Hễ có dịp trò chuyện với tôi, anh lại say sưa chủ đề Phật pháp hay chuyện “công quả” chốn thiền môn. Người nhìn hiền lành và có “căn duyên” như thế, ít ai ngờ lại rất mạnh mẽ, quyết liệt khi thực hiện nhiệm vụ..
Không chỉ làm tốt công việc của một chiến sỹ Cảnh sát giao thông (CSGT), Thiếu tá Trần Phong (Đội 6, Phòng PC67, Công an TP Hà Nội) còn được biết đến bởi thành tích trong đấu tranh trấn áp tội phạm hình sự. Người đi đường đã không ít lần được “mãn nhãn” khi xem những “pha” đánh bắt tội phạm điêu luyện chẳng kém Cảnh sát hình sự của anh. Nhiều tên cướp giật, côn đồ hung hãn đã “gãy cánh” trên phố bởi chiến sỹ CSGT này.
Trận đánh trên phố
Sinh ra tại thành phố Nam Định trong một gia đình truyền thống, có bố và bác ruột là sỹ quan Công an trong kháng chiến chống Mỹ, ngay từ nhỏ, Thiếu tá Trần Phong đã nuôi một mơ ước cháy bỏng: “Lớn lên theo nghiệp bố, trở thành chiến sỹ Cảnh sát”. Không chỉ là ước ao, anh đã âm thầm “tích lũy” vốn liếng “làm Công an” cho mình ngay từ khi nhỏ. Đó là việc theo học võ thuật cổ truyền.
Anh bộc bạch: “Tôi đặt ra mục tiêu vào ngành từ rất sớm và chuẩn bị cho điều đó bằng cách đi học võ. Tôi tập luyện khá chăm chỉ với động cơ học để phục vụ công việc sau này. Rồi cũng vì đam mê ngành Công an, tôi đã có bước “tập rượt” bằng 2 vụ bắt trộm cắp xe máy ở quê khi còn là học sinh cấp 3.
Cả 2 lần tôi đều bắt gặp chúng trên đường đi học về. Dù chúng đông người, nhưng thấy cảnh trộm cắp trắng trợn, ngang nhiên quá, tôi chịu hết nổi nên lao ngay vào đánh bắt và dẫn giải chúng giao cho Công an TP Nam Định để xử lý. Tính khí hai bố con tôi khá giống nhau. Đến bây giờ dù đã về hưu nhưng mỗi khi thấy dân phố tri hô có trộm, cướp, ông vẫn hăng hái truy đuổi, bỏ ngoài tai khuyên can của bà.
Thiếu tá Trần Phong (giữa) cùng tổ công tác trong một ca trực.
Trở thành chiến sỹ Công an đúng với niềm ước nguyện của mình, tôi đã dành trọn nhiệt huyết tuổi trẻ cho công việc. Trong quá trình tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến đường, chúng tôi đã nhiều lần phát hiện và bắt giữ đối tượng cướp giật hay côn đồ gây án trên phố. Không ngờ những kiến thức võ thuật học được khi xưa lại có tác dụng đến vậy”.
Kể về lần được nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang gửi thư khen, Thiếu tá Phong nói: “Hôm đó quãng 27, 28 Tết, tôi cùng Thượng sĩ Cao Văn Tuấn (Đội 1, Phòng PC67 – Công an TP Hà Nội) đang túi bụi với công tác điều tiết, phân luồng giao thông tại khu vực ngã tư Quán Sứ – Hai Bà Trưng, vì mật độ xe cộ trên phố rất đông.
Đang làm chợt nghe thấy tiếng phụ nữ hô thất thanh: “cướp… cướp!”. Giật mình nhìn về nơi có tiếng tri hô thì thấy một đối tượng nam đang phóng xe với tốc độ rất nhanh về phía chúng tôi đứng. Phản xạ đầu tiên của cậu Tuấn là băng ra đón đầu xe và tung một đòn đá, nhưng vì đối tượng lái xe quá nhanh nên cú đá bị trượt.
