Seatimes – Được tổ chức thường niên, Lễ hội cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đã trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu, giàu bản sắc riêng của cộng đồng ngư dân. Lễ hội Cầu ngư này còn được công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia”, theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sáng nay (10/2/2023), đã diễn ra Lễ hội cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, sau 2 năm không tổ chức để phòng. Chống dịch COVID-19.
“Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, là sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam.
Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải lấy hình tượng cá Ông – vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Đối với đời sống cộng đồng miền biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa – cầu ngư, tế ngư thần, bày tỏ khát vọng một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”, ông Nguyễn Hữu Công – Phó Chủ tịch UBND Quận, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội nhấn mạnh.
Năm 2023, Lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8/2 đến 10/2/2023, tức từ 18 đến 20 tháng Giêng âm lịch, Quý Mão). Các nghi lễ truyền thống (Lễ nghinh Thần, nghi thức dâng hương, Lễ tế chính, …) đều diễn ra vào sáng nay. Xuyên suốt 3 ngày hội, còn diễn ra nhiều hoạt động tái hiện sinh động nét sinh hoạt đặc thù của cư dân gian làng chài với các cuộc thi: Đan lưới, gánh cá, ngoáy thúng, biểu diễn tuồng, hô bài chòi, … ; chưng mâm ngũ quả, ẩm thực “Mâm hương vị biển”.
Ban tổ chức cũng bổ sung thêm một số môn thể thao vận động trên biển ( biểu diễn dù lượn, mô tô lướt sóng, thuyền Kzal…), làm sôi động không gian lễ hội.
“Bảo tồn và phát huy Lễ hội Cầu ngư truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao các giá trị văn hóa vốn có, đã được khởi xướng và gìn giữ qua nhiều thế hệ, bao hàm cả giá trị tâm linh, tín ngưỡng, tập tục, văn hóa, nghệ thuật…
Mặt khác, lễ hội cũng đề cao giá trị gắn kết cộng đồng trong đời sống hiện đại, từng bước là điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.
Đặc biệt, Lễ hội Cầu ngư cũng là bằng chứng vật chất, tinh thần xác thực về ứng xử với biển đảo Việt Nam của người dân Thanh Khê từ bao đời nay, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển”, ông Nguyễn Hữu Công – Phó Chủ tịch UBND Quận, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, chia sẻ thêm.
Được biết, trong hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 (2021, 2022); Lễ hội Cầu ngư truyền thống vẫn được gìn giữ với quy mô tổ chức nhỏ tại 3 nhà thờ phường ven biển là Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà. UBND Quận, các Phường và Ban nghi lễ các nhà thờ chủ trì thực hiện các nghi thức truyền thống (cầu ngư, cầu Quốc thái – dân an), không tổ chức phần Hội, không tập trung đông người.
“Chúng tôi cố gắng duy trì tổ chức phần nghi thức thiêng liêng nhất của lễ cầu ngư, đúng theo các bước mà phong tục, tập quán của cha ông đã lưu truyền. Cứ luân phiên mỗi Ban nghi lễ của 3 phường, lần lượt đảm nhận một năm. Như năm nay là phường Thanh Khê Đông chủ công. Chính quyền Quận, phường các anh rất quan tâm Lễ hội này. Vì đó là bản sắc văn hóa, tập tục rất riêng rất quý có từ bao đời.
Như tôi đây, từ khi tôi hiểu biết, nghe lời kể lại của ông nội hay cha tôi, thì nghi thức cầu ngư ni đã có 128 năm rồi. Mình là dân miền biển mà, mưu sinh nhờ vào biển bao đời, nên trước vụ đánh bắt của một năm, phải xin, phải cầu theo lòng thành”, cụ Hồ Ngọc Tham, 86 tuổi, Ban nghi lễ phường Xuân Hà, bày tỏ.
Quận Thanh Khê có chiều dài bờ biển hơn 4,3 km, đời sống người dân gắn liền nền kinh tế biển lâu đời. Năm 2006, nhằm phát huy hoạt động lễ hội đúng hướng, lành mạnh, vừa văn minh, vừa bảo tồn bản sắc văn hoá địa phương, UBND quận cùng với các phường ven biển Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà đã nâng tầm tổ chức lễ hội Cầu ngư lên cấp quận. Quy mô, hình thức và nhiều hoạt động mỗi năm càng phong phú hơn, trở thành nền tảng cốt lõi trong bảo tồn và phát triển một lễ hội truyền thống đặc thù.
Trong khuôn khổ Lễ hội Quý Mão 2023, Ban Tổ chức cũng mở gian trưng bày sản phẩm từ thủy hải sản của nhân dân 3 phường ven biển; gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của 10 phường trên địa bàn Quận nhà. Đặc biệt là gian trưng bày mô hình, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