Quang cảnh buổi tập huấn
Từ năm 2010, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã tham gia vào tiến trình đàm phán song phương với Liên minh Châu Âu (EU) để ký kết VPA/FLEGT. Hiệp định này dự kiến sẽ được ký kết và triển khai thực hiện từ tháng 10/2014.
Khóa tập huấn nhằm giúp các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) cùng các thành viên mạng lưới có thêm thông tin, kiến thức về các vấn đề liên quan đến chương trình hành động FLEGT. Đồng thời, hướng dẫn giám sát cộng đồng cho các tổ chức XHDS trong chương trình này.
Nhiều khái niệm về sản phẩm gỗ hợp pháp – khái niệm quan trọng của dự án đã được đưa ra các tổ chức XHDS được hiểu rõ. Như việc kiểm soát chuỗi cung (nguồn gốc gỗ từ nơi khai thác đến điểm xuất khẩu); xác minh; cấp giấy phép; kiểm toán độc lập; giám sát độc lập bởi bên thứ 3…
Dự án “Tăng cường sự tham gia của Mạng lưới các Tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ở khu vực miền Trung trong tiến trình đàm phán và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT” được tài trợ bởi EU và Tổ chức ICCO (Hà Lan), chính thức triển khai thực hiện các hoạt động dự án từ 1-4-2014 và hoạt động trong 3 năm (2014 – 2017) tại 4 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp chế biến gỗ, các cơ quan ban ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp… để đóng góp tích cực vào tiến trình đàm phán và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT.
Đồng thời, cung cấp thông tin cho quá trình điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp lý về quản lý lâm nghiệp của nhà nước để thực hiện tốt các nguyên tắc cũng như yêu cầu của Hiệp định này.
Kế hoạch hành động FLEGT được khởi xướng từ năm 2003 bao gồm chương trình các hoạt động của EU để đối phó với vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp và hoạt động buôn bán các sản phẩm gỗ liên quan. Điểm mấu chốt của kế hoạch này là việc đàm phán Hiệp định Thương mại song phương với các quốc gia xuất khẩu gỗ vào EU. Hiện có 15 quốc gia xuất khẩu gỗ vào EU đã đàm phán và ký kết. Lý do cần Hiệp định VPA/FLEGT bắt nguồn từ vấn nạn của việc khai thác, mua bán gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp như: suy thoái rừng dẫn đến mất các cơ hội kinh tế và thương mại trong tương lai; mất đa dạng sinh học dẫn đến phát thải CO2; uy tín thương mại bị ảnh hưởng; làm xói mòn các quy định của pháp luật; những nhà kinh doanh có trách nhiệm gặp khó khăn trong cạnh tranh… |