Từ chốt kiểm soát, tôi liền chạy bộ đuổi theo cùng với Tuấn. Đuổi được một đoạn thì trưng dụng được một chiếc xe máy của người dân, anh em tôi quyết liệt dồn đuổi theo tên cướp. Biết vậy nên tên cướp lái xe lao như tên bắn trên phố, nhưng khoảng cách với chúng tôi mỗi lúc một ngắn lại. Đuổi đến trước cửa số nhà 78 phố Thợ Nhuộm thì tôi lái xe ép tên cướp vào vỉa hè, người dân 2 bên đường cũng đổ ra hỗ trợ. Tên cướp buộc phải dừng xe, định nhảy xuống đất chạy trốn nhưng chỉ một đòn, y đã bị chúng tôi khống chế, khóa trói và dẫn giải về trụ sở Công an phường Trần Hưng Đạo để giải quyết.
Tại đây, xác định tên cướp là Lê Trường Sơn (nhà ở phố Hàng Đậu, quận Hoàn Kiếm, đã có 3 tiền án, tiền sự). Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Thúy H. (Phú Xuyên, Hà Nội), trên đường đi làm về đến đoạn ngã tư Quán Sứ – Hai Bà Trưng chị bị Sơn điều khiển xe áp sát, thò tay giật chiếc iPhone 4s trong túi áo rồi phóng xe bỏ chạy.
Sự việc này trôi qua bình thường như bao sự việc khác diễn ra trên đường, nhất là vào những ngày cận Tết bận túi bụi nên chẳng ai nhớ. Cho đến khi lãnh đạo đơn vị báo tin có thư khen hành động dũng cảm bắt cướp, lập thành tích đột xuất của Bộ trưởng Trần Đại Quang, chúng tôi rất vui trong sự ngỡ ngàng. Tại buổi họp sơ kết một tháng ra quân trấn áp tội phạm bảo vệ an toàn dịp Tết Nguyên đán, tôi và Thượng sĩ Tuấn đã được chọn làm tấm gương tiêu biểu để Bộ trưởng tuyên dương”.
Khắc chế côn đồ
Được biết, ít lâu sau lần được Bộ trưởng và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội biểu dương, Thiếu tá Trần Phong cùng tổ công tác lại tiếp tục lập chiến công, khi làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông tại nút giao thông Hai Bà Trưng – Lê Duẩn – Nguyễn Khuyến.
Thượng úy Nguyễn Anh Tú kể: “Ca trực hôm đó gồm có anh Phong, tôi và cậu Long. Khi đang làm việc, chúng tôi phát hiện một thanh niên dáng vẻ ngổ ngáo, bặm trợn đang điều khiển xe máy Honda SH trên đường Hai Bà Trưng, đi không đúng phần đường quy định. Anh Phong ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, đối tượng liền quay đầu xe bỏ chạy, nhưng bị chúng tôi chặn lại để lập biên bản.
Đối tượng Nguyễn Sinh Quân bị tổ CSGT bắt giữ.
Trong lúc làm việc, đối tượng Nguyễn Sinh Quân đã giật giấy CMND và đăng kí xe trên tay CSGT để bỏ chạy. Thấy nghi vấn, anh em tôi liền đuổi theo. Chạy được khoảng 150m thì bị chúng tôi áp sát, Quân liền quay lại chống trả, nhưng bị anh Phong dùng võ thuật quật ngã trong chớp mắt.
Sau khi khống chế được tên Quân, chúng tôi áp giải y về trụ sở cơ quan để giải quyết. Kết quả đã xác định chiếc xe máy nói trên là tang vật của một vụ trộm cắp xảy ra trước đó, chủ xe là anh Nguyễn Đình G. (ở phường 4, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Tên Quân cùng chiếc xe tang vật đã được bàn giao cho cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ”.
Bên lề câu chuyện này, tôi được biết rằng sau khi được Công an Hà Nội trao trả lại tài sản, chủ xe đã thành tâm “úy lạo” tổ công tác 20 triệu đồng để cảm ơn về việc làm đầy trách nhiệm với người dân của họ. Thiếu tá Phong cùng anh em đã nhận và cung tiến tất cả số tiền này cho một ngôi chùa để đúc 7 pho tượng Dược sư. Anh bảo, làm thế để bày tỏ thiện tâm, đồng thời giúp người dân đến chùa có tượng để mong cầu bình an, hạnh phúc.
