Seatimes – (ĐNA). Trong tháng 5/2024, đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tham dự hội nghị của Ủy ban di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương để bảo vệ Hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới. Nếu thành công, đây sẽ là Di sản Ký ức thứ 4 của cố đô Huế được UNESCO ghi danh sau các di sản Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016)…
Cửu đỉnh- 9 chiếc đỉnh đồng do vua Minh Mạng cho đúc năm 1835 hiện đặt tại Thế Tổ Miếu. Đây là một bộ “Đại Nam nhất thống chí bằng đồng” của Việt Nam đầu thế kỷ 19.
Đưa bảo vật Cửu Đỉnh trở thành di sản Ký ức thế giới
Di sản Ký ức thế giới (hay Di sản Tư liệu thế giới) là một trong các loại hình di sản được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) quy định và vinh danh. Tại Việt Nam hiện nay đã có 9 di sản ký ức thế giới của UNESCO, trong đó 3 di sản cấp độ thế giới, 6 di sản cấp độ châu Á- Thái Bình Dương: Mộc bản triều Nguyễn (2009), bia tiến sỹ Văn Miếu Thăng Long (2010), Châu bản triều Nguyễn (2017); cấp độ Khu vực châu Á- Thái Bình Dương có 4 di sản: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang (2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Mộc bản trường học Phúc Giang – Hà Tĩnh (2016), Hoàng Hoa sứ trình đồ – Hà Tĩnh (2018), Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (2002), Văn khắc ma nhai Ngũ Hành Sơn (2022).
Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh bằng đồng do hoàng đế Minh Mạng cho đúc từ năm 1835-1837, sau khi hoàn thành được đặt trong sân của Thế Tổ Miếu, bên trong hoàng cung Huế và vẫn còn nguyên vẹn cho đến nay. Chín chiếc đỉnh đồng này có kích thước rất lớn, cao trung bình 2,3m, trọng lượng từ hơn 1,9 tấn -2,6 tấn, trên thân mỗi đỉnh đều khắc nổi tên gọi, năm đúc, trọng lượng cùng 17 hình ảnh mang tính biểu tượng cao về núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm thiêu biểu do con người làm ra, phản ánh một cách độc đáo nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Việt Nam trong thế kỷ XIX, đồng thời thể hiện tài năng đặc biệt của những nghệ nhân đúc đồng nước ta hồi ấy.
Cửu đỉnh còn hàm chứa quyền lực của vương triều bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ và thiên nhiên của đất nước (kể cả vùng trời và biển), cùng với sức mạnh bảo vệ chủ quyền sở hữu ấy. Có thể xem các hình tượng trên Cửu đỉnh là một bộ “Địa dư chí” được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta ở thế kỷ XIX, tuy không nhiều nhưng điển hình, và bao hàm rất đầy đủ.
Nghệ nhân khi thể hiện những hình trên Cửu đỉnh đã thoát ra ngoài cái nhìn cố định, không lệ thuộc vào trạng thái tự nhiên của vật thể, cũng như tỷ lệ kích thước của chúng, mà họ đã sáng tạo bằng sự sắp xếp lại cho vừa một mảng diện tích tương đương nhau trên bầu của đỉnh. Với kỹ thuật khắc nổi vừa phải, các hình trên Cửu đỉnh tuy để trang trí mặt ngoài bầu, nhưng không lặp lại quy luật trang trí dải, mà mỗi hình như là một tác phẩm điêu khắc độc lập, giàu tính nhân gian, được khắc lên thân đỉnh, tạo ra một nhịp điệu uyển chuyển. Sự đa dạng, tính thống nhất, cái tinh tế và sự hài hòa đã thể hiện tư duy của nghệ nhân đúc đồng thời bấy giờ: một tư duy sáng tạo và năng động. Những đánh giá của vua Minh Mạng khi khánh thành bộ Cửu đỉnh: cả thảy đều “to lớn sừng sững, đứng cao, không vết nứt nẻ chút nào”, đã chứng tỏ trình độ đúc đồng thời đó đã phát triển đến đỉnh cao hoàn mỹ, xứng đáng “dành làm của báu cho con cháu đời sau” như tâm nguyện của vua Minh Mạng.
So sánh với các tiêu chí của UNESCO về Di sản tư liệu-Di sản Ký ức, Cửu đỉnh hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về Ý nghĩa lịch sử, Hình thức và kiểu dáng, Ý nghĩa xã hội, Bình đẳng giới, Tính cộng đồng và tinh thần, Tính độc đáo, hiếm có, Tình trạng toàn vẹn, đầy đủ… Có thể khẳng định, Cửu đỉnh là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy Cửu đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia ngay trong đợt đầu tiên (ngày 1/1/2012), và tỉnh Thừa Thiên Huế rất tự tin khi chọn Bảo vật này để xây dựng hồ sơ, trình Ủy ban Di sản ký ức Thế giới của UNESCO.
TS. Vũ Thi Minh Hương, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia Việt Nam cùng Chủ toạ Hội nghị MOWCAP 2024 đang diễn ra tại Mông Cổ, 6-10/5/2024.
Từ 6-10/5/2024, đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tham dự Hội nghị MOWCAP 2024 đang diễn ra tại Mông Cổ, (Hội nghị của Ủy ban di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương) để bảo vệ Hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới./.
TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế
Ảnh: Bảo Minh.