Seatimes (ĐNA). Bằng việc triển khai số điện thoại đường dây nóng 2 cấp (chi cục và cơ sở), từ năm 2022 đến nay, lực lượng kiểm lâm thành phố Huế đã tiếp nhận 196 đợt người dân giao nộp động vật hoang dã, cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên 246 cá thể động vật các loại. Trong đó, có 226 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm.

Những nghĩa cử đẹp giữa đời thường
Cùng với một số cán bộ Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế, phóng viên Tạp chí Đông Nam Á có mặt tại thị xã Hương Thủy vào một ngày đầu tháng 4. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Nam, một người dân trú tại tổ 9 phường Thủy Phương. Anh Nam cho biết: “Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy nhiều tin tức về việc người dân Huế giao nộp động vật hoang dã (ĐVHD) cho kiểm lâm như tê tê, rùa, khỉ… Ở địa phương, chúng tôi cũng được cán bộ kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền về việc người dân cần hưởng ứng, chung tay bảo vệ môi trường, động vật hoang dã. Bởi vậy, một ngày đầu năm 2024, khi tình cờ phát hiện 1 cá thể khỉ mốc thỉnh thoảng xuất hiện tại khu vườn nhà, tôi đã dùng bẫy để bắt lại, sau đó liên lạc ngay với cán bộ kiểm lâm qua đường dây nóng để giao nộp.”

Thời điểm đó, cá thể khỉ này bị thương nhẹ (do trước đó bị một số người khác đuổi bắt) nhưng đã được các cán bộ kiểm lâm và cán bộ thú y chăm sóc cẩn thận. Sau đó, cá thể khỉ mốc trên được đưa vào khu vực bảo tồn thiên nhiên. Được biết, khỉ mốc có tên khoa học Macaca assamensis, là động vật thuộc nhóm IIB- nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ khẩn cấp. Anh Nam cho biết, qua sự việc này, bản thân anh càng thấy sự cần thiết về trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Anh đã chia sẻ suy nghĩ đó với một số người dân tại địa phương, đặc biệt là những người mà anh biết thường xuyên đi rừng nhằm tăng thu nhập.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi gặp một người dân khác là anh Nguyễn Văn Quý (trú tại tổ dân phố Mũi Né, thị trấn Phú Lộc). Anh Quý kể lại, vào đầu tháng 2/2025, anh có công việc đi đến huyện A Lưới. Trên đường trở về, anh phát hiện một cá thể tê tê Java đang co tròn, nằm trên đường nên đã bắt và cho vào cốp xe mang về để giao nộp cho kiểm lâm. Theo anh Quý, do gia đình anh hiện sống gần Hạt kiểm lâm thị trấn Phú Lộc nên nắm bắt được những nội dung tuyên truyền về việc người dân cần có trách nhiệm chung tay bảo vệ ĐVHD. Ngay sáng hôm sau, anh đã liên hệ với đường dây nóng của hạt kiểm lâm để làm thủ tục giao nộp. “Sau khi nhận được tin báo của tôi, các anh ở hạt kiểm lâm rất nhiệt tình hướng dẫn tôi làm các thủ tục liên quan cũng như tiến hành trả cá thể tê tê về tự nhiên. Sau đó, tôi có nhận được thông báo của hạt kiểm lâm mời đến chứng kiến buổi bàn giao cá thể trên cho Vườn quốc gia Cúc Phương nhưng do bận công việc nên không tới được. Dù chỉ là một hành động nhỏ, nhưng bản thân tôi thấy rất vui. Có người hỏi tôi sao bắt được mà không bán đi lấy vài triệu, thực sự là tôi không hề bận tâm đến điều đó. Theo dõi trên trang mạng xã hội của Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế, tôi thấy có rất nhiều người dân tự giác giao nộp ĐVHD. Đây là một điều rất cần thiết và ý nghĩa để Huế gìn giữ sự đa dạng sinh học”, anh Quý trao đổi với phóng viên Tạp chí Đông Nam Á.

