Seatimes – (ĐNA). Chiều ngày 2/1/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ tư.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 5 địa phương vùng Tây Nguyên.
Đưa kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực đã tổ chức 3 Hội nghị: Lần 1 về công bố việc thành lập và thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng điều phối vùng (ngày 15/9/2023). Lần 2 về góp ý vào quy hoạch của vùng Tây Nguyên (ngày 01/12/2023). Lần 3 về công bố Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; sơ kết thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên; tham vấn cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên và Kế hoạch điều phối Vùng năm 2024 (ngày 23/6/2024).
Cuộc họp lần 4 hôm nay nhằm đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng năm 2024, tiến độ triển khai Quy hoạch vùng Tây Nguyên, sơ kết 1 năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên (Đề án 104) và đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
“Đây là dịp để chúng ta nhìn nhận kịp thời những khó khăn, thách thức, vướng mắc để cùng xác định phương hướng, giải pháp khắc phục, nhằm bảo đảm hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, quá trình triển khai quy hoạch vùng và Đề án 104 được thông suốt, bài bản, hiệu quả, góp phần đưa kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, chất lượng, bền vững trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Nhấn mạnh mỗi vùng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác nhau thì được giao các nhiệm vụ khác nhau, nhưng nhìn tổng thể, nhiệm vụ được giao của vùng Tây Nguyên được định hướng là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá sâu sắc về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 vùng Tây Nguyên; tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025; đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn Vùng.
Đồng thời đề xuất, kiến nghị về phương hướng, giải pháp trọng tâm và nhiệm vụ cụ thể cần giao cho các bộ, ngành và địa phương vùng Tây Nguyên để tổ chức liên kết phát triển vùng với hiệu quả cao nhất, tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng và Đề án 104 trong thời gian tới, góp phần hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số của cả nước.
Các chỉ tiêu quan trọng của vùng đều tăng so với năm 2023
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên và tình hình hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, các chỉ tiêu quan trọng của vùng đều tăng so với năm 2023. Cụ thể, quy mô GRDP năm 2024 (theo giá hiện hành) đạt 484,58 nghìn tỷ đồng (cao hơn năm 2023 đạt 416,5 nghìn tỷ đồng); GRDP bình quân đầu người ước đạt 78,5 triệu đồng/người, tăng 16% so với năm 2023 (67,58 triệu đồng/người).
Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tập trung vào phát triển các lĩnh vực thế mạnh của vùng là nông, lâm sản và dịch vụ. Tỉ trọng của 3 khu vực năm 2024: Nông, lâm sản là 37,2%; công nghiệp, xây dựng là 21,3%; dịch vụ 37,2% (năm 2023 lần lượt là 34%; 22,4%; 39,1%).
Ước thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Vùng Tây Nguyên đạt 32.451 tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thu nội địa đạt 31.592 tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, 5/5 địa phương trong Vùng đạt và vượt dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 859 tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá, ước đến ngày 31/12/2024 giải ngân đạt 70,6% Kế hoạch Thủ tướng giao.
Ngày 23/6/2024, Hội đồng điều phối vùng đã có Phiên họp lần thứ ba tại tỉnh Lâm Đồng nhằm rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra tại Hội nghị lần thứ hai và triển khai kế hoạch hoạt động của Vùng trong các tháng còn lại của năm 2024.
Ngày 26/7/2024, Hội đồng điều phối vùng đã ban hành Thông báo kết luận số 56/TB-HĐĐPTN, trong đó giao các bộ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Tây Nguyên, hiện nhiệm vụ này đã hoàn thành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 7087/TTr-BKHĐT ngày 5/9/2024 về đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1337/QĐ-TTg ngày 06/11/2024, trong đó đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra.
Về nhiệm vụ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo chức năng, nhiệm vụ được giao để sớm báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, hiện nay nhiệm vụ này cũng đã hoàn thành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi các văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương thuộc 6 vùng kinh tế rà soát, đồng thời đã tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương, hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 10750/TTr-BKHĐT và Báo cáo số 10751/BC-BKHĐT ngày 26/12/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về nhiệm vụ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát lại quy hoạch bauxite, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/8/2024 về việc xử lý các vướng mắc liên quan đến quy hoạch bauxite, hiện nhiệm vụ này đang được thúc đẩy triển khai thực hiện. Bộ Công Thương đã có văn bản số 5179/BCT-CN ngày 19/7/2024 gửi UBND các tỉnh đề nghị rà soát, cập nhật tình hình thực hiện Quy hoạch khoáng sản và các dự án sản xuất, chế biến khoáng sản, luyện kim trên cả nước làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến Quy hoạch khoáng sản.
Đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục đôn đốc, tổng hợp để phục vụ báo cáo rà soát quy hoạch khoáng sản định kỳ 05 năm theo quy định của Luật Quy hoạch, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025, đồng thời giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy hoạch khoáng sản.
