Seatimes – (ĐNA). Hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 – 28/7/2025) và hưởng ứng các phiên “Đối thoại Quan chức cao cấp SOM ASEAN – Anh và SOM ASEAN – New Zealand”; chiều nay (9/4/2025), đã diễn ra phiên khai mạc sự kiện “Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025”, do Uỷ ban Nhân dân, Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng chủ trì, phối hợp cùng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao); Cơ quan Ngoại giao tại Việt Nam của các quốc gia ASEAN tổ chức.
“Gặp gỡ ASEAN 2025”, được kỳ vọng sẽ tăng cường, thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương, tổ chức trong khu vực Đông Nam Á, mở rộng hợp tác Đà Nẵng – ASEAN trên nhiều lĩnh vực tiềm năng.

“Hội nghị diễn ra vào thời điểm vô cùng ý nghĩa. Năm 2025 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Chỉ trong 50 năm hoà bình, 30 năm hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với Đà Nẵng là động lực, trọng điểm của khu vực và cả nước.
Thành phố hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi “riêng có” để phát triển thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế quan trọng giữa Việt Nam và các nước ASEAN cũng như các nước đối tác. Đó là, vị trí địa lý thuận lợi, dễ dàng tiếp cận và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn khu vực.
Thành phố có cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, có khu vực biên giới biển, biên giới đường bộ, là cửa ngõ phía Đông mở ra Thái Bình Dương của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư”- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao , ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ sự kiện, với mong muốn chia sẻ những khó khăn cùng Mynamar về thiệt hại sau trận động đất vào ngày 28/3 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã trao tặng số tiền là 10.000 USD, ủng hộ khắc phục hậu quả động đất đến Đại biện lâm thời Myanmar tại Việt Nam.
Tăng cường hơn nữa, hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác trong Cộng đồng ASEAN
Phát biểu tại “Hội nghị Gặp gỡ ASEAN 2025”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, trải qua ba thập kỷ đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố sự gắn kết và phát triển của Cộng đồng ASEAN. Quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự tin cậy chính trị ngày càng được tăng cường, hợp tác kinh tế – xã hội không ngừng mở rộng và kết nối khu vực ngày càng sâu sắc hơn.
Trong bối cảnh đó, các địa phương của Việt Nam, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng, có nhiều cơ hội thuận lợi để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đối tác ASEAN. Được định vị là cực tăng trưởng và cực hội nhập quốc tế của khu vực miền Trung Việt Nam, với hệ thống hạ tầng hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn, Đà Nẵng không chỉ là cửa ngõ giao thương chiến lược mà còn là điểm đến của các sự kiện toàn cầu, nơi kết nối các dòng chảy kinh tế, văn hóa và tri thức trong khu vực.
Trên bình diện song phương, lũy kế đến hiện tại Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 50 địa phương trên thế giới, trong đó có 9 địa phương của các nước thành viên ASEAN gồm Lào, Campuchia và Thái Lan. Hiện nay, thành phố đang hướng đến xúc tiến thiết lập quan hệ với Malacca, Penang của Malaysia và Denpasar của Indonesia.

