– Ngày 8/10, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học Hà Nội – Huế – Sài Gòn: Dòng sinh mệnh dân tộc – nhìn từ các đô thị văn hiến.
Đến tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Văn hóa Trung ương; đồng chí Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng các nhà khoa học đến từ Trung ương, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vào tối ngày 8/10/1960, lễ kết nghĩa giữa ba thành phố lớn Hà Nội – Huế – Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) được tổ chức trọng thể đúng vào dịp Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 950 năm Thăng Long – Ðông Ðô – Hà Nội. Việc kết nghĩa này có ý nghĩa chính trị sâu sắc, mở ra phong trào kết nghĩa giữa các địa phương hai miền Nam – Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng chính vì vậy, Huế và cả miền Nam luôn gắn liền với sự chi viện của Hà Nội và miền Bắc ruột thịt. Kết tinh cao đẹp của sự đoàn kết Hà Nội – Huế – Sài Gòn là thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta với chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Phong trào kết nghĩa Bắc – Nam cuối thập niên năm mươi và đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, trong đó có Hà Nội – Huế – Sài Gòn đều bắt nguồn từ tinh thần yêu nước và tình cảm thân thiết của nhân dân đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng quê hương trong 60 năm qua.
Hội thảo lần này có 36 tham luận gửi đến tham gia, nhưngx do yêu cầu của chủ đề và thời gian nhận bài hội thảo, nên chỉ chọn được 29 tham luận, sau khi Ban Biên tập thống nhất về những nội dung cần chỉnh sửa của các tác giả để in vào Kỷ yếu hội thảo.
Nội dung hội thảo được chia làm 3 phần:
1. Hà Nội – Huế – Sài Gòn với sứ mệnh dân tộc trong quá trình lịch sử, có 15 tham luận.
2. Mối quan hệ Hà Nội – Huế – Sài Gòn trong quá trình lịch sử, có 8 tham luận.
3. Những giá trị đặc trưng của ba Đô thị Văn hiến Hà Nội – Huế – Sài Gòn, có 6 tham luận.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Trong suốt 60 năm qua, Hà Nội – Huế – Sài Gòn càng gắn bó keo sơn, tình nghĩa nhưng nếu nhìn xa hơn, chúng ta thấy quan hệ giữa Thăng Long với Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế đã hơn 700 năm và giữa Phú – Xuân – Huế với Sài Gòn – Gia Định cũng hơn 320 năm. Với bề dày lịch sử của 3 trung tâm chính trị, văn hóa từng giữ vị trí hàng đầu của đất nước gắn bó trong một chỉnh thể thống nhất là “cây một cội là con một nhà” có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận và thực thực tiễn, không những là xu thế khách quan của lịch sử mà còn là tình cảm chính đáng của nhân dân 3 miền, là sức sống mãnh liệt của dân tộc, trở thành động lực phát triển đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu khai mạc hội thảo
PGS.TS Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Không có Phú Xuân- Huế sẽ không có Đồng Nai- Gia Định- Sài Gòn thế kỷ XVII-XVIII, nhưng nếu không có trục kết nối và ly tâm của Thăng Long từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII sẽ không có Phú Xuân- Huế thế kỷ XVII- XVIII. Như vậy, mối quan hệ giữa ba trung tâm Hà Nội- Huế- Sài Gòn hình thành từ thời Trần đầu thế kỷ XIV, xác lập vào thời chúa Nguyễn thế kỷ XVII – XVIII, phát triển từ thế kỷ XIX, khi Huế là Kinh đô của cả nước và trong quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước trong hơn thế kỷ qua. Đó là dòng chảy xuyên suốt của lịch sử Hà Nội- Huế- Sài Gòn liên quan đến sinh mệnh dân tộc.
PGS. TS Đỗ Bang – Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên Huế
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, có nhận xét về sứ mệnh lịch sử của ba đô thị văn hiến: “Trong tiến trình lịch sử Việt Nam tính từ Vương triều Lý cho đến Vương triều Nguyễn, bên cạnh Thăng Long – Hà Nội, Huế và Sài Gòn đều là những trụ cột quyết định thành công trong mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn mở cõi, định cõi, thống nhất đất nước, thống nhất quốc gia dân tộc”.
