Cưới hỏi là một nghi lễ không thể thiếu tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tùy thuộc vào phong tục tập quán của mỗi nước, mỗi vùng miền mà ở đó người ta có những cách tổ chức lễ cưới khác nhau.
Chỉ nói riêng ở Việt Nam, trong tổng số 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có những cách tổ chức lễ cưới theo phong tục riêng của mình. Cưới hỏi từ lâu đã là một nét văn hóa đẹp, mang đậm bản sắc của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn vào một số đám cưới đã và đang diễn ra, người ta dù dễ tính đến mấy cũng không thể không buột ra những lời phàn nàn. Nếu đám cưới ở làng quê phía Bắc, kiểu dẫn dắt “Kính thưa các anh hai tóc đỏ/Các cháu nhỏ tóc đinh/Các chị xinh ăn chực/Các anh lực sĩ ở trần”… làm nhói lỗ tai khách khứa thì ở Miền Trung hay Miền Nam, việc MC chạy show nhiều, nói như cái máy, nhầm lẫn tên cô dâu, chú rể, tên bố mẹ hai bên trở thành chuyện bình thường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
Với các MC phía Bắc nhiệm vụ chủ yếu của họ thường là giục cô dâu chú rể trao nhẫn cưới, hò hét cổ vũ đôi uyên ương “hôn nhau” trong tiếng loa thùng ầm ĩ, tiếng vỗ tay ào ào của khách mời tới dự. Còn các MC Miền Trung, Miền Nam về phần “lễ” họ làm bài bản và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, họ vẫn có lối dẫn quá dài, lời dẫn được lặp lại nhiều lần, copy của nhau dẫn đến sự nhàm chán cho khách tham dự.
Có thể thấy rằng, MC chính là linh hồn của chương trình tiệc cưới, là người kết nối kim chủ hôn đó là một trọng trách cao cả và linh thiêng, phải là người hiểu tường tận về tục lệ văn hóa cưới xin của người Việt chứ không phải biến tiệc cưới thành sấn khấu tấu hài, nhố nhăng và nhảm nhí.
Bên cạnh đó là chương trình văn nghệ góp vui trong các đám cưới cũng đáng phải bàn. Nếu tổ chức ở nhà, tiệc cưới thường kéo dài từ trưa tới chiều, chính vì thế mà các tiết mục văn nghệ được thể hiện không ngừng nghỉ, đầy đủ cac thể loại từ dân ca, hò vè đến nhạc trẻ, nhạc rock, nhạc sàn… Những chiếc loa công suất lớn được mở ra và những giọng ca đã có hơi men cứ thế nhập cuộc, tranh giành để hát, đôi khi là chẳng cần lời giới thiệu từ phía MC, rồi tự động lên giật “micro” để tự “biên” tự “diễn” , nhiều trường hợp còn hăm dọa MC không cho hát sẽ có chuyện xảy ra,…. Vì lẽ đó, ngày trọng đại của các đôi uyên ương bây giờ rất dễ trở thành trò hỗn chiến.
Nếu các lễ cưới được tổ chức tại nhà hàng thì có phần đỡ hơn những cũng nhiều nan giải cho thực khách. Thời gian im ắng chỉ được vài chục phút đầu buổi tiệc, khi người ta mở nhạc dịu nhẹ, còn sau đó là cả một khoảng ồn ào của chương trình ca nhạc góp vui. Trong không gian vài trăm m2 kín mít, tiếng nhạc, lời ca dội vào bốn bức tường, cộng với tiếng chuyện trò, hơi nóng từ những chiếc bếp cồn nấu đồ ăn trên bàn khiến bữa tiệc trở nên ồn ào, bức bối cho người tham dự.
Ở đây cũng cần nói thêm là việc tham gia văn nghệ góp vui cho tiệc cưới là điều bình thường, nhưng cũng cần có chừng mực, đòi hỏi ý thức của người tham gia cũng như của gia đình như hát loại nhạc nào phù hợp, âm thanh ra sao… chứ đừng ngẫu hứng quá sẽ gây phản cảm giữa chỗ đông người. Ngày vui, ngày hạnh phúc của họ mà có những khách lại chọn những ca khúc không phù hợp đại loại như: “Người ấy và tôi em chọn ai”, “Áo em chưa mặc một lần”, “Xin đừng xát muối trái tim anh”, hay “Vợ người ta”… Đi đám cưới đôi khi là cơ hội gặp gỡ bà con, bạn bè, muốn tâm sự nhưng cứ bị tiếng nhạc ồn ào không thể nghe nhau nói gì nữa, chỉ ăn xong rồi về thì ít nhiều sẽ mất đi ý nghĩa của ngày vui.
Đây chỉ là một vài đơn cử trong rất nhiều đám cưới diễn ra từ nhiều năm qua mà chưa có biện pháp khắc phục bởi tâm lý của bà con đây là ngày vui, ngày quan trọng của cả đời người nên hàng xóm cả nể, khu phố cũng chỉ nhắc nhở mà thôi, điều quan trọng là ý thức của gia đình trong việc này ra sao, làm thế nào để tránh phiền hà cho mọi người xung quanh.
Trong quy định về nếp sống văn minh, từ địa phương đến trung ương đều có đề cập đến việc đến việc tiết kiệm, tránh phô trương rình rang và đảm bảo về an toàn giao thông, thế nhưng như đã nêu ở trên, không phải gia đình nào cũng thực hiện tốt. Đám cưới là việc hệ trọng của cả đời người, là ngày vui chung của hai bên gia đình. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh riêng của mỗi người mà tổ chức lớn hay nhỏ, ở tại gia đình hay nhà hàng. Điều đặt ra là ý thức của mỗi nhà, mỗi người, một mặt cần thực hiện theo đúng quy định mà Nhà nước đã ban hành, mặt khác phải có sự điều chỉnh để phù hợp với quy ước của địa phương và nhất là thể hiện tính văn hóa trong cộng đồng.
Ths. Quản Bá Chính
Theo TCĐNA