Liên quan đến nội dung thu hồi bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân GPMB tại ao Hoàng Cầu, nhưng công tác bồi thường vấp phải sự phản đối của không ít các hộ dân và sự việc kéo dài hơn 10 năm khiến các hộ dân này vẫn ngày ngày đội đến các cơ quan có thẩm quyền đòi hỏi quyền lợi của mình.
Hơn 10 năm “đội đơn” đi đòi quyền lợi
Vừa qua, tòa soạn Phapluatplus.vn nhận được nội dung đơn thư của các hộ dân sinh sống tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội cầu cứu về việc các hộ dân này nhiều năm trời đội đơn đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền của quận Đống Đa, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội để đòi hỏi quyền lợi bị cơ quan chức năng lãng quên, cũng như một bản án cuối cùng của Tòa an Nhân dân TP Hà Nội khi các hộ dân đã tiến hành khởi kiện Quyết định hành chính của UBND quận Đống Đa về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng dự án khu nhà ở di dân GPMB tại ao Hoàng Cầu.
Đến nay, đã hơn 10 năm, nhưng quyền lợi vẫn chưa thấy và một bản án cuối cùng vẫn chưa được xác định sau gần hai năm trời khởi kiện.
Nội dung đơn cầu cứu của các hộ dân gửi tòa soạn Phapluatplus.vn.
Trong nội dung đơn thư của các hộ dân gồm các ông, bà Đỗ Lại Lê, trú tại số 32, ngõ 69 Nguyễn Phúc Lai, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa; bà Nguyễn Thị Tường trú tại số 7, ngách 34/84 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa nêu “Năm 2002, chủ đầu tư Dự án nhà ở di dân giải phóng mặt bằng (GPMB) tại ao Hoàng Cầu đã bắt đầu thực hiện lập dự án đầu tư và kết hợp với các cơ quan chức năng để triển khai công tác thu hồi đất, lập phương án GPMB chuẩn bị thực hiện dự án”.
“Đến tháng 5/2003, UBND quận Đống Đa đã có Quyết định về việc thu hồi đất để giao cho công ty (tại thời điểm triển khai dự án) là Công ty Hà Thủy tổ chức điều tra, lập phương án GPMB chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân GPMB Hoàng Cầu.
Các hộ có diện tích đất bị thu hồi gồm: ông Đỗ Đại Lê với diện tích thu hồi 180m2; ông Đỗ Lại Phong 180m2; bà Đỗ Minh Quyết 72m2 và bà Nguyễn Thị Tường là 120m2.
“Sau rất nhiều năm, chủ đầu tư không một lần họp với các hộ dân để phố biến các thông tin liên quan đến dự án, công khai hồ sơ dự án đã thực hiện và tiến độ GPMB trên khu đất gắn với quyền lợi của chúng tôi mà theo quy định của pháp luật chúng tôi là những người phải được biết”, nội dung đơn nêu rõ.
Các hộ dân vẫn đang từng ngày “cõng đơn” cầu cứu khắp nơi mong nhận được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Về công tác thông tin công khai dự án, nội dung đơn thể hiện “Sau một thời gian dài, đến năm 2014 Ban Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã họp dân hai lần để thông báo về công tác đền bù GPMB đang triển khai, nhưng chưa phổ biến cho các hộ dân về các thông tin liên quan đến dự án; tên dự án; mục tiêu đầu tư, quy mô, tiến độ thực hiện.
Đặc biệt hơn, trong các cuộc họp, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng không công khai đề xuất các phương án bồi thường, giá bồi thường và mức hỗ trợ, bồi thường”.
“Các cuộc họp diễn ra nhưng không mang lại kết quả gì, không có nội dung cuộc họp, không có biên bản họp.
Gia đình các hộ dân ra về trong sự hoang mang, không hiểu chủ đầu tư và các cơ quan đang làm gì và quyền lợi của chúng tôi có được đảm bảo hay không, và đảm bảo như thế nào”, nội dung đơn thể hiện.
Điều đặc biệt, trong nội dung đơn thư của các hộ dân nêu về việc “Tính đến nay đã hơn 10 năm kể từ ngày UBND quận Đống Đa có Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân (từ ngày 24/5/2006), Quyết định bổ sung phương án (ngày 30/10/2006), nhưng các gia đình hộ dân không được phổ biến các chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Bên cạnh đó, trong suốt thời gian chuẩn bị cho công tác đền bù GPMB, UBND quận Đống Đa đã có 4 lần thay đổi nhân sự Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư, được thể hiện trong các năm 2002, 2005, 2013, 2015, các hộ dân cũng hoàn toàn không được tuyên truyền, phổ biến về thành phần hội đồng bồi thường, chưa một lần nào các hộ dân được các cán bộ Hội đồng bồi thường gửi tới văn bản dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Trong nội dung đơn các hộ dân cũng nêu rõ “Chúng tôi không được bày tỏ ý kiến, nguyên vọng về giá đền bù và hình thức đền bù tại các cuộc họp.
Hầu hết các cuộc họp đều không thông qua nội dung biên bản và các hộ dân cũng chưa ký kết biên bản nào có nội dung chấp thuận hay đồng ý với phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư mà Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đưa ra”.
Các hộ dân quyết định khởi kiện Quyết định hành chính của UBND quận Đống Đa ra tòa.
