Theo thông tin từ đại diện FLC, trong hai năm 2015 và 2016, tập đoàn đã nộp ngân sách cả nước 2.352,4 tỷ đồng, tuyển dụng trên 5.000 nhân sự, đóng góp vào đà phát triển kinh tế – xã hội chung trên toàn quốc.
Với tiêu chí “san sẻ để cùng thành công”, FLC cũng thường xuyên trích 1 – 2% lợi nhuận sau thuế để triển khai các hoạt động vì cộng đồng trên cả nước, như quỹ học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, xây trường học cho trẻ em vùng cao, trao bê giống và xây nhà tình nghĩa cho người nghèo…
Hiện tại, với nhiều dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng lớn (Quảng Ninh, Đồ Sơn, Vĩnh Phúc, Sầm Sơn, Quảng Bình, Bình Định…), FLC được đánh giá đã mang lại vị thế mới cho nhiều vùng đất trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đón hàng vạn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm, mang về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu, những quần thể du lịch này đã trở thành điểm sáng kinh tế của địa phương nhận dự án, khi vừa giúp tăng thu ngân sách, vừa tạo thêm nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Tháng 6 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội cũng đã trao bằng khen tuyên dương FLC vì sự đóng góp vào công cuộc phát triển của kinh tế Thủ đô trong năm 2016. Giữa thời kỳ khủng hoảng thị trường bất động sản những năm 2011 tại Hà Nội, FLC là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi dám mạnh dạn mở hầu bao mua lại những dự án tiềm năng nhưng đang bị “đóng băng”, như FLC Landmark Tower, FLC Complex Tower, FLC Green Home, FLC Ecohouse Long Biên, FLC Star Tower, Khu chức năng đô thị Đại Mỗ…
Được hồi sinh dưới bàn tay của chủ đầu tư mới, chúng không chỉ mang lại lợi nhuận cho FLC, giải quyết được một phần quan trọng hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường Hà Nội, mà còn góp phần thay đổi bộ mặt đô thị phía Tây thủ đô.
H.G
Theo TCĐNA