Chính sự thấu hiểu và ủng hộ của người dân đã giúp đội ngũ cán bộ kiểm lâm giảm áp lực, nâng cao hiệu quả công việc. Anh Lê Anh, cán bộ thanh tra pháp chế của Hạt kiểm lâm Hương Thủy cho biết: “Ngoài số điện thoại đường dây nóng 0844773030 tiếp nhận ĐVHD của chi cục, tại cơ sở, tôi dùng số điện thoại của mình làm số hotline. Tôi cung cấp số hotline thông qua các buổi tuyên truyền, những sự kiện có đông người dân tham dự. Sở dĩ như vậy là nhằm rút ngắn thời gian nhất có thể, kể từ khi nhận được thông tin phản ánh, yêu cầu tiếp nhận hoặc cứu hộ ĐVHD. Trung bình chỉ từ khoảng 15-20 phút là chúng tôi có mặt tại hiện trường sau khi nhận tin báo. Như vậy, trường hợp ĐVHD bị mắc kẹt hoặc bị thương sẽ được giải cứu hoặc sơ cứu kịp thời.”
Khi tiến hành thủ tục tiếp nhận ĐVHD tại hiện trường, cán bộ kiểm lâm tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho những người dân có mặt về các quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD. Tiếp theo, hướng dẫn người dân viết thông báo, tường trình giao nộp. Đồng thời, tiến hành xác minh ĐVHD được tiếp nhận thuộc loài nào để thông tin cho người dân được biết. ĐVHD cũng được xác định tình trạng sức khỏe để có biện pháp xử lý kịp thời. Thông thường, sau khi nhận được tin báo của người dân qua đường dây nóng thì cán bộ kiểm lâm cơ sở cũng nhanh chóng báo cho cán bộ thú y đến hiện trường. Trường hợp cán bộ thú y không tới kịp thì cán bộ kiểm lâm chụp ảnh gửi cho họ để nhận được những tư vấn chính xác về tình trạng sức khỏe của ĐVHD.
Anh Lê Anh chia sẻ, hầu hết người dân sau khi hoàn thành thủ tục giao nộp đều bày tỏ mong muốn ĐVHD sớm được trả lại môi trường và hòa nhập được với cuộc sống tự nhiên. Ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ ĐVHD của người dân trên địa bàn thị xã Hương Thủy ngày càng được nâng cao. Ngay cả tình trạng sử dụng ĐVHD làm nguyên liệu chế biến món ăn đặc sản ở các nhà hàng tại thị xã Hương Thủy gần đây đã hoàn toàn chấm dứt.

Chuyển biến tích cực về cả nhận thức và hành động
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế, ngày càng có nhiều cá nhân tự nguyện giao nộp ĐVHD thông qua đường dây nóng. Mới đây là trường hợp ông Nguyễn Xuân Sự (công tác tại ban quản lý lòng hồ Tả Trạch) giao nộp 1 cá thể tê tê Java ngày 15/2/2025; ông Hồ Văn Kha (nhân viên khu du lịch sinh thái YesHue Eco) giao nộp 1 cá thể khỉ mặt đỏ ngày 27/2/2025; ông Bạch Văn Lạc giao nộp 1 cá thể trăn gấm cho Hạt kiểm lâm Phú Lộc ngày 22/3/2025; bà Phạm Thị Minh Tiên giao nộp 1 cá thể rùa đất lớn cho Hạt kiểm lâm A Lưới ngày 31/3/2025…
Theo ông Ngô Hữu Phước, trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế: “Việc triển khai đường dây nóng của Chi cục đã được 3 năm. Khi tiếp nhận được thông tin phản ánh từ người dân, căn cứ vào địa bàn xảy ra sự việc thì cán bộ trực đường dây nóng sẽ thông báo cho lãnh đạo hạt kiểm lâm khu vực đó để kịp thời chỉ đạo nhân viên hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân giao nộp ĐVHD. Bên cạnh đó, mỗi hạt đều có đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời những thông tin liên quan đến ĐVHD. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người dân tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ ĐVHD. Đây là minh chứng cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền tích cực, sâu rộng của lực lượng kiểm lâm và một số ban, ngành liên quan. Song song với đó, các ban quản lý rừng đặc dụng, hạt kiểm lâm thường xuyên bố trí các đội bảo vệ, tuần tra thường xuyên ở trong rừng. Qua đó, kịp thời ngăn chặn nhiều hành vi xâm hại rừng. Hiệu quả nhất là việc phát hiện, tháo gỡ bẫy. Trường hợp cán bộ tuần tra phát hiện ĐVHD bị mắc bẫy thì có trách nhiệm tháo gỡ bẫy để thả thú rừng về tự nhiên, nếu ĐVHD bị thương thì phải có biện pháp cứu hộ kịp thời.”
Công tác phối hợp với các ngành, địa phương trong thực thi pháp luật và cứu hộ động vật hoang dã được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2022 đến nay, đã tiếp nhận 196 đợt người dân giao nộp động vật hoang dã, cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên 246 cá thể động vật các loại. Trong đó có 226 cá thể động vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm. Phát hiện và xử lý 100 vụ vi phạm về động vật hoang dã, phạt tiền hơn 447 triệu đồng. Thông qua hoạt động tuần tra, truy quét, tháo gỡ bẫy tại rừng từ năm 2022 đến nay đã kịp thời phát hiện và tháo gỡ hơn 21.760 bẫy các loại. Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 137 đợt ra quân xử lý tình trạng bẫy bắt chim trời trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Kết quả, tịch thu tiêu hủy 91.300 bẫy que dính, 18.465 cò mồi xốp, tháo 247 bẫy kẹp, 41.536m2 lưới, 77 bộ loa dụ chim và 24 bình ắc quy, 22 máy phát tiếng chim, cứu hộ thả 890 cá thể chim sống về tự nhiên.
Trên thực tế, cán bộ kiểm lâm cơ sở còn đối mặt với không ít khó khăn sau khi tiếp nhận ĐVHD. Đối với những cá thể bị thương, tình trạng sức khỏe không tốt thì việc cứu hộ khá phức tạp. Một phần do đa số cán bộ kiểm lâm chưa được đào tạo, tập huấn để có những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất để phục vụ việc nuôi nhốt tạm thời ĐVHD rất thiếu thốn.