Người dân khởi kiện, sau gần 2 năm TAND TP Hà Nội vẫn chưa đưa ra xét xử
Tại buổi trao đổi với phóng viên Phapluatplus.vn, ông Đỗ Lại Lê (SN 1958), trú tại số 32, ngõ 69 Nguyễn Phúc Lai, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, một trong các hộ dân nhiều năm “cõng” đơn đi đòi quyền lợi cho mình không khỏi bức xúc nói về sự việc chậm trễ giải quyết sự việc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, khiến sự việc kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.
“Chúng tôi đã làm đơn gửi lên quận, gửi lên thành phố, nhưng sự việc vẫn không được giải quyết. Có rất nhiều vướng mắc chúng tôi yêu cầu các bên phải có câu trả lời thỏa đáng để đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi.
Trước đó, với những nội dung văn bản do lãnh đạo UBND quận Đống Đa ban hành có những điểm không đúng, trái thẩm quyền, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của những hộ dân chúng tôi”.
Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.
“Việc này chúng tôi đã tiến hành các thủ tục khởi kiện các Quyết định hành chính của UBND quận Đống Đa ra tòa, trong đó có các Quyết định phê duyệt phương án bồi thường và Quyết định cưỡng chế thu hồi đất gồm: Quyết định số 2646/QĐ-UB, ngày 29/06/2016 và Quyết định 3870/QĐ-UB ngày 10/08/2016; Quyết định số 2645/QĐ-UB, ngày 29/06/2016 và Quyết định 3871/QĐ-UB ngày 10/08/2016; Quyết định số 2647/QĐ-UB, ngày 29/06/2016 và Quyết định 3873/QĐ-UB ngày 10/08/2016; Quyết định số 2648/QĐ-UB, ngày 29/06/2016 và Quyết định 3876/QĐ-UB ngày 10/08/2016”, ông Lê trình bày.
Cũng tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Tường (59 tuổi), trú tại địa chỉ số 7, ngách 34/84, đường Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, một trong những hộ dân cũng từng ngày chờ đợi quyền lợi của mình, mệt mỏi cho biết “Sự việc của chúng tôi kéo dài đến nay đã hơn 10 năm, các cơ quan có thẩm quyền thì dường như đang làm ngơ với những lời cầu cứu của các hộ dân.
Trước những dấu hiệu bất thường trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như việc ban hành các Quyết định trái thẩm quyền, chúng tôi đã tiến hành khởi kiện vụ việc ra tòa”.
“Các vụ án nêu trên đều đang được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội thụ lý, giải quyết theo trình tự sơ thẩm.
Theo hồ sơ vụ án, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã thụ lý và giải quyết gần 2 năm nay, tuy nhiên vẫn chưa tiến hành các công việc, trình tự tố tụng, để vụ án kéo dài gây mệt mỏi đối với các hộ dân chúng tôi.
Tôi cũng đã tiến hành đối chiếu thì được biết, theo Luật tố tụng hành chính thời gian chuẩn bị xét xử là không quá 4 tháng.
Vậy mà đến nay đã gần 2 năm mà không thấy các cơ quan tố tụng có một động thái tích cực nào để đưa ra một bản án cuối cùng cho chúng tôi”, bà Tường bức xúc nói.
Quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất, một trong 4 Quyết định của UBND quận Đống Đa bị các hộ dân khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.
Nói về sự việc tố tụng giải quyết vụ án Hành chính của TAND TP Hà Nội , luật sư Bùi Khắc Hanh, văn phòng luật sư Cao Đạt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, TAND TP Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về thời hạn xét xử vụ án.
Theo quy định đối với vụ án này, thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng, gia hạn thêm 2 tháng.
Do đó tối đa là 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án thì Toà án phải có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Theo Hồ sơ khởi kiện thì vụ án đã được TAND TP Hà Nội thụ lý từ tháng 01/2017 (đến nay đã gần 2 năm) mà vụ án vẫn chưa được giải quyết cũng như không có những động thái tích cực nào với các bước tiến hành tố tụng.
Việc làm như vậy của Toà án đã gây cho người dân bức xúc, mệt mỏi vì phải chờ đợi quá lâu mà không có thông tin hay giải quyết như thế nào”, luật sư Hanh bày tỏ.
Về mặt nội dung giải quyết vụ án, luật sư Hanh cho rằng “Việc khởi kiện của người dân yêu cầu huỷ các Quyết định hành chính của UBND quận Đống Đa về việc Phê duyệt phương án bồi thường và Quyết định cưỡng chế thu hồi đất là có căn cứ và cơ sở pháp lý.
Về giá trị bồi thường: Toàn bộ diện tích đất của người dân đã sử dụng ổn định từ những năm 1960, nay UBND quận Đống Đa ban hành Quyết định bồi thường với mức giá 552.000đ/ 01 m2, tại khu vực ngõ 34 Hoàng Cầu, đó là điều khiến người dân không thể chấp nhận.
Toàn bộ cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, chi phí bồi thường không tương xứng một chút nào đối với quyền lợi của người dân khi thu hồi đất.
Về diện tích thu hồi: Toàn bộ diện tích thu hồi theo Văn bản là 18.390m2, nhưng quyết định phê duyệt chỉ có 8.891m2, con số chênh lệch 9.498m2 đi đâu? về đâu? đã không được giải thích thoả đáng cho người dân”, luật sư Hanh bày tỏ.
Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Văn Đại
Theo phapluatplus.vn