Sáng nay 17/10, tại Khách sạn Duy Tân, Hội Khoa học Lịch sử Tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học Phú Xuân thời chúa Nguyễn và Tây Sơn.
Đồng chí Phan Thiên Định, Tỉnh Uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo.
Đến tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên UV Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khoá IX, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin; đồng chí Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vào thế kỷ XVII – XVIII, tại vùng đất Thừa Thiên Huế đã xuất hiện trung tâm quyền lực của một nửa nước Đại Việt, sau đó trở thành kinh đô của cả nước. Đó là Phú Xuân thời chúa Nguyễn và Tây Sơn (1687 – 1801). Phú Xuân từ một làng quê trở thành một địa chỉ lịch sử gắn với đất Đàng Trong thời chia cắt sau chiến tranh Trịnh – Nguyễn (1672 – 1786) đến buổi đầu lập lại nền thống nhất đất nước (1786 – 1801).
PGS.TS Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, Chủ tịch Hội Sử học Thừa Thiên Huế trình bày báo cáo tổng thuật và đề dẫn hội thảo khoa học.
Phú Xuân là chiếc cầu nối nhịp sống Bắc – Nam đất nước, của quá khứ và hiện tại, của trí tuệ uyên bác cung đình và văn hoá dân gian, của thủ phủ Đàng Trong đến kinh đô cả nước, của văn hoá dân tộc đến văn minh nhân loại.
Phú Xuân vào thế kỷ XVII đã là nơi sản xuất đại bác theo công nghệ Bồ Đào Nha, là quê hương chế tạo vũ khí hiện đại sớm nhất của thế giới thông qua kỹ thuật gia người Bồ là João Da Cruz. Phú Xuân thế kỷ XVIII là nơi có xưởng sản xuất và sẳ chữa đồng hồ hiện đại kiểu Tây Phương thông qua Nguyễn Văn Tú, từng du học ở Hà Lan. Phú Xuân thời chúa Nguyễn và Tây Sơn đã sáng tạo hoả hổ, là loại vũ khí tên lửa, tạo nên nhiều trận hoả công vang dội.
Kỷ yếu hội thảo: Phú Xuân thời chúa Nguyễn và Tây Sơn.
Phú Xuân – Huế là sản phẩm của lịch sử, là trí tuệ, công sức của bao thế hệ nhân dân, nghệ nhân cả nước qua bao thế kỷ bồi đắp.
Không có Phú Xuân thời chúa Nguyễn, sẽ không có Nam Bộ hôm nay. Không có Phú Xuân thời vua Quang Trung sẽ không có chiến thắng quân Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789); Đại Việt không có cơ hội khôi phục nền thống nhất đất nước, phục hưng văn hoá dân tộc, nâng cao vị thế với Trung Quốc và các nước trong khu vực.
TS. Thái Quang Trung – Trường Đại học Sư phạm Huế, trình bày tham luận: Địa bàn Thừa Thiên Huế dưới thời các chúa Nguyễn – trạm trung chuyển trong quá trình mở đất đàng trong.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu và công bố về Đàng Trong và Tây Sơn có liên quan đến Phú Xuân, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một công bố nào về trung tâm chính trị Phú Xuân mang tính xuyên suốt từ lúc ra đời năm 1687, thời chúa Nguyễn đến lúc kết thúc vai trò chính trị của nó vào cuối thời Tây Sơn vào năm 1801. Phú Xuân sau năm 1801 đã chuyển giao vai trò lịch sử cho Huế, kinh đô cuối cùng nước Việt Nam. Đó là yêu cầu khoa học của Hội thảo Phú Xuân thời chúa Nguyễn và Tây Sơn.
Một số hội viên Hội Sử học Thừa Thiên Huế tham dự Hội thảo.
PGS.TS. TẤT THẮNG – HOÀNG HƯƠNG