Sau nhiều tháng tích cực chuẩn bị, đến nay, các DN tham gia chương trình bình ổn giá trên địa bàn Hà Nội đã sẵn sàng nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Tích cực dự trữ hàng hóa
Nhằm ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, UBND TP Hà Nội đã hỗ trợ DN tham gia chương trình bình ổn giá trên 236 tỷ đồng với lãi suất vay 0% dự trữ 7 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đến nay, UBND TP đã giải ngân 60% tổng số kinh phí bình ổn giá cho các DN thực hiện dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường những tháng cuối năm.
Người dân huyện Ba Vì mua hàng bình ổn giá tại phiên chợ Tết 2015. Ảnh: Minh Ngọc
Thông tin từ các DN tham gia chương trình bình ổn giá cho thấy, ngoài nguồn vốn được TP hỗ trợ lãi suất, thông qua chương trình kết nối ngân hàng, các DN đã vay 264,9 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi từ 6 – 9%/năm, đồng thời tự chủ động dự trữ hàng hóa với số tiền lên đến 1.493 tỷ đồng. Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, sau khi được UBND TP hỗ trợ vốn, hiện, các DN tham gia chương trình bình ổn giá đã dự trữ 5.900 tấn gạo, 3.400 tấn thịt lợn, 971 tấn thịt gà, 9,2 triệu quả trứng gia cầm, 1.100 tấn thủy sản đông lạnh, 5.100 lít dầu ăn, 4.100 tấn rau, củ; 2000 tấn thực phẩm chế biến… Với số tiền lên đến 2.093 tỷ đồng.
Theo bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, căn cứ vào dự báo mức tiêu dùng của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2016, các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa. Đồng thời gắn công tác bình ổn thị trường Tết với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó từng bước xây dựng nét văn hóa tiêu dùng hàng Việt cho người dân trên địa bàn Thủ đô.
Hơn 1.000 điểm bán hàng bình ổn
Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân, bên cạnh việc tăng cường dự trữ hàng hóa, đòi hỏi các DN đẩy mạnh hoạt động bán hàng thông qua chương trình bình ổn giá qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá giả tạo.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Để đưa hàng bình ổn giá, hàng Việt tới tay người tiêu dùng, Sở và các DN bán lẻ sẽ tổ chức 1.164 điểm bán hàng bình ổn giá với các mặt hàng thiết yếu; 12 phiên chợ Việt, 9 Tuần hàng Việt, 184 chuyến bán hàng lưu động ở các huyện ngoại thành, khu công nghiệp…
Ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết, đơn vị đảm bảo dự trữ đầy đủ lượng hàng bình ổn giá thiết yếu để cung ứng ra thị trường phục vụ Nhân dân, nhất là các mặt hàng tươi sống. “Hiện nay, hàng Việt Nam được người dân tin dùng chiếm 80 – 90% trong hệ thống bán lẻ của Hapro. Qua bán hàng ở nông thôn, đến vùng sâu, vùng xa chúng tôi đã đưa hàng Việt có chất lượng đến với người dân” – ông Vượng khẳng định.
Tại hội nghị về công tác cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các DN ngành thương mại đặc biệt là DN tham gia chương trình bình ổn giá mở rộng mạng lưới bán hàng, trong đó ưu tiên khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc, các khu công nghiệp… qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Sở Công Thương, GTVT, Công an TP tạo thuận lợi cho DN cung ứng kinh doanh hàng Tết; Không để xảy ra tình trạng kiểm tra tràn lan, không có căn cứ, gây phiền hà cho DN. Sở Công Thương cần chú trọng liên kết với các tỉnh, TP để hỗ trợ DN Hà Nội tìm kiếm, khai thác hàng hóa phục vụ Nhân dân; đồng thời, hỗ trợ các tỉnh, TP khác tiêu thụ hàng hóa.
9 điểm bán hàng Tết ở ngoại thành
UBND TP Hà Nội đang đốc thúc các đơn vị, DN kinh doanh chuẩn bị tốt hàng hóa để tổ chức các chuyến bán hàng lưu động Tết (chủ yếu hàng Việt Nam) tại khu vực nông thôn, ngoại thành… phục vụ Nhân dân mua sắm dịp Tết Bính Thân 2016. Theo đó, 9 điểm bán hàng tập trung gồm (đợt I) từ ngày 27 – 31/1 tại các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Gia Lâm, Sóc Sơn; đợt II, từ ngày 1 – 5/2 tại các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Trì, Phú Xuyên, Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long. UBND TP giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng đảm bảo cung ứng hàng hóa chất lượng, giá cả ổn định tránh thiếu hàng, ép giá ảnh hưởng người tiêu dùng… (Anh Quý)
Lê Nam
Theo KTĐT