Seatimes – (ĐNA). Sự hiện diện của Đại úy Ibrahim Traoré, lãnh đạo trẻ của Burkina Faso tại lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng phát xít Đức ở Moskva không chỉ mang tính nghi lễ. Đó là biểu tượng mạnh mẽ cho mối quan hệ đang định hình lại giữa Nga và châu Phi, và hơn thế nữa, là tuyên bố đầy tự tin của một châu lục đang thoát dần khỏi bóng tối thực dân. Với “cuộc cách mạng” năm 2022, Traoré đã làm nên điều tưởng như bất khả: chấm dứt hơn một thế kỷ thống trị của Pháp tại Burkina Faso, mở đường cho tiến trình tự chủ và tự quyết của châu Phi trong trật tự thế giới mới.

Máy bay vận tải IL-96 cùng tiêm kích tàng hình SU-57, những khí tài hiện đại bậc nhất của Không quân Nga đã được đích thân Tổng thống Vladimir Putin điều đến Burkina Faso để đón Đại úy Ibrahim Traoré và đoàn tùy tùng sang Moskva, tham dự lễ duyệt binh trọng thể kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít tại Quảng trường Đỏ. Hình ảnh hiếm có ấy đã khiến nhiều chính trị gia quốc tế không khỏi sửng sốt, đồng thời thừa nhận đây là biểu tượng ngoại giao đầy tính nhân văn và bình đẳng, một sự tôn trọng đúng nghĩa giữa quốc gia lớn với một đất nước từng chìm trong nghèo đói và bị bóc lột bởi các thế lực thực dân phương Tây.
Sự hiện diện của Đại úy Traoré tại Nga trong buổi lễ trọng đại này không đơn thuần là nghi thức lễ tân, mà còn là tuyên bố địa chính trị rõ ràng từ Moskva: thế giới đa cực là thế giới của những quốc gia có chủ quyền ngang hàng, nơi không còn chỗ cho mô hình “mẫu quốc – chư hầu”, “trừng phạt – phục tùng”, hay “bóc lột – lệ thuộc”.
Đối với châu Phi, sự kiện mang tính biểu tượng này báo hiệu một bước ngoặt: sự chấm dứt của thời kỳ lệ thuộc vào phương Tây, đặc biệt là Pháp, quốc gia đã thống trị Burkina Faso suốt hơn một thế kỷ bằng các hình thức bóc lột trá hình như thuế thân, thuế tài nguyên, thuế bảo hộ dưới danh nghĩa “quốc mẫu”. Giờ đây, châu Phi không còn là vùng đất thụ động trong các vấn đề toàn cầu, mà đang từng bước giành lại tiếng nói, vị thế và chủ quyền của mình.
Trong quá trình đó, sự hỗ trợ mang tính bình đẳng từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là Nga đóng vai trò then chốt. Lập trường chống bá quyền và chủ nghĩa đơn cực của Moskva không chỉ tạo ra điểm tựa mới cho châu Phi, mà còn góp phần định hình lại thế cân bằng chiến lược trước áp lực và sự áp đặt lâu nay từ các cường quốc phương Tây.
Nga đã khéo léo chuyển hóa những sức ép từ phương Tây, bao gồm các lệnh trừng phạt và chiến dịch tuyên truyền thành cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển mình của châu Phi. Từ một lục địa từng bị gắn với hình ảnh lệ thuộc, thụ động và yếu thế, châu Phi đang bước vào một giai đoạn mới: tự chủ lựa chọn đối tác, tự xác định lợi ích quốc gia, và từng bước định vị mình trong một trật tự thế giới đa cực.

Chuyến công du đến Moskva của Đại úy Ibrahim Traoré không chỉ là sự kiện ngoại giao đơn thuần, mà còn là lời khẳng định dứt khoát rằng, châu Phi đã sẵn sàng giành lấy vị trí xứng đáng trong cục diện toàn cầu. Một khi quyền tự quyết dân tộc được xác lập, cũng là lúc chủ nghĩa cường quyền phương Tây với tham vọng thâu tóm, bá quyền và khai thác thuộc địa đối mặt với sự thất bại không thể đảo ngược.
Trong một thế giới thực sự văn minh và hòa bình, nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia phải là nền tảng không thể bị xâm phạm. Không một cường quốc nào được phép dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế, chính trị hay ngoại giao để áp đặt ý chí lên nước khác, càng không thể nhân danh “luật lệ quốc tế” để duy trì một trật tự phục tùng do mình dựng nên. Những gì mà chủ nghĩa tư bản đang áp dụng ngày nay, từ bao vây cấm vận đến thao túng dư luận không phản ánh được giá trị của văn minh, mà là biểu hiện rõ ràng của chủ nghĩa bá quyền và sự sụp đổ về đạo lý.
Thế Nguyễn