻ kinh nghiệm về khai thác các yếu tố “tự nhiên ban tặng”, khai thác Di sản văn hóa, đến khai thác sản phẩm du lịch từ sự kiến tạo của con người (Công viên Rừng Biển Hoàng Hải, hay Cánh đồng hoa tulip số 1 Trung Quốc), …. Và nhấn mạnh rằng: Phong cách sống nhàn nhã, thơ mộng của Diêm Thành khiến du khách muốn quay lại nhiều lần nữa. Bản chất của cuộc sống nằm ở hương vị giản dị. Đôi khi, chỉ cần nếm một lần cũng đủ khiến bạn yêu một thành phố. Du lịch đến Diêm Thành chỉ để thưởng thức hương vị cuộc sống.
Bên cạnh mở rộng hợp tác với các đối tác mới, xúc tiến kết nối mở rộng chuỗi cung ứng và phát triển sản phẩm du lịch, trao đổi khách đoàn; cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đã có cơ hội giao lưu, học hỏi thêm, hoạch định giải pháp, thúc đẩy hiệu quả của một ngành công nghiệp, luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
“Các sự kiện lớn cùng du lịch thể thao, đã trở thành động lực kinh tế quan trọng cho Gold Coast, và mang lại hàng trăm triệu đô la cho nền kinh tế địa phương” – Ông Tom Tate, Thị trưởng thành phố Gold Coast, bang Queensland, Australia xác nhận.
Theo ông Tán Văn Vương – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, qua City Partnership Forum – Da Nang 2025”, “các cuộc hội thảo – gặp gỡ theo chuyên đề, càng cho thắy cần tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên đề về du lịch, có sự tham gia của nhiều đối tác quốc tế.
Các sự kiện này có thể tập trung chia sẻ theo những chuyên đề cụ thể, như du lịch bền vững, công nghệ trong du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới hoặc quảng bá điểm đến; ứng dụng công nghệ trong du lịch, cũng như xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, hoặc đầu tư tổ chức các chương trình đào tạo nhân lực du lịch, cải thiện kỹ năng phục vụ khách du lịch quốc tế và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của du khách… Đây là cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi nhau về phát triển du lịch bền vững, cũng như được cùng nhau thảo luận về chiến lược hợp tác rất quý.
Định kỳ hàng năm tổ chức Tuần lễ Văn hóa du lịch tại Đà Nẵng và tại các thành phố ký kết, trong đó tập trung giới thiệu về thương mại, văn hoá, du lịch và ẩm thực. Hiện nay Đà Nẵng đã định kỳ tổ chức Tuần lễ giao lưu văn hoá Việt – Nhật, Tuần lễ giao lưu văn hoá Việt – Hàn; đồng thời chủ động lên kế hoạch tham gia các Lễ hội văn hoá Việt Nam tại các thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc…”.
Quảng bá lẫn nhau nâng cao hiệu quả truyền thông, giới thiệu điểm đến của các thành phố hữu nghị
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Tán Văn Vương khẳng định “Ngành Du lịch nói riêng, các Ngành hữu quan nói chung, sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết hợp tác với các thành phố, tỉnh thành và đối tác quốc tế. Từ kết quả hợp tác sẽ có những điều chỉnh cần thiết, tối ưu hóa cao hơn kết quả và điều chỉnh các nội dung, cách thức hợp tác khi cần thiết, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả dài hạn. Cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước về du lịch (của mỗi nước, mỗi địa phương), cần thường xuyên kết nối trao đổi, kịp thời cung cấp cho nhau thông tin về thị trường, nội dung cần hỗ trợ, từ đó xúc tiến trao đổi khách.
Điểm nhấn khá quan trọng là cùng nhau tăng cường hợp tác xúc tiến, quảng bá, cùng hỗ trợ nhau kết nối với các đối tác lữ hành, các cơ quân, tổ chức truyền thông, KOLs…để quảng bá lẫn nhau, nâng cao hiệu quả truyền thông, giới thiệu điểm đến của các thành phố hữu nghị; hỗ trợ lẫn nhau trong truyền thông, quảng bá các sản phẩm, sự kiện, nhằm dễ dàng tiếp cận hiệu quả đến thị trường khách của mỗi bên. Các bên sẽ phối hợp đầy trách nhiệm khi tổ chức các chiến dịch, chương trình quảng bá du lịch chung, hỗ trợ lẫn nhau trong tổ chức chương trình xúc tiến tại nước bạn.
“Đà Nẵng đề nghị chúng ta hãy cùng phát triển các sản phẩm du lịch chung giữa các thành phố kết nghĩa, gồm các tour du lịch liên kết, tour sự kiện văn hóa và thể thao quốc tế. Đà Nẵng luôn hướng đến việc học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố hữu nghị trong phát triển du lịch bền vững, chú trọng ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn trong việc nâng cao năng lực tổ chức du lịch và trải nghiệm cho du khách. Đồng thời, Đà Nẵng sẵn sàng tham gia các mô hình thí điểm và báo cáo kết quả thực hiện, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác quốc tế”.
Một nội dung có sự gặp gỡ lớn – tương đồng về mục tiêu, là tạo nền tảng hiểu biết lẫn nhau, từ đó nâng cao chất lượng du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi học sinh, sinh viên, và các chuyên gia. Nội dung này được lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng và Ngài Thị trưởng thành phố Kisarazu đề xuất, trong bối cảnh nhiều trường Đại học trên địa bàn thành phố (các trường, viện thành viên Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, …) đang đẩy mạnh trao đổi sinh viên./.
Trần Ngọc