Những năm gần đây, Hà Nam đã nổi lên như một địa chỉ “vàng” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn: Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam nửa đầu năm 2019 của CBRE
Hà Nam tạo hấp lực mạnh mẽ với nhà đầu tư
Theo CBRE, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, nguồn vốn đầu tư và các hiệp định thương mại tự do mới đã mang lại ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam. Trong đó, Việt Nam thu hút bởi đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định, và là một trong những quốc gia có tỉ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
So với các quốc gia lân cận như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam có chi phí xây dựng nhà xưởng ở mức thấp nhất, khoảng 600 USD/m2 (Ấn Độ là 700 USD/m2, Indonesia và Trung Quốc 900 USD/m2, Malaysia 1200 USD/m2).
Nằm trong bức tranh chung về sức hút đối với các nhà đầu tư, Hà Nam còn có nhiều lợi thế hơn hẳn khi địa phương này có mặt bằng chi phí thấp hơn nhiều so với Hà Nội, TP. HCM. Việc Hà Nam được Yokowo (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản chuyên gia công lắp ráp và sản xuất thiết bị liên lạc trên xe có động cơ) và nhiều công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc khác là điều dễ hiểu.
Riêng trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 82 doanh nghiệp Nhật Bản và 108 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại đây. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư hiệu quả như Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi, Công ty TNHH NMS…
Nhiều nhà đầu tư chia sẻ sở dĩ họ chọn Hà Nam để đầu tư vì tỉnh có vị trí địa lý gần thủ đô Hà Nội, gần cảng Hải Phòng, giao thông kết nối với các tỉnh trong khu vực rất thuận tiện. Hơn nữa, tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như: có quỹ đất công nghiệp sạch, nguồn lao động dồi dào, có tay nghề; công tác an ninh trật tự được bảo đảm; các Khu công nghiệp được xây dựng với hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện, nước sạch, trạm xử lý nước thải tương đối đồng bộ…
Bên cạnh đó, hiện nay, các khu công nghiệp Hà Nam được đầu tư khá đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu phát triển dài hạn cho các doanh nghiệp.
Những năm gần đây, Hà Nam được ghi nhận là ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Chỉ tính từ năm 2016 đến tháng 9/2019, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 170 dự án, trong đó 68% là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chỉ tính 8 tháng đầu năm 2019, Hà Nam thu hút đầu tư được 66 dự án và điều chỉnh vốn 38 dự án. Tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 304,2 triệu USD và 8014,1 tỷ đồng.
Hạ tầng giao thông tại Khu công nghiệp Đồng Văn II
Sức hút từ sự cam kết
Trao đổi nhân chuyến kiểm tra trực tiếp tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, bà Lê Thị Thủy, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam cho biết, Hà Nam sẽ tận dụng tối đa các lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất cũng như tiềm năng phát triển công nghiệp trong khu vực để làm động lực phát triển kinh tế địa phương. Chính vì thế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà chính quyền sẽ ưu tiên và tăng cường giám sát trong thời gian tới là quy hoạch phát triển các khu công nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, phải kể đến như các vấn đề về môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống xử lý rác thải, tiêu thoát nước, an ninh….
Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ trong Khu công nghiệp, nhất là chất lượng cung cấp điện, nước, hạ tầng giao thông; tạo phong cách làm việc chuyên nghiệp, năng động để thu hút đầu tư hiệu quả vào Khu công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển”.
Theo số liệu tính đến tháng 9/2019, Hà Nam hiện có 6/8 khu công nghiệp đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế, với diện tích gần 1.600 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp gần 1.100 ha. Về cơ bản, việc cung cấp các dịch vụ điện, nước, viễn thông đã đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu của nhà đầu tư; chất lượng ngày càng được nâng cao. Công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các khu công nghiệp được duy trì, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của doanh nghiệp. Các dịch vụ tiện ích như nhà ở, siêu thị, dịch vụ vận tải đưa đón công nhân cũng được cải thiện đáng kể… Hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, bảo vệ, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong các khu công nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, chú trọng phát triển hạ tầng cơ sở, các chính sách thu hút đầu tư của Hà Nam được thực hiện khá đồng bộ, đặc biệt là sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp chính quyền. Một số cam kết mà tỉnh đã “nói được, làm được” như Cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho doanh nghiệp; Thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày; Cung cấp các thủ tục hành chính, thủ tục thuế ứng dụng trên nền tảng điện tử mang lại sự thuận lợi, chính xác; Đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp gồm: cấp điện, cấp nước, viễn thông, thu gom và xử lý nước thải, chất thải cho các doanh nghiệp; Đảm bảo an ninh trật tự…
Ngoài các yếu tố quan trọng để nhà đầu tư yên tâm sản xuất, thành công trong thu hút FDI của Hà Nam còn đến từ chính sách nhất quán và chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Một yếu tố quan trọng nữa là “bộ lọc” ngay từ đầu vào để lựa chọn đúng đối tượng phù hợp với chủ trương thu hút FDI của tỉnh.
Có thể nói, giờ đây, các doanh nghiệp FDI là một nhân tố quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế của Hà Nam.
Minh Khuê