– Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo và căn cứ khoa học để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, mang tính quốc gia thể hiện tiếng nói khách quan khoa học của giới Sử học, Luật học về một vấn đề được nhân dân và quốc tế quan tâm.
Ngày 23/4, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam. Với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các trường đại học, Trung ương và các tỉnh thành: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế: có đồng chí Phan Ngọc Thọ – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh. Đặc biệt, có đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khoá IX, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin.
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo và căn cứ khoa học để đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đây là hội thảo chuyên gia mang tính quốc gia nhằm thể hiện tiếng nói khách quan khoa học của giới Sử học, Luật học về một vấn đề được nhân dân và quốc tế quan tâm.
Hội thảo có 20 tham luận được in vào kỷ yếu, tập trung vào các chủ đề: Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử; giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, di sản và giáo dục truyền thống.
PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam cho rằng: Hoàng Sa và Trường Sa đã xuất hiện trong lịch sử Việt Nam từ lâu đời, đến thời các chúa Nguyễn, vương triều Tây Sơn và vương triều Nguyễn hai quần đảo này hoàn toàn thuộc về chủ quyền của nhà nước quân chủ Việt Nam.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với vùng quần đảo này, nhưng nhìn dưới góc độ Sử học về chủ quyền biển đảo trong bối cảnh thế giới để tiếp cận bằng nhiều nguồn tài liệu liên ngành khác nhau kể từ lúc Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về chủ quyền của nhà nước quân chủ Việt Nam cho đến nay, thì đây là công trình công bố đầu tiên.
Theo TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế, qua nghiên cứu cho thấy các vị vua đầu triều Nguyễn đã nhận rõ được tầm quan trọng của biển đảo đối với nền an ninh phòng thủ đất nước. Những biện pháp tích cực, hiệu quả trong kiểm soát tàu thuyền ra vào các cửa biển, các hải đảo, đặc biệt là đối với tàu thuyền phương Tây, đã góp phần hạn chế mọi nguy cơ đe dọa từ bên ngoài. Những hoạt động ấy phần nào giúp nhà nước nắm bắt thông tin, đảm bảo an ninh quốc phòng, hỗ trợ nhiều cho hoạt động bảo vệ biển đảo của đất nước.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam có khẳng đinh, lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa được mở đầu dưới danh nghĩa chính thức của nhà nước chí ít từ thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) thông qua hoạt động của đội Hoàng Sa bắt đầu từ khoảng cuối những năm 20, đầu những năm 30 thế kỷ XVII. Cuối thế kỷ XVII, vào khoảng năm 1697, chúa Nguyễn Phúc Chu tổ chức thêm đội Bắc Hải. Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đã hoạt động hết công suất trong suốt thế kỷ XVII, XVIII.
Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khoá IX, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo đã lắng nghe 7 tham luận của các nhà khoa học:
– “Quá trình xác lập chủ quyền của nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”của TS. Nguyễn Thanh Minh.
– “Diện mạo, phạm vi, hoạt động khai thác, thương mại và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa thời Tây Sơn qua tư liệu đương thời ở các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Scotland” của ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến.
– “Thực thi quản lý nhà nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa từ năm 1954 đến năm 1975” của PGS.TS. Trương Minh Dục.
– “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (1956-1975)” của PGS.TS. Trần Nam Tiến.
– “Hệ thống các văn bản pháp luật về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ sau năm 1975 đến nay” của ThS. Trần Việt Dũng.
– “Giải quyết tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế: Từ nhận thức đến thực tiễn” của TS Lê Nhị Hòa.
– “Di sản Huế với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa: Thực trạng và giải pháp” của TS. Phan Thanh Hải, TS. Trần Văn Dũng.
Trong phiên thảo luận tập trung trao đổi về các nội dung: Nguồn tư liệu cần thiết phải bổ sung về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Đánh giá thực trạng tình hính tại Biển Đông và xu hướng trong tương lai; Bài học kinh nghiệm và giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay.
Cho đến nay, Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế đã 6 lần tổ chức hội thảo và xuất bản 8 công trình, sách chuyên khảo về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Qua đó, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
TẤT THẮNG – ANH TUẤN
Theo TCĐNA