Đề xuất các nhiệm vụ “trọng tâm và xứng tầm”
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, các bộ và địa phương liên quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ đã được giao tại kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng và đề xuất các nhiệm vụ “trọng tâm và xứng tầm” để đưa vào Kế hoạch hoạt động vùng năm 2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch Hội đồng vùng ban hành.
Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng và của từng địa phương. Tập trung nguồn lực thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch vùng; chủ động xây dựng các nhiệm vụ, đề án trọng tâm có tính chất liên vùng để đưa vào Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030 để tổ chức thực hiện.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách pháp luật, chính sách đặc thù vùng để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động phát triển của vùng, nhất là các chính sách về đất đai, quản lý đất rừng, đất nông lâm trường, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, tái định cư.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, đề xuất tháo gỡ ngay các khó khăn, dự án vướng mắc để hoàn thành đúng tiến độ.
Các địa phương trong vùng tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả thực chất các luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.
Các bộ, địa phương tập trung phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2025 và đẩy mạnh giải ngân số vốn đã được giao từ những tháng đầu năm để tiếp tục hoàn thành các công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các thành viên Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, các bộ, ngành chức năng, các địa phương trong vùng tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, nhất là thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông còn đang chậm tiến độ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị báo cáo cho Hội nghị đầy đủ, kỹ lưỡng, công phu cũng như đánh giá cao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu dự họp đã có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết, khả thi, sát thực tiễn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nhìn lại năm 2024, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực; các chủ trương, quyết sách được triển khai thực thực hiện sâu rộng, đặc biệt là các nguồn lực đã được Chính phủ bố trí để thực hiện đầu tư theo đúng quy định; “Có thể nói Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đầu tư nguồn lực theo đúng quy hoạch và có tác dụng thúc đẩy kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống người dân”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó, đối với 6 dự án giao thông thì chỉ có 1 dự án là tiến độ tốt, còn 5 dự án đang “ì ạch”, tốc độ giải ngân chậm. Nhiều Chương trình, dự án đã được duyệt, nguồn lực đã được bố trí, song tiến độ triển khai là chậm và trong nhiều khó khăn thì có khó khăn trong giải tỏa, đền bù, đây là nút thắt mà các địa phương cần hết sức quan tâm tháo gỡ.
Đồng tình với nhận định, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tình hình kinh tế-xã hội của vùng “có sáng sủa”, có tăng trưởng, thu tốt hơn, các công trình đã và đang được thúc đẩy triển khai, tuy vậy Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây vẫn đang là “vùng lõm” của đất nước, hạ tầng kết nối kém hơn nơi khác, hộ nghèo nhiều hơn, tốc độ tăng trưởng về mặt tỉ trọng có khá hơn nhưng về mặt giá trị tuyệt đối còn thấp hơn các vùng khác, đời sống người dân còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp hơn các tỉnh khác. Đây là những điểm nghẽn, khó khăn nhìn thấy để phải cùng nhau tháo gỡ và vượt qua.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các thành viên Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, các bộ, ngành chức năng, các địa phương trong vùng tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, nhất là thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông còn đang chậm tiến độ; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên.
Đối với cơ chế, chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập hợp tương đối đầy đủ các cơ chế, chính sách. Các địa phương cần tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoàn thiện các chính sách, nhất là đối với các chính sách đặc thù đang được đề nghị. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân, triển khai thực hiện các công trình giao thông, nhất là những công trình còn đang “ì ạch”.
Các địa phương trong vùng cũng cần hết sức lưu ý đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cùng với nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, từ xã hội hóa, các địa phương cần phải chủ động trong bố trí nguồn lực của mình để thực hiện chủ trương này, không thể chỉ trông cậy vào nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn xã hội hóa.
Với năng lượng tái tạo, xác định đây là khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các địa phương tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án. Bộ Công Thương cần bổ sung các quy hoạch, ưu tiên cho vùng khó khăn này. “Cái chúng ta có thể hỗ trợ được cho Tây Nguyên chính là năng lượng tái tạo, trong đó không phải chỉ phê duyệt, đồng ý, mà còn có hạ tầng truyền tải. Bộ đưa vào chủ trương phát triển hạ tầng đường truyền tải, qua đó tăng thêm tính hấp dẫn mời gọi nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Tây Nguyên là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Năm 2024, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình KTXH vùng Tây Nguyên vẫn phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2023. Nổi bật là GRDP năm 2024 vùng tăng 4,85%, trong đó ngành nông nghiệp tăng 4,78%, cao nhất trong 6 vùng kinh tế; quy mô GRDP của cả vùng giá hiện hành năm 2024 ước đạt 496,5 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước của vùng năm 2024 ước đạt trên 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao Toàn. Vùng đã có 368 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỉ lệ 62,5%; trong đó có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Gia Hân/nguồn chinhphu.vn