Seatimes – (ĐNA). Chiều 22/10/2024, trong chương trình kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trình Quốc hội về dự án Luật Dữ liệu. Dự thảo Luật Dữ liệu quy định việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia do Chính phủ quyết định, đây sẽ là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an.
Theo dự thảo luật, các thành phần công nghệ thông tin chính của Trung tâm dữ liệu quốc gia gồm nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu; cơ sở hạ tầng điện toán đám mây; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý; cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống, phần mềm quản lý, khai thác, cung cấp dịch vụ dữ liệu, cổng dữ liệu mở, cổng dịch vụ dữ liệu có thu phí.
Một trong những trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia là tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, phân tích, khai thác dữ liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội theo quy định pháp luật nhằm tạo lập, quản trị cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ thu hút, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện vận hành, quản trị hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế trong quản trị dữ liệu.
Căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trong các giai đoạn đầu tư tiếp theo phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 – 2030 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp nhất với sự phát triển của công nghệ.
Hiện nay, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia đang triển khai thực hiện trên cơ sở thi hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30.10.2023 của Chính phủ (dự kiến chi phí xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trong giai đoạn 1, đến năm 2025 là khoảng 20.000 tỉ đồng).
Đề nghị làm rõ các phương án ứng phó những vấn đề phát sinh
Báo cáo thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến cho rằng đây là dự án luật hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia… nên cần xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia. Việc này sẽ giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực hạ tầng, công nghệ; giải quyết vấn đề hạn chế của các hệ thống thông tin, việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan; tăng cường hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý nhà nước; tiết kiệm nguồn lực đầu tư…
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ, tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đáng chú ý, việc tập trung khối lượng lớn thông tin dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia bên cạnh những ưu điểm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin. Vì thế, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh.
Một số ý kiến khác cho rằng thực tế đã xảy ra một số sự cố (do con người hoặc do thiên tai) đối với trung tâm dữ liệu quốc gia, dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội trong một thời điểm nhất định.
Để bảo đảm chủ động cho hoạt động thường xuyên, liên tục của việc kết nối dữ liệu và giảm tối đa thiệt hại về kinh tế cho đất nước, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định về trung tâm dự phòng dữ liệu quốc gia.
Trong khi đó, ý kiến khác nhất trí về việc hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia nhưng đề nghị nghiên cứu để xây dựng trung tâm là một đơn vị mới thuộc Chính phủ. Có như vậy mới đủ khả năng, tiềm lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Hoàng Hạnh