“Săn” giấy tờ giả
Là CSGT, nếu thỉnh thoảng mới bắt gặp một vụ sử dụng giấy tờ xe giả mạo thì cũng chẳng có gì đáng nói. Nhưng chỉ trong mấy ngày đầu tháng 8 vừa qua, Thiếu tá Trần Phong cùng đồng đội ở Đội 6, Phòng PC67 liên tục phát hiện 6 vụ sử dụng giấy phép lái xe giả và 1 vụ đối tượng sử dụng xe trộm cắp… thì đó không phải là chuyện “ăn may” ngẫu nhiên nếu không có một tinh thần trách nhiệm rất cao với công việc.
Chiều 7/8/2016, khi thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường Xuân Thủy- Trần Thái Tông, Thiếu tá Trần Phong cùng tổ công tác của Đội CSGT số 6 đã phát hiện người lái xe BKS 29X1-079.81 vi phạm Luật Giao thông nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Khi cầm giấy phép lái xe do anh Nguyễn Văn Sơn (ở Xuân Trường, Nam Định) xuất trình, Thiếu tá Phong thấy có những điểm nghi vấn, anh liền chỉ đạo tổ công tác cung cấp thông tin về đơn vị để kiểm tra.
Qua đối chiếu với dữ liệu của Bộ GTVT, xác định giấy phép lái xe này là giả mạo. Lái xe Sơn buộc phải khai nhận đã nhờ người khác “thi hộ” ở khu vực chợ Long Biên, với giá 700 nghìn đồng. Tổ công tác đã bàn giao đối tượng cho cơ quan chức năng giải quyết.
Tương tự như trường hợp trên, khi tổ công tác này dừng xe đối tượng Vũ Việt Khoa (ở Trấn Yên, Yên Bái) để kiểm tra vì lỗi không đội mũ bảo hiểm, qua xem xét giấy tờ, Thiếu tá Phong cũng phát hiện ra những điểm nghi vấn nên cho xác minh “nóng” thông qua cơ sở dữ liệu của đơn vị. Cuối cùng Khoa đã khai nhận đây là giấy phép lái xe giả được mua với giá 700 nghìn đồng.
Thiếu tá Phong nhớ mãi tình huống xử lý lái xe Nguyễn Văn Quê ở Lục Nam, Bắc Giang vi phạm giao thông. Khi bị CSGT chất vấn lý do dùng giấy phép lái xe giả mạo, Quê bộc bạch: “Em không có thời gian thi và cũng ngại nên mua cho nhanh”.
Có người sử dụng bằng lái giả hơn 10 năm sau mới bị phát hiện, đó là trường hợp lái xe Đinh Thanh Bình ở Ba Vì, Hà Nội. Hôm đó Thiếu tá Phong cùng tổ công tác dừng xe của Bình vì lỗi vượt đèn đỏ. Kiểm tra giấy tờ, Bình đưa ra một giấy phép lái xe. Quan sát kỹ, các anh thấy có những dấu hiệu không bình thường nên tổ chức xác minh ngay. Kết quả xác định giấy tờ này là giả. Đến lúc này Bình mới khai nhận đã mua bằng lái đó từ năm… 2005 để sử dụng. Cũng đã nhiều lần bị CSGT ở nhiều địa phương dừng xe kiểm tra giấy tờ, nhưng không ai phát hiện ra, bởi chúng được làm giả y như thật.
Trò chuyện với chúng tôi về những việc đã làm được trong thời gian qua, Thiếu tá Phong chia sẻ: “Chúng tôi lao động tập thể, bởi vậy mà mọi chiến công hay thành tích công tác trước hết thuộc về sự nỗ lực, đồng cam cộng khổ của tất cả anh em. Cá nhân mình chỉ là một nhân tố trong đấy, góp sức cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tôi rất thích một câu nói: “Ta ở đâu dân nơi ấy bình yên”. Hiểu được điều này, ý thức trách nhiệm trong mỗi người lính sẽ được nêu cao, trong mỗi việc làm luôn có ý thức xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sỹ CAND trong mắt người dân. Nếu mọi việc ta làm đều vì tâm hướng thiện, việc tốt sẽ đến một cách tự nhiên”.
Đào Trung Hiếu
Theo Cảnh sát toàn cầu