Seatimes – (ĐNA), Hôm nay (24/10/2023) và ngày mai (25/10/2023), tại Đại học Đà Nẵng, lần lượt diễn ra phiên họp chung giữa Liên minh Ulysseus và Đại học Đà Nẵng; tiếp theo đó, là diễn đàn Ulysseus-Danang, với chủ đề Hợp tác Đào tạo – Nghiên cứu – Sáng tạo thành phố “thông minh” (UDERIF-2023).
Liên minh các trường đại học Châu u Ulysseus (Ulysseus European University, gọi tắt là Liên minh Ulysseus, viết tắt là UEU), gồm các trường Đại học Âu châu: Université Côte d’Azur (UCA-Pháp), Sevilla (Tây Ban Nha), Genoa (Ý), Đại học Kỹ thuật Kosice – Technical University of Kosice (Slovakia), Trường Kinh doanh MCI (Áo), Đại học Khoa học Ứng dụng Haaga – Helia (Phần Lan), Zitet CrneGore (Montenegro) và Munster (Đức).
Đại học Đà Nẵng chính thức trở thành đối tác, tham gia Liên minh các trường Đại học Châu Âu Ulysseus (UEU) từ tháng 6/2023 và là đối tác chiến lược ngoài châu Âu đầu tiên của UEU.
Trong các ngày (từ 5 đến 9/6/2023), Đoàn công tác của Đại học Đà Nẵng (thành viên Đoàn là các Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường, các trường đại học thành viên, lãnh đạo Viện công nghệ quốc tế Đà Nẵng – Danang International Institute of Technology (DNIIT, thuộc Đại học Đà Nẵng), do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác, theo lời mời của UCA và UEU.
Tại trụ sở chính của UCA, đã diễn ra nghi thức ký kết MOU giữa Đại học Đà Nẵng với UCA và UEU (do GS. Jeanick Brisswalter – Giám đốc UCA làm đại diện). Chứng kiến lễ ký kết có GS. Frédéric Vidal – Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Cộng hoà Pháp, nguyên Giám đốc UCA; GS. Stéphane Ngo Mai – Phó Giám đốc UCA, phụ trách UEU; các Phó Giám đốc UCA, gồm: GS. Sylvain Antoniotti, GS. Cécile Sabourault, GS. Marie-Pierre Ballarin… Trước đó, trong năm 2022, Đại học Đà Nẵng cũng đã ký kết Thỏa thuận Khung hợp tác, tiếp tục hướng đến hợp tác toàn diện, bền vững trong giai đoạn mới với UCA.
Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa UEU với Đại học Đà Nẵng, khẳng định Đại học Đà Nẵng hướng đến mục tiêu triển khai hợp tác toàn diện, hiệu quả và lâu dài với UEU, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Trong phiên họp chung giữa UEU và Đại học Đà Nẵng, hai bên đã thảo luận, thông qua nội dung và ký kết biên bản cuộc họp cấp cao, một lần nữa, “khẳng định chủ trương hợp tác toàn diện, hiệu quả và lâu dài”, giữa Liên minh Ulysseus với Đại học Đà Nẵng.
“Hiện nay, Đại học Đà Nẵng được xác định là một trong 3 trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của cả nước, do đó, Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch nâng cấp, ) tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới, đưa Đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia của Việt Nam cùng với 2 Đại học Quốc gia Việt Nam (Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh). Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế, Đại học Đà Nẵng vẫn luôn đặt mục tiêu trở thành một đại học định hướng nghiên cứu; 1 trong 3 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học trọng điểm trong nước, ngang tầm khu vực và thế giới.
Trong quá trình này, việc thiết lập và phát triển hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các trường đại học đẳng cấp thế giới trong nền giáo dục châu Âu, đóng vai trò quan trọng. Trong gần 30 năm qua, Đại học Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 40 trường đại học thuộc Liên minh Châu Âu.
Hoạt động hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và các trường đại học châu Âu đã mang lại nhiều cơ hội cho sinh viên, giảng viên Đại học Đà Nẵng đến học tập, nghiên cứu tại các trường đại học châu Âu; hay giúp Đại học Đà Nẵng nâng cao năng lực cơ sở vật chất. Hợp tác này đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của ĐHĐN.
Trong giai đoạn phát triển mới, Đại học Đà Nẵng sẽ góp phần làm phong phú thêm sự hiện diện của Ulysseus tại Đông Nam Á và với chính quyền các tỉnh/thành phố miền Trung Việt Nam.
Mong rằng UEU sẽ hỗ trợ Đại học Đà Nẵng tăng cường mối quan hệ hợp tác với các trường trong Liên minh Ulysseus trong việc trao đổi giảng viên, sinh viên và cùng tìm kiếm các dự án nghiên cứu chung do Chính phủ và các tổ chức quốc tế tài trợ, đặc biệt là các dự án từ Cộng đồng Châu Âu, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội. phát triển các tỉnh miền Trung nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng về thành phố thông minh, biến đổi khí hậu, giáo dục bền vững, năng lượng xanh và sạch…., Hỗ trợ Đại học Đà Nẵng đổi mới quản trị giáo dục đại học theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả rất được mong đợi, đặc biệt quản trị chuyển đổi kỹ thuật số thông qua tham quan điểm chuẩn, học hỏi các phương pháp hay và chia sẻ kinh nghiệm với các trường đại học thuộc Liên minh”, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.