Đà Nẵng cũng đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ với các đối tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục và phát triển đô thị bền vững. Về quan hệ thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đà Nẵng và ASEAN liên tục tăng trưởng, trong đó các mặt hàng chủ lực gồm dệt may, nguyên liệu và linh kiện điện tử.
Đà Nẵng hiện là điểm thu hút đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp ASEAN, đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản, công nghiệp sản xuất, thương mại và giáo dục. Hiện tại, Singapore dẫn đầu về số dự án FDI tại Đà Nẵng với 31 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 838,6 triệu USD; Malaysia với 18 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 222 triệu USD; Thái Lan với 15 dự án với tổng vốn gần 65 triệu USD và Philippines với 8 dự án có tổng vốn là 11 triệu USD”.
Phiên làm việc chiều ngày 9/4 với chủ đề “Cơ hội tăng cường hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác ASEAN” – một hoạt động trọng tâm của “Hội nghị Gặp gỡ ASEAN 2025 tại Đà Nẵng”, bao gồm các phiên thảo luận, với mục đích tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch giữa Đà Nẵng và đối tác thuộc khu vực ASEAN.
Nhằm mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư giữa Đà Nẵng và các đối tác ASEAN, thành phố Đà Nẵng đã gợi mở, giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Trung tâm Tài chính Đà Nẵng.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, “Đà Nẵng nằm ở trung tâm của Việt Nam, là cửa ngõ ra biển Đông của Hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối trực tiếp Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar và trong lương lai là toàn khối ASEAN. Với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ gồm cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, đường bộ và đường sắt hiện đại – Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm kết nối logistics và giao thương trong khu vực.
Nhiều năm qua, Đà Nẵng luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và bền vững tại Việt Nam. Đặc biệt Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ đã cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, trong đó có các ưu đãi về thuế doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, phí thuê đất…

Đà Nẵng còn là địa phương đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ cho phép thí điểm triển khai Đề án Khu Thương mại tự do gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Bộ Chính trị, Chính phủ cũng thống nhất chủ trương thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, theo đó, thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP. Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng xác định các lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư bao gồm: công nghệ cao, công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn, logistics, y tế chất lượng cao, du lịch – nghỉ dưỡng, giáo dục quốc tế, đô thị thông minh và năng lượng sạch. Thành phố đặc biệt coi trọng hợp tác với các đối tác trong ASEAN – không chỉ về thương mại – đầu tư, mà còn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, môi trường và phát triển bền vững.
Đà Nẵng sẵn sàng trở thành một mắt xích năng động trong chuỗi giá trị khu vực ASEAN. Chính quyền thành phố cam kết luôn lắng nghe – đồng hành – hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động đầu tư, hợp tác lâu dài, hiệu quả và bền vững”.
8/10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có đường bay trực tiếp kết nối với Đà Nẵng
Lĩnh vực du lịch được xem là xu hướng hợp tác và giải pháp thúc đẩy du lịch nhằm kết nối Đà Nẵng và các điểm đến trong khu vực.Ban tổ chức đã dành riêng một phiên thảo luận chuyên đề “Hợp tác xúc tiến Du lịch ASEAN-Đà Nẵng” với Điều phối của phiên là ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.

Về du lịch, ASEAN là một trong những thị trường quan trọng, một số nước nằm trong top 10 thị phần khách quốc tế đến Đà Nẵng. Hiện nay, thành phố đã mở đường bay trực tiếp kết nối với 8/10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Campuchia, Lào, Indonesia và Myanmar.
Trong đó, gần đây nhất, sân bay quốc tế Đà Nẵng đã đón chuyến bay từ Yangon (Myanmar) của Hãng hàng không Myanmar Airways International. Đường bay Yangon – Đà Nẵng do Myanmar Airways International khai thác sẽ có tần suất 2 chuyến mỗi tuần vào thứ Tư và thứ Bảy.
Tại Hội nghị, đã diễn ra nghi thức ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch các nước Malaysia và Philippines với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, các bên thống nhất sẽ có các hoạt động triển khai hỗ trợ xúc tiến du lịch lẫn nhau.

Kéo dài từ ngày 9/4/2025 đến ngày 11/4/2025, ngoài chương trình nghị sự, sự kiện còn có nhiều hoạt động đồng hành: Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp và làm việc song phương Đại sứ Malaysia, Thái Lan, và Đại biện lâm thời Myanmar, các tổ chức, doanh nghiệp ASEAN. Triển lãm ảnh đối ngoại Đà Nẵng – ASEAN và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch Đà Nẵng ; Chương trình giao lưu nghệ thuật các quốc gia ASEAN. Đặc biệt các đại biểu sẽ tham quan thực địa tại Khu Du lịch Bà Nà, Cảng Tiên Sa, Cảng Liên Chiểu và Khu Công nghệ cao.

