Seatimes – (ĐNA)Tối 28/10/2023, tại thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 và khai mạc Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 9 năm 2023. Đây là những là sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật, nhằm tôn vinh, quảng bá giá trị di sản, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Dự buổi lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang; đại diện mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; các đoàn khách quốc tế; các công ty du lịch, lữ hành.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, ngày 03/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và là công viên thứ hai tại khu vực Đông Nam Á.
Sau hơn 13 năm phát triển, được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất, văn hóa; phát triển du lịch bền vững phù hợp với chủ trương, quy hoạch, định hướng của Đảng, Nhà nước và tiêu chí của mạng lưới công viên địa chất; tạo sinh kế đa dạng, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Theo Chủ tịch tỉnh Hà Giang, từ một miền đá khó khăn trập trùng, ít được biết đến, Cao nguyên đá Đồng Văn đã khởi sắc, phát triển, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế. Các điểm di sản, giá trị văn hóa được xây dựng trở thành các sản phẩm, điểm du lịch đa dạng, độc đáo, điển hình như: Cột cờ Lũng Cú, di tích Nhà Vương, phố Cổ Đồng Văn, hẻm Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng, Lễ hội khèn Mông, Chợ phong lưu Khâu Vai; Làng văn hóa dân tộc Nặm Đăm, Pả Vi, Lô Lô Chải; Khu nghỉ dưỡng Làng Mông – Quản Bạ, Papiu – Bắc Mê…và nhiều sản phẩm ẩm thực, nông sản tự nhiên, đặc trưng, hấp dẫn.
Lượng khách đến với Hà Giang từ 2.000 lượt khách vào năm 2010 đã tăng lên nhanh chóng, đạt mốc 2,2 triệu lượt vào năm 2022 và dự kiến cả năm 2023 sẽ đạt trên 3 triệu lượt khách. Du lịch phát triển theo hướng bền vững đã và đang tạo nguồn sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, làm thay đổi rõ nét cuộc sống nơi cao nguyên đá.
Mới đây, đầu tháng 9 năm 2023, Hội đồng mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Hội nghị quốc tế lần thứ 10 tổ chức ở Ma-rốc, đã đánh giá cao và tiếp tục công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3; đồng thời ngày 6/9/2023, Hà Giang vinh dự được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao giải Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á. “Đây là những mốc son đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng và bền vững của du lịch Hà Giang” – đồng chí Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, Việt Nam hiện có 57 danh hiệu UNESCO gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu… Hầu hết các địa phương có di sản đã được UNESCO đánh giá cao trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị di sản, để di sản thực sự là tài sản đóng góp quan trọng trong công tác phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Việc thúc đẩy mô hình phát triển xanh, sạch và bền vững thông qua các Công viên địa chất toàn cầu ở Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông… đặc biệt là tại Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang là hướng đi phù hợp với định hướng chiến lược phát triển văn hóa và phát triển du lịch của đất nước.
Đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn để xây dựng Hà Giang ngày càng giàu đẹp văn minh, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, Hà Giang trước đây là một trong những tỉnh khó khăn nhất của cả nước, song với sự nỗ lực cố gắng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã đoàn kết, biến khó khăn thành lợi thế phát triển mở ra hướng đi mới, lựa chọn bảo tồn các giá trị di sản văn hóa và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển bền vững.
Đặc biệt kể từ sau khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào năm 2010, diện mạo Hà Giang nói chung, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng đã khởi sắc, các di sản văn hóa, di sản địa chất, đa dạng sinh học được bảo tồn phát huy; đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Sau 3 kỳ tái đánh giá của UNESCO, Hà Giang vẫn giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, điều này khẳng định sự nỗ lực của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong thực hiện các cam kết UNESCO về bảo tồn và phát triển Công viên địa chất. Năm 2023, tỉnh Hà Giang đã vinh dự được đón nhận nhiều đánh giá của du khách và các hãng truyền thông, đặc biệt được tổ chức du lịch thế giới trao giải thưởng “Điểm đến mới nổi hàng đầu Châu Á”. Đây là cơ hội để Hà Giang khẳng định thương hiệu du lịch của mình.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Hà Giang cần chủ động, tích cực, quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế du lịch dựa trên sự đa dạng phong phú mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang.
Hà Giang cần tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn; cần có cơ chế, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư hợp lý, kết hợp hài hòa giữ bảo tồn và phát huy, giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn qua các kỳ tái đánh giá. Hoàn thành các tiêu chí và khuyến nghị của các chuyên gia và tổ chức Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN).
Để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Hà Giang cần nâng cao năng lực quản lý chủ động, hiệu quả, sáng tạo; tiếp tục đổi mới và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư gắn với đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết nguồn nhân lực tại chỗ nhằm giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời tham gia đầy đủ các hoạt động của Mạng lưới toàn cầu cũng như các hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất Châu Á – Thái Bình Dương, Tiểu ban Công viên địa chất Việt Nam góp phần trong việc tôn vinh các giá trị di sản của Việt Nam và thế giới.
Tại buổi lễ, các đại biểu và du khách đã thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, giới thiệu sinh động lịch sử phát triển địa chất 500 triệu năm, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, vẻ đẹp thuần khiết của loài hoa tam giác mạch, tinh hoa văn hóa truyền thống; đặc biệt thể hiện tấm lòng tri ân, mến khách của đồng bào các dân tộc Hà Giang; thể hiện tầm nhìn, cam kết và trách nhiệm của tỉnh Hà Giang trong gìn giữ, phát huy giá trị di sản, lịch sử, văn hóa; tạo nền tảng vững chắc đưa du lịch Hà Giang phát triển, trở thành điểm sáng nơi tuyến đầu Tổ quốc; góp phần tích cực nâng cao uy tín, thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Lễ đón nhận Danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 được tổ chức trong chuỗi sự kiện du lịch, văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Nổi bật là giải Marathon quốc tế Chạy trên cung đường hạnh phúc, Giải trình diễn xe mô tô mạo hiểm Tinh thần đá tổ chức vào đầu và trung tuần tháng 10/2023; mới đây là Hội nghị văn hóa tỉnh Hà Giang, Hội nghị kết nối giao thương khu vực Đông Bắc, Hội thi chè Shan – Tuyết; Lễ hội truyền thống các dân tộc; đặc biệt là Lễ hội Hoa Tam giác mạch năm 2023 – là sự kiện thường niên mang đậm dấu ấn, vẻ đẹp đặc trưng của đất và người Hà Giang.
Hoàng Hạnh