Hội thảo đã lắng nghe 7 tham luận của các nhà khoa học:
– “Thăng Long – Hà Nội: Không gian hội tụ và lan tỏa” của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc.
– “Huế – đô thị lịch sử văn hóa đặc trưng của Việt Nam” của TS. Phan Tiến Dũng.
– “Huế trong dòng chảy lịch sử dân tộc và mối tương quan: Huế- Hà Nội – Sài Gòn” của TS. Phan Thanh Hải.
– “Kinh đô Thăng Long – Thủ đô Hà Nội trong tiến trình lịch sử Việt Nam” của TS. Nguyễn Văn Sơn, ThS. Đỗ Đức Tuệ.
– “Gia Định kinh cuối thế kỷ XVIII” của PGS.TS Trần Thị Mai.
– “Giáo dục đại học ở Hà Nội – Huế – Sài Gòn trong thống nhất đất nước” của PGS.TS Ngô Văn Hà.
– “Giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa ba đô thị văn hiến: Hà Nội – Huế – Sài Gòn, lịch sử và hiện tại” của PGS.TS Lê Bá Trình.
Mối quan hệ Hà Nội- Huế -Sài Gòn trong lịch sử vừa là mối quan hệ sinh thành, hỗ trợ, tương tác mang tính đạo lý và lợi ích sống còn; vừa là quan hệ đẳng cấp quyền lực. Mối quan hệ đẳng cấp quyền lực tuy có xung đột, mâu thuẫn trong cấp lãnh đạo, chỉ huy, nhưng chỉ nhất thời khi đất nước chia cắt thế kỷ XVII-XVIII giữa Thăng Long- Phú Xuân và 1954-1975 giữa Sài Gòn- Hà Nội. Bản chất vấn đề là Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một, vì do cùng một cội nguồn lịch sử và cùng một sứ mệnh lịch sử trong đó có sứ mệnh đấu tranh thống nhất đất nước. Nghiên cứu về chủ đề này, TS Phan Thanh Hải, trong bài Huế trong dòng chảy lịch sử dân tộc và mối tương quan: Huế- Hà Nội- Sài Gòn đã có ý kiến: “Từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ, trong suốt 1.000 năm qua, văn minh Việt đã không ngừng được chuyển tải mạnh mẽ về phương Nam thông qua trung tâm Phú Xuân-Huế để rồi sau đó hình thành một trung tâm khác ở Nam Bộ, đó là Sài Gòn-Gia Định. Bởi vậy, trong nghìn năm phát triển của Thăng Long-Hà Nội và của đất nước, Huế đã đóng góp một phần rất quan trọng. Đánh giá đúng điều này sẽ giúp cho việc nhìn nhận lịch sử phát triển của dân tộc khách quan và công bằng hơn”.
Trong lịch dân tộc, có nhiều gia đình gắn bó sự nghiệp với ba trung tâm đại diện cho ba miền đất nước là Hà Nội – Huế – Sài Gòn, nhưng có lẽ tiêu biểu nhất là gia đình danh tướng Nguyễn Tri Phương dưới Triều Nguyễn, tìm hiểu về Gia đình “toàn gia” yêu nước Nguyễn Tri Phương: chiến đấu và hy sinh để bảo vệ, gắn kết ba trung tâm Huế – Sài Gòn – Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng và Nguyễn Anh Tuấn, có đánh giá: “Một nhà ba người cùng nguyện đi đánh Pháp cứu nước và cùng hy sinh dũng cảm. Anh em, cha con Nguyễn Tri Phương thực là những người tận trung với nước và còn dũng khí tuyệt vời. Anh em, cha con đó đáng được lưu truyền muôn thuở”.
Trong dòng chảy lịch sử của 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, hơn 710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế và hơn 320 năm Sài Gòn – Gia Định, các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, phát triển đô thị của 3 địa phương mang tính tính quốc gia và quốc tế; mỗi một di sản, một sự kiện lịch sử của mỗi địa phương đều mang ý nghĩa đặc biệt trong sự giao thoa, tương hỗ, kế thừa của hành trình mở cõi và giữ nước của dân tộc ta.
Toàn cảnh Hội thảo
NGUYỄN TẤT THẮNG – ANH TUẤN
Theo TCĐNA