Trong những năm qua, Đà Nẵng ngày càng mở rộng hợp tác với các nước ASEAN trên khía cạnh thương mại, đầu tư, du lịch và quan hệ địa phương, đặc biệt với các đối tác Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 9 địa phương trong khu vực ASEAN, chủ yếu với các địa phương của Lào, Campuchia và Thái Lan.
Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đà Nẵng và ASEAN không ngừng tăng lên, với các mặt hàng chủ lực như dệt may, nguyên liệu và linh kiện điện tử. Ngoài các lĩnh vực kể trên, Đà Nẵng cùng ASEAN đang thể hiện tiềm năng hợp tác trên lĩnh vực công nghệ thông tin, logistics, tài chính, năng lượng và đặc biệt là giáo dục.
Từ năm 2023, trong khuôn khổ Hội thảo CITA 2023 – XII; trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã đề xuất, khởi xướng diễn đàn Kết nối và Phát triển “ASEAN Consortium for Innovation and Research”, viết tắt là ACIR. ACIR lần đầu tiên đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng – Việt Nam (do VKU-Đại học Đà Nẵng đăng cai), kết nối mạng lưới cộng đồng lãnh đạo, học giả các trường đại học Đông Nam Á, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học. ACIR cũng sẽ là sự kiện thường niên của các cơ sở giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á.
“Đà Nẵng là địa phương tiên phong ban hành Đề án Hội nhập và Hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, cùng với việc triển khai các cơ chế chính sách đặc thù và ưu đãi mà Trung ương giao phó, Đà Nẵng đang hướng tới mục tiêu xây dựng một khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực, cùng nhiều lĩnh vực chiến lược như phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,…
Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy kết nối với các địa phương trong ASEAN không chỉ là bước đi phù hợp với định hướng chiến lược của thành phố mà còn góp phần làm sâu sắc hơn vai trò của Đà Nẵng trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.
![]() |
![]() |
Cộng đồng ASEAN đang đứng trước cả những cơ hội bứt phá lẫn thách thức lớn. Ảnh chụp tại sự kiện “Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025”. Ảnh: T.Ngọc
Trước sự chuyển động nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đang đứng trước cả những cơ hội bứt phá lẫn thách thức lớn. Để cùng nhau phát triển bền vững, thông qua Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng lần này, chúng tôi mong muốn xây dựng một hệ sinh thái hợp tác sâu rộng với các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp trong khu vực, dựa trên niềm tin vững chắc, lợi ích hài hòa và tầm nhìn dài hạn.
Chúng tôi tin rằng, thông qua giới thiệu tiềm năng hợp tác trên những lĩnh vực thành phố Đà Nẵng đang ưu tiên và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Đà Nẵng và các đối tác ASEAN có thể cùng nhau tạo nên những giá trị mới, thúc đẩy sự gắn kết và thịnh vượng chung của toàn khu vực trong giai đoạn phát triển mới” – Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phân tích.

Ngài Dato‘Sri Amran Mohamed Zin – Tổng Thư ký , Bộ Ngoại giao Malaysia nhìn nhận: “Đà Nẵng, với vị trí chiến lược, nền kinh tế năng động và con người năng động, có vị thế độc đáo để thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn với các nước láng giềng ASEAN. Tôi tin tưởng rằng nền tảng này sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho các quan hệ đối tác mới, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, thương mại, tăng trưởng xanh, giáo dục và đổi mới sáng tạo.
Đối với Malaysia, chúng tôi thấy tiềm năng to lớn trong việc tăng cường mối liên kết cấp tiểu bang và thành phố với Đà Nẵng, và chúng tôi mong muốn khám phá các con đường hợp tác chặt chẽ hơn”.
“Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025” là sự kiện thiết thực, thể hiện vai trò thành viên của Việt Nam trong ASEAN với sự chủ động, sáng tạo và hiệu quả, đóng góp nhiều hơn nữa cho Cộng đồng ASEAN. ASEAN được xác định là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Đỗ Hùng Việt, chia sẻ./.
Trần Ngọc