Ngày 4/8, mưa nhỏ không còn gây ngập đường, nước tràn vào nhà như mấy ngày trước nhưng những hộ dân ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn vẫn luôn trong tình thế sẵn sàng ứng phó với ngập.
Tin liên quan
- Mưa lũ đường “biến thành sông”
- Mưa lũ tại Quảng Ninh: 24 người chết và mất tích
- Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc
Người dân ở đây vẫn giữ những hàng gạch phủ bạt ở cửa, đề phòng mưa to bất ngờ nước ngập vào nhà bất cứ lúc nào.
Cơn mưa chiều 1/8 nước ngập sâu ngõ 192 Lê Trọng Tấn.
Cứ mưa là cả nhà “be bờ, đắp đập”
Đã 4 ngày nay, cuộc sống của người dân ở con ngõ 192 Lê Trọng Tấn bị đảo lộn vì đường liên tục ngập trong nước. Bà Nguyễn Thị Hà, cư dân ở đây phàn nàn: “Hễ có mưa to là nước dềnh lên”. Khoảng 14 giờ ngày 1/8, trời Hà Nội đã ngớt mưa nhưng đến cuối giờ chiều mưa lại xối xả. Trong vòng 1 giờ đồng hồ, không chỉ ngõ 192 Lê Trọng Tấn mà các ngả đường Định Công, Hoàng Mai đều chìm trong “biển nước”. Người dân cuống cuồng “be bờ, đắp đập” ngăn không cho nước chảy tràn vào nhà.
Chiều 4/8, theo quan sát của chúng tôi, trên các đường Lê Trọng Tấn, Định Công, Hoàng Mai nước đã rút, không còn cảnh ngập hơn nửa mét như trước. Thế nhưng, chuyện ngập lụt thường xuyên xảy ra sau mỗi trận mưa lớn đã diễn ra nhiều năm nay ở đây. Bà Hà bảo: “Đợt mưa này, nhiều nơi quanh khu vực này bị ngập sâu khoảng 50cm, có nơi tới 90cm, 1m, người dân đã tìm mọi cách để ngăn không cho nước vào nhà, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt. Nhưng cũng có nhiều hộ như nhà tôi, nước vẫn tràn vào. Một số vật dụng như bàn ghế, tủ bếp bằng gỗ bị ngâm nước. Tôi lo là phải sắm lại, mất khối tiền”.
Vì lo lắng những đợt mưa tới có thể ập đến bất cứ lúc nào nên dù nước đã rút cạn, sinh hoạt trở lại bình thường nhưng quần áo, đồ dùng trong nhà bà Hà vẫn nằm trong các túi nilon sẵn sàng “sơ tán”.
Cửa hàng thể thao của anh Hồ Bình ở Định Công hai ngày qua phải ngưng trệ không thể chuyển hàng cho khách do ngập lụt cục bộ. “Nhiều khách gọi điện “ship” hàng nhưng chúng tôi cũng phải hoãn lại vì đường ngập đến nửa bánh xe máy. Ra đường không may xe lao xuống hố thì nguy hiểm lắm. Sáng hôm nay, gọi lại cho khách thì họ đã mua hàng chỗ khác rồi. Mất khách chỉ vì đường bị ngập”, anh Bình ấm ức. Trận mưa vừa rồi, khi nước ngập vào nhà cũng làm ướt một giàn giày thể thao ở ngăn dưới phòng trưng bày. Anh Bình ngán ngẩm: “Không biết có bán được số giày đó nữa không. Nước lên nhanh quá, không kịp chuyển hàng đi chỗ khác”.
Những cung đường sẽ tiếp tục ngập
Đường bờ sông Kim Giang nhầy nhụa bùn sau mưa. ảnh: P. Trần
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cảnh báo Hà Nội có thể sẽ tiếp tục có mưa to và thời gian mưa kéo dài. Nhiều điểm ngập úng từ 0,1m đến 0,3m được điểm danh như: Nguyễn Du, Trần Nhân Tông, Lò Đúc, Hàng Chuối, Quang Trung, Lê Duẩn, Đặng Thái Thân, Ngô Quyền, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Liên Trì, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Chùa Bộc, Giải Phóng, Nguyễn Xiển,Vũ Trọng Phụng, Lĩnh Nam, Quan Hoa, Định Công… khiến rất nhiều người lo lắng.
Người dân hai bên đường Kim Giang từ ngày thông thêm tuyến đường dọc sông chưa hết vui mừng được giảm tải, giờ khốn khổ vì những vũng lầy chưa được bê tông hóa. Ông Nguyễn Hữu Hải, khu vực chợ Kim Giang cho hay: “Mỗi lần mưa là đoạn đường chưa được rải nhựa ngập nước. Những hố nước rộng 5- 10 m2, chẳng ai biết nó sâu đến đâu. Có người đi qua đã bị sục xuống hố, chấn thương, xe hỏng. Chỗ không ngập thì bùn nhầy nhụa. Sau mưa vài ngày nước ở những hố đó mới cạn, thêm vài ngày nữa bùn lầy mới khô. Ai đi qua cũng phát nản, cho dù đoạn ngập đó chỉ dài vài trăm mét”.
Nước ngập không chỉ tấn công vào các khu dân cư mà cả những khu đô thị đang xây dựng. Đến thời điểm hiện tại, sau thời gian dài dừng thi công, tầng hầm của một tòa nhà ở khu đô thị mới Văn Quán giống như chiếc ao nuôi cá. Ngoài cá, nòng nọc bơi lội, khu vực hầm này còn là nơi trú ẩn của muỗi và chỗ đổ rác của không ít hộ dân. Một khu đô thị đẹp, sau mưa trở nên bẩn thỉu, nhếch nhác, thành nơi sinh sống ruồi nhặng, nòng nọc.
“Công trình đã bỏ không rất lâu, khu vực này gần hồ Văn Quán nên mưa bão đều bị ngập, nước tràn vào tầng hầm và lâu ngày như cái ao cá”, anh Nguyễn Sĩ Bảo, đường Chiến Thắng, quận Hà Đông cho hay. Nhiều người dân xung quanh khu vực này cũng lo lắng vì dự án bỏ không nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường và là nơi ẩn náu của con nghiện…
Dự báo mưa lớn vẫn sẽ tiếp diễn nên tình trạng ngập cục bộ trên nhiều tuyến phố của Hà Nội rất có thể tiếp tục xuất hiện. Người dân được khuyến cáo nên hạn chế ra đường sau các trận mưa lớn. Hàng nghìn hộ dân ở Định Công, Lê Trọng Tấn, Hoàng Mai và nhiều nơi nữa không khỏi lo lắng. Một trận mưa lớn đã vất vả, cả mùa mưa đang tới, nơi này sẽ ra sao?
Hà Phương
11 người thương vong do sạt lở đất tại Lạng Sơn
Sạt lở đất khiến 6 người chết: Thương vong nhiều do cố tình không di dời
Cao Bằng: Tìm kiếm 3 người mất tích do sạt lở đất
Mưa lũ tấn công miền nam Philippines, 22 người chết
Theo Giadinh.net.vn