Ngày 12/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam.
Hội nghị Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững thị trường tiêu dùng tại Việt Nam; phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp.
Chương trình có sự tham dự của TS.Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – Chủ tịch Hội đồng cố vấn BCSI – Chuyên gia tư vấn thương hiệu; Th.S Vũ Xuân Trường – Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; Bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc Khu vực Miền Bắc – Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam; Bà Lưu Bảo Vân – Giám đốc Nghiên cứu – Công ty Nghiên cứu Thị trường Intage; Ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Thương mại – Đại diện Công ty Kantar; Ông Bùi Huy Hoàng – PGĐ Trung tâm Tin học và Công nghệ số – Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương; Bà Phạm Bảo Bình – Quản lý Phát triển Kinh doanh – Công ty CP dịch vụ di động trực tuyến (M_Service); Ông Nguyễn Xuân Vinh – Giám đốc Công ty FoodHub; Bà Hoàng Kim Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Laco… và khoảng 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí.
Toàn cảnh hội nghị
Chương trình được thiết kế nhằm tạo một hội nghị đa chiều, thảo luận về sự thay đổi trong khuynh hướng tiêu dùng tại Việt Nam, đưa ra giải pháp và cách khắc phục những hạn chế và tồn tại hiện nay, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp tiêu dùng phát triển.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV GAS), Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPOWER).
Báo cáo GCI đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,98%, cao nhất 9 năm qua.
Tốc độ này được đánh giá là “kỳ tích” trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao, thương mại quốc tế phức tạp và tăng trưởng nhiều nước trong khu vực xuống thấp. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng với những biến chuyển trong lối sống, thu nhập và hành vi người tiêu dùng.
Tần suất mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, mô hình cửa hàng giá rẻ và đồng giá đang tăng lên nhanh chóng, trong khi lại giảm sút với chợ truyền thống.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận về sự thay ở trong khuynh hướng tiêu dùng tại Việt Nam, đưa ra giải pháp và cách khắc phục những hạn chế và tồn tại hiện nay, góp phần tạo điều kiện cho thị trường tiêu dùng phát triển.
Giang Đặng
Theo TCĐNA