Ông Lê Ngọc Tuấn- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế trao đổi thêm về một số tồn tại trong công tác bảo vệ ĐVHD: “Lực lượng kiểm lâm thành phố Huế hiện quản lý hơn 300 nghìn ha rừng, trong đó có khoảng 200 nghìn ha rừng tự nhiên. Chúng tôi đã và đang phải đối mặt nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thứ nhất, một số người dân sinh sống ở vùng đệm rừng do nhu cầu mưu sinh, nâng cao thu nhập nên vẫn lén lút vào rừng săn bắt, bẫy thú. Thứ hai, mặc dù các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, giáo dục nhưng một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, giá trị của công tác bảo tồn ĐVHD, cân bằng sinh thái. Thứ ba, hiện chúng tôi chưa có nguồn kinh phí để trao thưởng nhằm khích lệ những người dân tự giác giao nộp ĐVHD. Tiếp đó là việc kiểm tra, giám sát những trường hợp vận chuyển ĐVHD trái phép trên đường bộ cũng không dễ dàng do hầu hết các cá nhân vi phạm đều che giấu kỹ lưỡng, tinh vi. Ngoài ra, không ít nhà hàng kinh doanh ăn uống vẫn dùng các thủ thuật, chiêu bài nhằm đối phó với cơ quan chức năng, lén lút tiêu thụ ĐVHD. Cụ thể, khi thực khách đưa ra yêu cầu thì chủ nhà hàng mới gọi điện để đem ĐVHD từ nơi khác tới, nên việc bắt quả tang, xử lý rất khó khăn.”
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố Huế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng về quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Đáng chú ý là Chỉ thị số 58-CT/TU ngày 16/9/2024 của Ban thường vụ Tỉnh ủy (nay là Thành ủy) về tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn; Kế hoạch số 413/KH-UBND ngày 12/11/2024 của UBND tỉnh (nay là UBND thành phố) về tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm…
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, phương hướng hành động của lực lượng kiểm lâm thành phố Huế là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, đặc biệt tại các điểm nóng liên quan đến ĐVHD. Yêu cầu hàng đầu là phải bảo đảm sự minh bạch, chính xác trong việc xử lý trường hợp vi phạm. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng với các đối tượng là thợ săn, người hay đi rừng, chủ nhà hàng kinh doanh đặc sản, cơ sở chữa bệnh bằng đông y, thậm chí cả với những người dân có điều kiện kinh tế tốt. Rất nhiều người dân còn chưa ý thức được rằng việc sử dụng trái phép mật gấu, vảy tê tê, cao hổ… đều có thể bị xử lý hình sự. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ ĐVHD cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý những hành vi vi phạm cần được điều chỉnh để tăng tính răn đe, những cán bộ thuộc lực lượng chức năng phải thực sự công tâm, nghiêm minh, liêm chính.
Cán bộ kiểm lâm thành phố Huế tiến hành thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên. (Tư liệu do Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế cung cấp)
Nguyễn Sơn