Ủy ban an toàn Hà Lan chiều ngày 13/10 đã công bố báo cáo cuối cùng, chính thức xác nhận vụ rơi máy bay MH17 là bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất, theo The Guardian.
Ông Tjibbe Joustra, Chủ tịch Ủy ban an toàn Hà Lan (DSB) chiều ngày 13.10 tại căn cứ không quân Gilze-Rijen (Hà Lan) công bố báo cáo cuối cùng, chính thức xác nhận tên lửa Buk đã bắn hạ máy bay MH17 – Ảnh: Reuters
Ông Tjibbe Joustra, Chủ tịch Ủy ban an toàn Hà Lan (DSB), chiều ngày 13/10 đã chính thức công bố báo cáo cuối cùng của nhóm điều tra viên quốc tế về thảm họa rơi máy bay Boeing 777-400, chuyến bay số hiệu MH17, của hãng Malaysia Airlines hồi tháng 7/2014. Ông Tjibbe Joustra tuyên bố rằng một tên lửa đất đối không Buk đã bắn hạ chiếc máy bay này.
Theo Chủ tịch DSB, tên lửa Buk nói trên, do Nga sản xuất, được phóng ra từ một khu vực rộng 320 km2, và các mảnh vỡ của chiếc Boeing 777 này sau đó phân tán trong khu vực có diện tích khoảng 50 km2.
Chủ tịch DSB sau đó đã giới thiệu một đoạn video, mô phỏng những khoảnh khắc cuối cùng của chiếc Boeing 777 gặp nạn. Trong đoạn video này có sự xuất hiện của 3 chiếc máy bay khác cũng bay tại khu vực xảy ra vụ việc khi MH17 bị bắn hạ bằng tên lửa Buk.
Theo ông Joustra, ba thành viên tổ lái trong buồng lái thiệt mạng ngay khi máy bay trúng tên lửa Buk. Đầu đạn 9n314m của tên lửa Buk nổ bên ngoài máy bay, phía bên trái buồng lái. Những vật thể “năng lượng cao” được tìm thấy trên thi thể các thành viên trong khoang, The Guardian dẫn lời ông Joustra cho hay một số có vệt màu giống với đầu đạn tên lửa Buk. Quá trình điều tra cũng loại bỏ giả thuyết có bom trên máy bay hoặc máy bay bị tấn công bằng tên lửa không đối không, bị trúng thiên thạch.
Hành khách trên máy bay nếu không chết vì tên lửa thì cũng thiệt mạng do khoang máy bay vỡ, áp suất giảm đột ngột và thiếu ô xy khi đang ở độ cao trên 9.000 m, theo báo cáo.
Quá trình thu hồi mảnh vỡ là một “quá trình phức tạp”. Một số mảnh vỡ vừa mới được tìm thấy cách đây chỉ hai tuần, ông Joustra cho biết. Theo ông Joustra, quá trình dựng lại máy bay giúp xác nhận kết quả điều tra nói trên.
Chủ tịch DSB cho rằng Ukraine lẽ ra nên đóng cửa không phận nhưng giới chức nước này đã không làm điều đó. Ông cho biết, sau khi thảm họa MH17 xảy ra, vẫn có 160 chuyến bay bay ngang khu vực miền đông Ukraine vì họ không nghĩ gì về mối đe dọa có thể xảy ra đối với hoạt động hàng không dân sự qua khu vực này.
Chiếc máy bay Boeing 777-400 (chuyến bay số hiệu MH17) của hãng hàng không Malaysia Airlines khởi hành từ thành phố Amsterdam (Hà Lan) bay về Kuala Lumpur (Malaysia) vào ngày 17/7/2014. Tất cả 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng khi máy bay bị bắn hạ ở khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, theo AFP. Chính quyền Ukraine và phương Tây tố cáo Nga và phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đứng sau vụ bắn hạ MH17. Trong khi đó, Moscow và phe ly khai bác bỏ cáo buộc này, tố cáo quân đội Ukraine mới là thủ phạm.
Ngọc Mai
Theo Thanh niên Online