“Hub” kết nối trung tâm đặt tại Đại học Đà Nẵng
Hai bên, đi đến thống nhất thành lập một địa điểm “Hub”, được hiểu là điểm kết nối trung tâm, mở ra các mối quan hệ hợp tác đa dạng (giữa UEU và Đại học Đà Nẵng), địa điểm “Hub” sẽ đặt tại DNIIT-Đại học Đà Nẵng, tạo môi trường và điều kiện phát huy tiềm năng, lợi thế của Đại học Đà Nẵng – đại học vùng trọng điểm quốc gia, 1 trong 3 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế hàng đầu của Việt Nam, có uy tín, vị thế quốc tế.
Hợp tác gắn kết với Liên minh Ulysseus; Đại học Đà Nẵng đã mở ra giai đoạn hợp tác phát triển mới vì lợi ích chung trong bối cảnh hội nhập Đại học Á- Âu.
Lãnh đạo các đại học thành viên UEU phát biểu tại phiên họp chung ngày 24/10/2023.
Trước đó, Đại học Đà Nẵng cũng là thành viên chính thức của Mạng lưới ASEAN (ASEA-UNINET) và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF). Đại học Đà Nẵng đã tham gia nhiều dự án quốc tế trong khuôn khổ chương trình Erasmus+, AUF và các tổ chức khác.
Diễn đàn Ulysseus-Danang (UDERIF-2023), chủ đề “Hợp tác Đào tạo – Nghiên cứu – Sáng tạo thành phố “thông minh”, nhóm họp vào ngày mai (25/10/2023) với sự tham dự của cấp lãnh đạo, quản lý, chuyên gia và các nhà khoa học; Research groups (Nhóm nghiên cứu) của Liên minh Ulysseus; đại diện các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng và Nhóm các đối tác địa phương, doanh nghiệp.
Là một diễn đàn mở, các đại biểu sẽ có thời gian để thảo luận những chủ đề mà các bên đang quan tâm. Đặc biệt sẽ đề xuất ý tưởng, gợi ý định hướng, giải pháp triển khai; xác định lộ trình cùng nhau chia sẻ, kết nối, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong thời gian đến, để giải quyết các chủ đề được đưa ra. Cũng như giới thiệu về nhu cầu, khả năng, và thế mạnh nhằm định hướng hợp tác.
Đây sẽ là “cơ sở dữ liệu” quan trọng do chính các bên, các phía có liên quan, bổ sung cho Khung hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với UEU. Từ đây, Khung hợp tác sẽ tiếp tục được xây dựng, hình thành các đề xuất mới cho giai đoạn hợp tác triển khai cấp độ dự án, hay đề án hợp tác quốc tế cụ thể. Tất cả đều đáp ứng nhu cầu và lợi ích chung trong các lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Chuyến thăm và làm việc của Đoàn cấp cao UEU lần này đến Đà Nẵng, cũng là lần đầu tiên. Đoàn gồm GS. Jeanick Brisswalter – Giám đốc UCA (Pháp); GS. Miguel Ángel Castro Arroyo – Hiệu trưởng Trường Đại học Sevilla (Tây Ban Nha); GS. Salla Huttunen – Phó Giám đốc Đại học Khoa học Ứng dụng Haaga-Helia (Phần Lan); GS. Laura Gaggero – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Genoa (Ý); GS. Altmann Andrea-Giám đốc Trung tâm Quản lý Innsbruck, Trường Kinh doanh MCI (Áo); GS. Pekovic Sanja – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Zitet Crne Gore (Montenegro) và GS. Mesáros Peter – Trường Đại học Kỹ thuật Košice (Slovakia). Cùng tham dự có hơn 80 đại biểu là lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Liên minh Ulysseus; đại diện các sở, ngành, hiệp hội của thành phố Đà Nẵng.
“Sự có mặt của các bạn UEU ngày hôm nay, đã thể hiện tình cảm và quyết tâm lớn, trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa UEU và Đại học Đà Nẵng, sau khi biên bản ghi nhớ, đã được lãnh đạo hai bên ký kết tại Nice, Pháp vào tháng 6 năm 2023. Các phiên làm việc chính thức lần này (24 và 25/10/2023, tại Đà Nẵng) là sự kiện quan trọng, mở ra một giai đoạn mới đầy hứa hẹn của các nội dung hợp tác, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển của hai bên”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, khẳng định.
Cũng trong ngày 24/10, tại các trường, đơn vị thành viên trực thuộc Đại học Đà Nẵng đã diễn ra các phiên hội thảo – trao đổi chuyên đề giữa lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu theo nội dung chuyên sâu tùy lĩnh vực, chủ đề nghiên cứu, dự án được các bên quan tâm./.
T.Ngọc